Chiều 16/3, nhân chuẩn bị kỷ niệm 86 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2017), viện Huyết học và Truyền máu Trung ương tổ chức buổi gặp mặt cán bộ Đoàn và Hội qua các thời kỳ đã tham gia công tác hiến máu tình nguyện.
Theo đó, buổi gặp mặt các cán bộ Đoàn, Hội có nhiều năm gắn bó với công tác hiến máu tình nguyện đã ôn lại những kỷ niệm khó quên từ những ngày đầu tiên phát động phong trào hiến máu nhân đạo từ năm 1994 đến nay.
Thay mặt lãnh đạo Viện, GS.TS Nguyễn Anh Trí đánh giá cao và ghi nhận những đóng góp quan trọng của các bộ Đoàn, Hội đã tham gia và luôn đồng hành cùng công tác hiến máu tình nguyện. Đồng thời khẳng định vai trò vô cùng quan trọng của đội ngũ cán bộ Đoàn, Hội đã xây dựng, đặt nền móng đầu tiên cho phong trào hiến máu tình nguyện ngày càng phát triển và đang được nhiều tầng lớp nhân dân hưởng ứng tích cực. Hiến máu nhân đạo cứu người là một hành động cao cả, một nghĩa cử cao đẹp thể hiện sự hiểu biết, lòng nhân ái và trách nhiệm của mỗi cá nhân với cộng đồng.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, GS.TSKH Đỗ Trung Phấn, nguyên Viện trưởng viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, một trong những người góp công lớn trong việc tuyên truyền, phát động phong trào hiến máu nhân đạo đầu tiên tổ chức năm 1994 nhấn mạnh: “Công tác tuyên truyền, vận động hiến máu nhân đạo từ trước đến nay vẫn rất khó khăn. Cần làm thế nào để đưa phong trào hiến máu tự nguyện trở thành việc làm, nghĩa cử thường xuyên của mỗi người".
Có mặt tại buổi gặp mặt, các đại biểu đều cho rằng, với truyền thống “Thương người như thể thương thân”, hiến máu cứu người là một việc làm rất cụ thể, rất nhân đạo và đầy tính nhân văn; thể hiện lòng yêu thương con người của dân tộc Việt Nam.
Hằng ngày, hằng giờ, trên cả nước luôn gặp phải những hoàn cảnh rất khó khăn vì không có đủ máu kịp thời cung cấp cho những ca cấp cứu. Chỉ cần hiến một phần máu của mình bạn đã cứu được nhiều người trước nguy cơ mất người thân, bạn bè và trước tiên là cứu được tính mạng của chính các người bệnh đang cần đến máu.
Mỗi giọt máu là biểu hiện của sự sống và tiếp sức cho sự sống. Khi dòng máu chảy trong cơ thể một người chỉ là để duy trì sự sống nhưng cũng dòng máu ấy chảy trong cơ thể nhiều người thì nó trở thành một làn sóng của yêu thương, là tinh thần “đồng bào” cao đẹp.
TS Ngô Mạnh Quân - Trưởng khoa Vận động và Tổ chức hiến máu (viện Huyết học và Truyền máu Trung ương) cho biết: “Kể từ cuộc phát động hiến máu tình nguyện từ năm 1994 đến năm 2016, trên cả nước đã tiếp nhận tổng cộng trên 11 triệu đơn vị máu.
Hiện, lượng máu tiếp nhận mới đáp ứng được 70% nhu cầu cho điều trị. Thực tế, nhiều ca bệnh ở vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo cần được truyền máu nhưng chưa được truyền kịp thời nên rất khó khăn.
Điều rất đáng mừng là số đơn vị máu tiếp nhận từ hiến máu tình nguyện tính hết năm 2016 chiếm đến 98%. Trong đó, có khoảng 60% là học sinh, sinh viên, thanh niên.
Công tác dự trữ máu rất quan trọng và để có ngân hàng máu luôn sẵn sàng cho bệnh nhân, rất cần có người hiến máu. Như vụ tai nạn ở Lào Cai vừa qua, ngay trong đêm, viện Huyết học và Truyền máu Trung ương đã chuyển gấp 240 đơn vị máu sẵn sàng truyền máu cho mọi trường hợp cần máu gấp”.
Theo các chuyên gia, ngoài việc cứu sống tính mạng con người, hiến máu còn mang lại sức khoẻ cho chính người hiến máu. Khoa học đã chứng minh việc hiến máu theo hướng dẫn của bác sỹ có lợi cho sức khỏe, nếu một người mất đi 10–15% lượng máu thì không ảnh hưởng gì đến lượng máu tuần hoàn trong cơ thể vì ngay lúc đó, máu dự trữ sẽ được đưa ra lưu thông trong tuần hoàn máu.
Khi tham gia hiến máu, máu của người hiến sẽ được đổi mới hằng ngày, sản sinh lượng máu mới, các cơ quan sản sinh máu được kích thích và quá trình sinh tạo máu sẽ hoạt động với tốc độ gấp 8-10 lần so với bình thường. Hoạt động này nhằm nhanh chóng lấy lại sự cân bằng của cơ thể.
Sau khi hiến máu khoảng 3-4 tuần, các thành phần trong máu phục hồi lại gần như bình thường, khi đó các thành phần trong máu được trẻ hoá, nâng cao sức đề kháng chống bệnh tật. Hiến máu nhiều lần giảm nguy cơ ứ đọng sắt và giảm nguy cơ bệnh tim mạch, rất có lợi đối với người có quá nhiều hồng cầu, sắt và lượng máu đặc. Hiến máu là cách tự kiểm tra và giám sát sức khoẻ của mình.
Vũ Phương – Thành Long