Khi một người nào đó cho đi một phần cơ thể mình để cứu giúp, đem lại sự sống cho người khác thì người ấy đã trở thành bất tử, thành anh hùng trong trái tim những người còn sống. Hiến tặng mô, tạng là một hành động đẹp, là món quà tặng cuộc sống vô giá, là chìa khóa hóa giải nỗi đau, là một trong những giải pháp hữu hiệu giảm sức ép cho xã hội, cho ngành y tế, quỹ bảo hiểm y tế... Báo Người Đưa Tin trân trọng gửi đến độc giả loạt bài “Hiến tặng mô, tạng – Quà tặng cuộc sống vô giá”. Loạt bài khắc họa những chân dung bình dị nhưng vô cùng cao cả, quan niệm của giới chuyên môn về cái chết toàn thây, về thực trạng và nhu cầu hiến – ghép mô tạng ở Việt Nam.
Để tìm hiểu rõ về thực trạng hiến tạng ở nước ta, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó giám đốc Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (Bộ Y tế).
Số ca được ghép tạng còn rất hạn chế
Ông có thể cho biết, nhu cầu về ghép mô, tạng ở nước tay hiện nay ra sao?
Nhu cầu ghép mô, tạng ở Việt Nam rất lớn. Cả nước có khoảng hơn 6.000 người suy thận chờ ghép. Bên cạnh đó, chỉ tính tại một số thành phố lớn đã có trên 1.500 người có chỉ định ghép gan. Ngoài ra, có khoảng 300.000 người mù do các bệnh lý giác mạc; hàng trăm người chờ ghép tim, phổi.
Nhìn rộng ra sẽ thấy, một loạt các hệ lụy xã hội: Người bệnh trở thành “gánh nặng” cho gia đình, xã hội khi không thể làm việc, lao động cống hiến như bình thường; chất lượng cuộc sống của họ theo đó cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ngành y tế vì thế mà cũng bị quá tải. Quỹ bảo hiểm y tế cũng bị ảnh hưởng không nhỏ khi số người suy tạng có thẻ bảo hiểm y tế ngày một tăng cao.
Những con số trên cũng cho thấy một số lượng không nhỏ người bệnh đang mong chờ ghép tạng, cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Vậy, thực tế, đã có bao nhiêu bệnh nhân có được may mắn đó?