Khi nói đến câu chuyện cả gia đình TS. Đặng Hoàng Giang cùng nhau đi đăng ký hiến tạng sau khi chết hoặc chết não, ông Nguyễn Hoàng Phúc nói rằng ông thực sự trân quý trước quyết định của cả gia đình TS. Đặng Hoàng Giang.
Ông Phúc nói: “Cách đây gần năm, một bác sĩ bệnh viện K có chia sẻ về câu chuyện cả một nữ bệnh nhân ung thư đã quyết định thuyết phục gia đình để đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi qua đời. Và anh Giang đã đến trung tâm để tìm hiểu về việc hiến tạng và chúng tôi biết nhau, rồi nhiều câu chuyện tử tế cứ tiếp nối… Cho đến một ngày, anh bày tỏ sẽ cùng gia đình đến trung tâm đăng ký hiến tạng chứ không phải đến một mình.
Đấy thực sự là một quyết định rất đặc biệt. Bởi, họ thực sự hiểu sâu sắc được ý nghĩa của việc đăng ký hiến tạng và việc làm đó xuất phát từ sự cảm thông, chia sẻ tình người. Anh Giang hẹn chúng tôi ngày 29/12/2017 sẽ tới trung tâm nhưng ngày 28/12 anh và cả gia đình đã xuất hiện để cùng làm việc… cần làm. Một việc làm mà không phải ai trong 90 triệu dân Việt Nam cũng có cơ hội biết tới”.
Khi nói về quyết định của cô bé Mai An, ông Phúc cho biết thêm: “Hôm đó, cô bé khá lưỡng lự khi quyết định đặt bút tích vào ô “hiến tim” và muốn giấu danh tính. Khi bố mẹ bé hỏi vì sao thì cô bé nói rằng: ‘Con cảm thấy sợ’. Tuy nhiên, sau khi cha mẹ của cô bé giải thích: ‘Khi con không còn trên cõi đời này nữa và hãy thử tưởng tượng tim của mình vẫn đập, cứu sống một mạng người’ thì cô bé không còn do dự nữa.
Đồng thời, cũng đồng ý tiết lộ danh tính của mình, chia sẻ với cộng đồng. Còn cô bé Mai Chi (chị gái của bé Mai An- PV) khi được hỏi thì chỉ khẽ cười nói việc hiến tạng có xảy ra sau khi ra đi như là một sự tất yếu, tự nhiên sao phải nghĩ. Họ không chỉ dạy mà còn trao cho con một bài học vô cùng tuyệt vời, đó là bài học về tình yêu thương, về sự sẻ chia”.
Ông Nguyễn Hoàng Phúc cũng cho biết thêm, bé Mai An không phải là trường hợp người dưới 18 tuổi đăng ký hiến tạng sau khi chết, chết não đầu tiên ở trung tâm nhưng bé Mai An là bé nhỏ tuổi nhất đến trung tâm đăng ký hiến tạng cùng gia đình.
Trước đó, đã có khá nhiều người dưới độ tuổi này đăng ký hiến. Nhưng đây là trường hợp một gia đình trọn vẹn đầu tiên (gồm 4 thành viên) cùng đăng ký hiến tạng sau khi chết hoặc chết não và cả bố mẹ cô bé đều ký xác nhận vào lá đơn đăng ký hiến tạng của 2 chị em.
Theo lời chia sẻ của vị Phó Giám đốc trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép tạng trên cơ thể người thì ghép tạng là phương pháp điều trị cuối cùng cho bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, hiểm nghèo do các mô, tạng bị suy giảm chức năng, không hồi phục được.
Ông Nguyễn Hoàng Phúc bày tỏ sự trăn trở: “Nhu cầu ghép mô, tạng ở Việt Nam hiện nay rất lớn. Cả nước hiện có khoảng 6.000 người bị suy thận mạn tính cần được ghép thận. Cả nước có khoảng 300.000 người mù do các bệnh lý giác mạc...
Thế nhưng, số lượng người hiến tạng tại Việt Nam lại ít và khan hiếm. Tính đến ngày 26/12/2017 cả nước mới có có 11.663 người đăng ký hiến tạng sau khi chết, chết não. So với 90 triệu dân thì đây là con số vô cùng bé nhỏ, nhưng nếu so với năm 2013 từ không người đăng ký hiến tạng, đến nay có được con số đó cũng thật đáng để suy ngẫm”.
Cống hiến cùng Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia từ ngày mới thành lập, ông Phúc đã chứng kiến nhiều câu chuyện về những người đồng ý hiến tạng đầy xúc động. Ông Phúc nhớ lại: “Tôi từng có một cô em họ, cô ấy cũng là một phóng viên năng động, trẻ trung và đầy hoài bão. Nhưng rồi một ngày, cô ấy phát hiện mình bị ung thư giai đoạn cuối.
Khi hai anh em gặp nhau trên giường bệnh, cô ấy đã nói với tôi: "Mọi việc cần làm em đã làm, chỉ tiếc không còn cơ hội hiến tạng vì sẽ làm lây bệnh cho người khác". Tôi đã chia sẻ và giải thích với em rằng: "Ai cũng có thể đăng ký hiến tặng mô, tạng được, còn lấy được mô, tạng hiến ấy hay không là chuyện của bác sĩ, là chuyện của ngày mai. Mà .. ngày mai thì chưa tới, sao phải nghĩ? Chưa nói đến, cho dù bị ung thư thì giác mạc vẫn có thể tiếp nhận mà không hề ảnh hưởng bởi bệnh tật". Khi nghe đến đây, ánh mắt cô ấy sáng bừng lên và đã đặt bút ký vào lá đơn đăng ký hiến tặng mô, tạng.
Mẹ của cô ấy ấy thấy vậy cũng thốt lên: 'Vậy mẹ cũng đăng ký hiến cùng con gái’. Rồi cũng chỉ khoảng chục ngày sau cô ấy ra đi, với một sự thanh thản, bình an đến tận giây phút cuối cùng và giác mạc của cô đã được tiếp nhận, mang lại ánh sáng cho 2 người mù mà cô không hề quen biết”.
Nói về trường hợp trẻ hiến tạng nhỏ tuổi nhất, ông Nguyễn Hoàng Phúc cũng tiết lộ: “Cậu bé dưới 10 tuổi ở Ninh Bình không may qua đời, bố mẹ của bé đã quyết định hiến giác mạc tại ngân hàng bệnh viện Mắt Trung ương, trước đó bé không hề đăng ký trước nhưng sau khi mất đi, bố mẹ bé chính là người đã đưa ra quyết định tuy khó khăn nhưng lại cứu giúp được những người khác, đó là hành động vô cùng cao quý”.
Ông Nguyễn Hoàng Phúc chia sẻ, không phải ông làm trong lĩnh vực điều phối hiến, ghép tạng thì nói tốt về điều này. Nhưng từ những lợi ích nhìn thấy ngay trước mắt của việc hiến tạng.
Ông Phúc khẳng định: “Từ lúc người đồng ý hiến tạng cầm tấm thẻ đăng ký hiến tạng trên tay thì họ chính là người thực sự hạnh phúc nhất, bởi từ giây phút ấy họ biết rằng nếu không may mình qua đời thì những bộ phận mà họ đã đăng ký hiến tặng sẽ mang lại sự sống cho bất kỳ ai, dù họ không hề quen biết và sự ra đi của họ thực sự không còn vô nghĩa. Tôi chưa hề thấy bất kỳ ai khi nhận tấm thẻ đăng ký hiến tặng mô, tạng trên tay mà họ không nở nụ cười hạnh phúc”.
“Theo thống kê của Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia, mỗi năm có khoảng 10.000 người chết vì tai nạn giao thông. Chỉ cần 1% trong số người chết đó đăng ký hiến tạng thì có thể cứu sống được hàng ngàn người khác.
Bởi một người chết não có thể hiến được toàn bộ nội tạng và có thể cứu được 8 người khác. Trên thế giới, có đến 90% số tạng được lấy từ người chết não, còn ở Việt Nam thì ngược lại - có đến 90% tạng được lấy từ người hiến sống”, ông Phúc cho biết.