Cụ thể, tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2021 với chủ đề “Cơ hội trong thị trường bùng nổ”, diễn ra sáng 9/12, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Trần Quốc Phương cho biết thị trường M&A Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ với hàng nghìn thương vụ được thực hiện thành công, đạt tổng giá trị hơn 50 tỷ USD.
8,8 tỷ USD trên thị trường M&A
Trong hơn một thập kỷ qua, M&A đã trở thành một kênh huy động vốn hiệu quả góp phần đa dạng hóa các kênh thu hút vốn cho nên kinh tế Việt Nam.
Năm 2021, mặc dù chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, nhưng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, bao gồm cả dòng vốn đầu tư thông qua M&A, vẫn có sự tăng trưởng.
Tính đến cuối tháng 11/2021, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 26,46 tỷ USD, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó, đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đạt gần 4,4 tỷ USD.
Viện nghiên cứu đầu tư và mua bán sáp nhập doanh nghiệp ước tính rằng:"Tổng giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam 2021 đạt khoảng 5,5 tỷ USD trên 400 thương vụ, tăng trưởng mạnh so với mức 3,5 tỷ USD trên 250 thương vụ cùng kỳ năm ngoái".
Theo báo cáo phân tích của Công ty kiểm toán KPMG, 10 tháng năm 2021, tổng giá trị các giao dịch M&A tại Việt Nam đạt 8,8 tỷ USD với hơn 500 thương vụ giao dịch được công bố. Trong đó, giá trị giao dịch được thực hiện bởi các nhà đầu tư trong nước chiếm 1,6 tỷ USD với hơn 130 thương vụ giao dịch. Đặc biệt, có 5 công ty hàng đầu trong nước thực hiện các thương vụ M&A có giá trị giao dịch lên đến 1,1 tỷ USD trong tổng số 1,6 tỷ USD.
Ông Warrick Cleine, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc KPMG Việt Nam và Campuchia cho biết: "So với năm 2020, giá trị giao dịch M&A tại Việt Nam năm 2021 tăng trưởng 18%. Trong đó, giá trị các giao dịch M&A đến từ các ngành tiêu dùng thiết yếu, bất động sản và tài chính thu hút nhiều đầu tư nhất, chiếm 58% tổng giá trị các giao dịch".
Theo phân tích của ông Warrick Cleine, với sự tăng trưởng của tầng lớp trung lưu, dân số đông và tốc độ đô thị hóa nhanh, miếng bánh thị phần này sẽ còn tiếp tục tăng trưởng trong tương lai.
Hoàn thiện môi trường đầu tư, tạo bàn đạp vững chắc
Dự đoán về bối cảnh năm 2022 tới đây, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh: "Đây sẽ là năm quan trọng tập trung phục hồi nhanh nền kinh tế, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu thuộc kế hoạch 5 năm 2021-2025 và chiến lược 10 năm 2021-2030."
“Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang nghiên cứu, tham mưu Chính phủ xây dựng “Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội” - Đây là một chương trình tổng thể, có quy mô đủ lớn, hỗ trợ cả về phía cung và phía cầu, thực hiện một cách linh hoạt, phù hợp giữa chính sách tài khóa và tiền tệ, gắn kết chặt chẽ với Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm và Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, các kế hoạch đầu tư công, kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế”, Thứ trưởng chia sẻ tại diễn đàn.
Mới đây, “Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025” cũng đã được Quốc hội thông qua, với nhiều điểm đột phá về hoàn thiện thể chế, chính sách, thúc đẩy mạnh mẽ việc cơ cấu lại không gian kinh tế, cơ cấu lại các ngành, cơ cấu lại đầu tư công, các tổ chức tín dụng, cơ cấu lại các doanh nghiệp nghiệp nhà nước… Đây cũng sẽ là một động lực quan trọng để thu hút các nguồn lực cả trong và ngoài nước cho kinh tế phục hồi và tăng tốc.
Bên cạnh đó, các FTA thế hệ mới, như Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu - EU (EVFTA), FTA Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) mà Việt Nam tích cực tham gia được kỳ vọng tạo ra một khu vực thương mại tự do mới có quy mô lớn, tạo điều kiện mở rộng thị trường xuất khẩu, tạo nền tảng, thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tái cấu trúc, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Điều này không chỉ giúp thúc đẩy tăng trưởng thương mại, mà còn góp phần dẫn dòng vốn đầu tư nước ngoài, trong đó có đầu tư thông qua các hoạt động M&A vào Việt Nam.
Song song đó, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết thêm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình chính phủ thông qua “Chiến lược thu hút FDI trong thời kỳ mới” với mục tiêu ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao, tiên tiến, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao,… Chiến lược này là kim chỉ nam để nước ta tăng cường thu hút và tối ưu hóa dòng vốn đầu tư nước ngoài cho giai đoạn phát triển sắp tới.
Phát biểu tại diễn đàn về vấn đề tái cấu trúc, bà Võ Hà Duyên - Chủ tịch Công ty Luật VILAF - cho rằng: "Những hiệp định nêu trên sẽ thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tái cấu trúc hướng tới thiết lập chuỗi giá trị, đầu tư vào công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh… từ đó tạo cơ hội hợp tác sản xuất, kinh doanh, trở thành chất xúc tác cho M&A tăng trưởng".
Bên cạnh đó, khuôn khổ pháp lý cải cách thể chế và môi trường đầu tư kinh doanh đang ngày càng hoàn thiện, sẽ tạo bàn đạp vững chắc, tạo niềm tin cho nhà đầu tư. Theo đó, nhiều đổi mới, cải cách trong thủ tục gia nhập thị trường, thực hiện đầu tư - kinh doanh trong sửa đổi các Luật Doanh nghiệp năm 2020, Luật Đầu tư 2020… đã có hiệu lực và đi vào cuộc sống, tạo hiệu ứng tích cực lên M&A trong năm 2022 và các năm tiếp theo.
Các hoạt động cải cách pháp lý khác bao gồm luật đầu tư và luật doanh nghiệp và xây dựng các luật bảo vệ môi trường nhằm củng cố và thiết lập môi trường hoạt động cho các doanh nghiệp một cách đơn giản hơn.
Tiếp nối Thứ trưởng Trần Quốc Phương, bà Võ Hà Duyên cũng đưa ra dự đoán về năm 2022 rằng: "Năm 2022 là một năm được xem là sức bật cho Việt Nam. Vì các doanh nghiệp Việt Nam cũng như doanh nghiệp FDI ở Việt Nam cũng đã thích ứng rất nhanh đối với những biến chuyển của dịch bệnh và dần chuyển bật nhanh".