Theo thông tin từ bộ Công Thương, trên cơ sở kết quả trao đổi giữa các nước từ sau cuộc họp cấp Bộ trưởng các nước TPP tại Hà Nội vào tháng 5 năm 2017, các Bộ trưởng đã đồng ý với tên gọi mới của Hiệp định TPP gồm 11 thành viên là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Đồng thời ra Tuyên bố chung khẳng định các nước TPP đã thống nhất được những vấn đề cốt lõi của Hiệp định này theo hướng giữ nguyên nội dung của Hiệp định TPP nhưng cho phép các nước thành viên tạm hoãn một số ít các nghĩa vụ để đảm bảo sự cân bằng trong bối cảnh mới.
Các Bộ trưởng cũng nhất trí rằng Hiệp định CPTPP là một Hiệp định toàn diện, có tiêu chuẩn cao trên cơ sở cân bằng lợi ích của các thành viên, có tính đến trình độ phát triển của các nước.
Dựa trên Tuyên bố này, các Bộ trưởng giao các Trưởng đoàn đàm phán tiếp tục xử lý một số vấn đề kỹ thuật hiện chưa đạt được sự đồng thuận cũng như tiến hành việc rà soát pháp lý để chuẩn bị cho việc ký kết.
Thông tin từ bộ Công Thương nhấn mạnh, kết quả đạt được tại Đà Nẵng đã thể hiện nỗ lực rất lớn của 11 nước TPP nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống cho người dân, tạo thuận lợi cho phát triển thương mại và tăng cường hợp tác kinh tế giữa các nước trong khu vực.
Việt Nam với vai trò là nước chủ nhà giúp Nhật Bản đồng chủ trì cuộc họp cấp Bộ trưởng đã có những đóng góp thiết thực và xây dựng vào thành công chung của Hội nghị.
Có thể nói, diễn biến mới của quá trình đàm phán TPP là một trong những nội dung quan trọng thu hút được sự chú ý của dư luận trong suốt thời gian diễn ra Tuần lễ Cấp cao APEC tại Đà Nẵng.
Tờ VnEconomy ngày 11/11 dẫn lời ông Nguyễn Anh Dương, Phó ban Chính sách vĩ mô, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định, CPTPP vẫn giữ được tinh thần của TPP so với nguyên bản đã cho thấy những nhận thức chung, đồng thuận chung của các quốc gia thành viên TPP.
Theo ông Dương, trong bối cảnh mới, quan điểm chính sách ở không ít quốc gia vẫn ủng hộ thúc đẩy thương mại và đầu tư, song trên cơ sở thoả thuận song phương chứ không phải là các hiệp định đa phương.
Tờ này tiếp tục dẫn lời ông Dương cho hay, hiện thực hoá CPTPP là kết quả quan trọng, minh chứng giá trị dài hạn của hội nhập kinh tế đa phương ngay tại châu Á - Thái Bình Dương vốn đang hướng mạnh mẽ tới phát triển bao trùm và liên kết khu vực.
"Cùng với Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định CPTPP có thể được xem là bước đi trung gian để hướng tới một sân chơi rộng lớn hơn, cởi mở hơn cho khu vực. Đó là sự chuẩn bị cho sự ra đời của Khu vực Thương mại Tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP)", ông Dương nhìn nhận.
Thanh Hương (t/h)