Sau trận đó, Trương Hiền bị truy nã gắt gao. Sau 4 năm trốn biệt tăm, hắn trở về lãnh địa cũ (xóm chợ Đông Hà, Quảng Trị) như một đại ca thực sự. Tại đây, nhiều cuộc hỗn chiến giữa Trương Hiền và các băng đảng xã hội đen khác đã liên tục xảy ra.
Mộ Trương Hiền (Toọng) nằm cạnh mộ mẹ
Từ bỏ nguồn gốc
Anh Võ Văn Đông kể lại: Dù biết đã trượt dài trên bước đường tội lỗi và thỉnh thoảng từ trong sâu thẳm tâm hồn vẫn vọng lên những lời thảng thốt mình đang đi vào cõi chết, nhưng Trương Hiền lại không thể dứt bỏ được những việc mà hắn đang làm. Đã dấn thân vào giang hồ thì Trương Hiền phải móc túi, cướp giật, trộm cắp và thậm chí là đánh nhau đến chảy máu, thâm tím mặt mày những khi cần thiết.
Đã có lúc vì tranh giành lãnh địa ở khu chợ Đông Hà mà Trương Hiền đã bị những tên lưu manh đàn anh cho đám đệ tử đánh thừa sống thiếu chết. Sau nhiều lần bị đánh, Trương Hiền càng trở nên chai đòn, lì lợm không thua kém đại ca nào. Cái cục tức trong nó ngày một lớn lên và không khi nào nguôi ý định trả thù.
Xóm Mỹ Dân về đêm chìm sâu trong bóng tối, thỉnh thoảng vang lên những âm thanh não nề, chua chát. Không phải là tiếng chó cắn ma, tiếng vượn hú từ xa vọng lại nhưng cũng đủ làm cho người ta phải bồn chồn, sợ hãi. Đó là lời ru đầy oán trách, não nùng của các cô gái bán dâm không may để lại hậu quả, tiếng rên rỉ của những con nghiện thèm thuốc, tiếng trêu chọc, tí tởn của khách làng chơi gọi gái điếm.
Đâu đó lại có tiếng la hét, bước chân chạy rầm rập và tiếng súng nổ đoàng... đoàng vọng lại của đám cảnh sát săn đuổi côn đồ, trộm cắp, cướp giật. Đã bao lần Trương Hiền bị bắt vào đồn vì tội chống người thi hành công vụ hay trộm cắp tài sản nhà có địa vị. Nhưng nhốt giam, tra tấn chán chê rồi chính quyền lại thả ra vì không cơm đâu mà nuôi một thằng cứng đầu như Trương Hiền.
Những bất công, lừa bịp và tệ nạn xã hội ở xóm Mỹ Dân đã dạy cho Trương Hiền nhiều mánh khóe giang hồ để tồn tại. Từ khi bỏ nhà ra đi, tự lập kiếm sống, Trương Hiền đã thay đổi nhiều, nhiều đến mức mà nó không nghĩ mình là Trương Hiền nữa. Cái tên Trương Hiền mà mẹ đặt cho nó ngày mới chào đời đã dần dần phai nhạt rồi mất đi lúc nào không hay. Đám lính ngụy, cảnh sát chế độ cũ, bọn giang hồ, bụi đời và ngay cả những người dân lương thiện ở cái xóm Mỹ Dân mỗi lần nhắc đến nó đều gọi với cái tên lạ: Toọng.
Cho đến tận bây giờ những người quen biết Trương Hiền như anh Võ Văn Đông cũng không biết cái tên kỳ quặc này xuất xứ từ đâu. Nhưng có lẽ Trương Hiền muốn lấy một biệt danh để sử dụng trong chốn giang hồ mà không liên quan gì đến gia đình mình.
Lần cuối gặp mẹ
Một lần, con trai của một viên trưởng ty Cảnh sát chế độ cũ tỏ thái độ thách thức Toọng, thấy ngứa mắt, Toọng đã bẻ gãy tay và đánh tên này một trận hộc máu mồm để dạy cho nó bài học cũng như khẳng định số má giang hồ của mình. Nhưng sau trận đó, Toọng bị truy nã gắt gao. Quãng thời gian Toọng lưu lạc giang hồ kéo dài đến 4 năm. Toọng đã đi đâu làm gì thì đến anh Võ Văn Đông cũng không biết được, sau này cũng chỉ biết được một phần qua cuốn tiểu thuyết "Người không mang họ". Theo đó Toọng đã vào Nam đi theo một đám Sơn đông mãi võ, được một sư phụ truyền cho võ nghệ cao cường và nổi danh trong giang hồ với biệt danh Đệ nhị mãi võ.
Chợ Đông Hà- lãnh địa của Toọng và đồng bọn những năm trước khi ra thành Vinh
Sau 4 năm trốn biệt tăm, Toọng trở về lãnh địa cũ (xóm chợ Đông Hà) như một đại ca thực sự. Tại đây, nhiều cuộc hỗn chiến giữa Toọng và các băng đảng xã hội đen khác đã liên tục xảy ra; biệt danh Toọng từ đó cũng nổi như cồn. Dù không muốn cuộc đời giang hồ của mình dính dáng đến gia đình nhưng Trương Hiền vẫn không thể làm ngơ hoàn toàn với gia đình mình khi trở về quê hương. Vì vậy lần này trở về, trước lúc làm "việc lớn", y đã quyết định ghé thăm nhà, gặp lại người thân.
Đã 11h khuya, qua khe cửa của căn nhà tranh tồi tàn ẩm thấp, Toọng vẫn nhận ra người mẹ già còm cõi đang ngồi bên ngọn đèn dầu leo lét, cạnh chiếc bàn thờ nghi ngút khói hương. Đưa tay đẩy nhẹ tấm ván cửa, Toọng bước vào nhà cất tiếng gọi: "Mạ (mẹ)...!".
Bằng giọng khàn khàn, đứt quãng, bà Nuôi lên tiếng: "Ai đó?! Ai mà gọi tui bằng mạ rứa?". Hỏi xong, bà vặn cho ngọn đèn sáng hơn và bước lại gần người khách vừa đẩy cửa bước vào. Cố tiến sát gần và nheo mắt nhìn lên, bà Nuôi không thể tin nổi, người khách vừa gọi mạ chính là đứa con tội lỗi của mình. Bà cụ lắp bắp: "Trời ơi, Hiền phải không con? Con trốn ở mô chừng ấy năm trời hả con?". Vừa cất tiếng hỏi, tay run run, bà ôm con vào lòng nức nở khóc trong nghẹn ngào xúc động. Lâu lắm rồi Trương Hiền mới được một cái ôm của người thân, được nghe gọi đúng tên thật của mình.
Sau giây phút ngỡ ngàng mừng mừng tủi tủi, bà Nuôi khuyên con: "Hãy từ bỏ con đường tội lỗi đi con ạ! Đợi trời sáng, mạ đưa con ra đầu thú. Con phạm tội, phải sống chui rúc và bị người đời khinh ghét, mạ đau lòng lắm! Mạ không sống được bao lâu nữa đâu, con!". Thương mẹ, Trương Hiền chỉ biết đứng im mà không thể lên tiếng. Bởi y biết rằng đã dấn thân quá sâu vào giang hồ nên không thể trở thành đứa con ngoan được nữa nhưng cũng không dám hứa suông trong lần gặp có thể là lần cuối cùng này.
Quyết làm đại ca
Dù biết mẹ là người cương trực, không bao giờ chấp nhận những việc làm phạm pháp của con, lại càng không thể dùng những đồng tiền do phi pháp mà có, nhưng trước lúc từ biệt mẹ già, vì mặc cảm là đứa con bất hiếu để mẹ sống một mình trong nghèo khổ, Trương Hiền vẫn dúi mấy chục nghìn đồng vào đáy thúng gạo cho mẹ. Sau câu nói dứt khoát "Mạ giữ gìn sức khỏe, đừng nghĩ về con nữa. Hãy coi như con đã chết rồi", Trương Hiền bước đi thật nhanh vào bóng tối...
Giữa đám người nghìn nghịt của xóm chợ, từng là lãnh địa kiếm ăn của y, sáng nay có một kẻ mang trong mình sự hận thù đang cố lùng sục, tìm mua cho mình một khúc nhị côn và thanh kiếm sắc nhọn. Kẻ ấy chính là Toọng. Hắn đang chuẩn bị cho trận quyết đấu với mấy tên tự xưng là đại ca và đám đàn em của chúng vào trưa nay. Giữa cái nóng hừng hực của mùa hè đổ lửa, một mình Toọng với côn nhị khúc, thanh kiếm trong tay, đi thẳng đến bến gỗ phía Tây xóm chợ Đông Hà để làm việc lớn mà y dự định bấy lâu.
Trước thân hình rắn chắc, cơ bắp nổi cuồn cuộn và đặc biệt là cái máu lì từng biết về Toọng, bọn Khoa "điên", Khoái "đầu gà", Đức "lé” cùng đám đệ tử từng bắt nạt hắn trước đây cũng hơi "chùn". Nhưng ỷ vào số đông, lại cũng là những kẻ có máu lạnh trong đám giang hồ lâu nay nên bọn chúng vẫn thách thức ra mặt. Chỉ mấy câu thách thức qua lại, cả bọn nhất tề xông vào Toọng với đủ loại vũ khí trong tay.
Nhanh như cắt, Toọng nhảy phắt về phía sau, rồi như một con rắn hổ mang, y điên cuồng chồm tới. Chỉ sau vài đòn cước, cùi chỏ, hắn biết ngay sự vụng dại của lũ to xác nhưng bé đầu. Hàng trăm cú đánh liên tiếp, chí tử từ trên bổ xuống, dưới đâm lên nhưng Toọng đều tránh được, khiến đối phương càng thêm sôi máu áp sát. Lừa cho cả bọn vào một hẻm hẹp, Toọng bất ngờ tung ra những đòn cước mạnh như trời giáng vào hai tên đại ca đi đầu, kèm sau đó là cơn mưa nhị khúc vào đầu, mặt từng đứa, khiến chúng rống lên rồi ngả rạp xuống, máu từ đầu, miệng, mũi vung ra tung tóe...
Thanh Anh - Xuân Hồng