Theo thông tin từ Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam, ngày 31/7, tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đã xảy ra 9 trận động đất có độ lớn từ 2.6 đến 3.4, với độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1 km. Các trận động đất này được đánh giá thuộc cấp 0, theo VOV.
Như vậy, trong 4 ngày qua, 59 trận động đất đã xảy ra ở khu vực huyện Kon Plông, tần suất nhiều nhất từ khi khu vực này bắt đầu ghi nhận động đất kích thích xảy ra do quá trình tích nước của hồ chứa thuỷ điện.
Đặc biệt trong ngày 28/7 xảy ra 21 trận động đất, ngày 29/7 xảy ra 25 trận, ngày 30/7 xảy ra 4 trận. Đáng chú ý, trận động đất xảy ra lúc 11h35 phút ngày 28/7 với độ lớn 5 độ richter, cấp độ rủi ro thiên tai cấp 2 ở khu vực tâm chấn và lân cận, là trận động đất có cường độ lớn nhất quan trắc được từ năm 1903 tới nay tại khu vực, khiến nhiều tỉnh, thành phố lân cận rung chuyển, nhiều nhà cửa tại Kon Plông bị rạn nứt.
Chia sẻ xoay quanh vấn đề này với báo Quân Đội Nhân Dân TS Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, từ năm 1903-2020, tại tỉnh Kon Tum chỉ có hơn 30 trận động đất, trận lớn nhất là 3,9 độ richter.
Từ tháng 4/2021 đến nay, tại khu vực huyện Kon Plông liên tục xảy ra động đất kích thích, tình trạng trong một ngày có nhiều trận động đất diễn ra thường xuyên. Tuy nhiên, một ngày trên 20 trận động đất như trong 2 ngày 28 và 29-7 vừa qua là chưa từng xảy ra trước đây.
Cũng theo TS Nguyễn Xuân Anh, hoạt động động đất thường xảy ra theo chuỗi. Động đất kích thích cũng xảy ra theo chu kỳ, có những thời điểm động đất xảy ra dồn dập, có thời kỳ thưa hơn. Trước và sau một trận động đất lớn thường có tiền chấn, dư chấn, tức là có các trận động đất nhỏ. Động đất càng lớn thì tiền chấn, dư chấn càng nhiều. Với những trận động đất rất lớn có thể có hàng trăm trận động đất nhỏ xảy ra trước và sau đó.
Dự báo động đất kích thích tại Kon Tum khó có khả năng lớn hơn 5,5 độ richter và sẽ kéo dài trong nhiều năm, có thể là 10 năm sau đó mới ổn định.
Đáng chú ý, theo Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, đến nay, rất khó để dự báo được chính xác thời điểm xảy ra động đất. Các nhà khoa học chỉ có thể dự báo được độ lớn của động đất. Ngay cả Nhật Bản là một nước thường xuyên xảy ra động đất, các nhà khoa học cũng không dự báo được thời điểm chính xác xảy ra động đất.
Hiện nay, Viện Vật lý địa cầu đã hoàn thiện hệ thống quan trắc động đất với 11 trạm ở tại khu vực huyện Kon Plông và lân cận. Đề tài nghiên cứu về động đất kích thích trong khu vực cũng đã được phê duyệt và đang triển khai. Đây sẽ là cơ sở để làm rõ hơn các vấn đề liên quan động đất kích thích ở khu vực này trong thời gian tới.
Trúc Chi (t/h)