Ngày 5/4, Chủ tịch hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Huỳnh Tấn Vinh đã ký Công văn số 05-04-CV/HHDLĐN gửi Thủ tướng Chính phủ có nội dung “Cảm ơn ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về quy hoạch Sơn Trà”.
Trước đó, ông Vinh là người đã gửi đi công văn kiến nghị Thủ tướng xem xét lại “quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch Quốc gia Sơn Trà, TP.Đà Nẵng. Công văn này nhận được sự đồng tình của dư luận địa phương.
Không lâu sau đó, Công văn số 3206/VPCP-KGVX do Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Tùng ký ngày 3/4, đã truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, giao bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì; phối hợp UBND TP.Đà Nẵng xem xét xử lý các kiến nghị của hiệp hội Du lịch Đà Nẵng theo quy định, trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Nhận được phản hồi này, ông Vinh đã gửi "tâm thư" cảm ơn Thủ tướng. Trong công văn này, vị Chủ tịch hiệp hội Du lịch Đà Nẵng trình bày: "Ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ bước đầu làm cho những người yêu và mong muốn giữ gìn báu vật Sơn Trà bớt đi một phần lo lắng cho số phận của Sơn Trà đang bị xâm hại bởi các dự án du lịch.
Bên cạnh đó, chúng tôi xin vui mừng báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đến thời điểm vào lúc 10h ngày 5/4, đã có 10.361 người ký tên đồng tình với kiến nghị xem xét điều chỉnh lại quy hoạch tổng thể Sơn Trà, theo hướng “không đánh đổi môi trường lấy kinh tế, gây ảnh hưởng cuộc sống bình yên của người dân” và giải cứu Sơn Trà khỏi tình trạng bê tông hóa, do cộng đồng những người yêu Sơn Trà phối hợp với trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh - Green Việt đứng ra kêu gọi".
Trên cơ sở hơn 10.000 chữ ký có được, trong công văn lần này, hiệp hội Du lịch tiếp tục kiến nghị Thủ tướng nhiều vấn đề như: Giữ nguyên hiện trạng, không xây mới các cơ sở lưu trú ở Sơn Trà; chỉ quy hoạch Sơn Trà thành nơi tham quan giải trí để bảo tồn cảnh quan tự nhiên, với sự đòi hỏi nghiêm ngặt về quy chế ứng xử của du khách; hạn chế tối đa việc sử dụng phương tiện cơ giới lưu thông gây tiếng ồn và ô nhiễm; hạn chế triển khai các dự án ở thềm bờ biển tiếp giáp với núi Sơn Trà làm tăng nguy cơ phá hủy rặng san hô ven bờ, làm thay đổi dòng hải lưu, phá hủy bờ biển, ảnh hưởng kinh tế xã hội của dân cư.
Ngoài ra, hiệp hội này còn kiến nghị hợp nhất khu dự trữ thiên nhiên Sơn Trà (được thành lập theo Quyết định số 45/QĐ-TTg) và vùng biển xung quanh đến Nam Hải Vân, để hình thành khu dự trữ sinh quyển quốc tế, như mô hình khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm của Hội An, nhằm mục đích bảo tồn cả hệ sinh thái trên cạn lẫn dưới nước.
Trước đó, báo Người Đưa Tin đã phản ánh, những động thái trên của hiệp hội Du lịch Đà Nẵng và việc kêu gọi 10.000 chữ ký liên quan đến Sơn Trà, bắt nguồn từ việc dư luận xôn xao trước hình ảnh thi công, cày xới nham nhở một phần núi Sơn Trà.
Công trình này là khu nghỉ dưỡng, biệt thự của công ty CP du lịch Biển Tiên Sa. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện có 40 đế móng biệt thự xây dựng trái phép. Trong một số chỉ đạo mới nhất, Thành ủy Đà Nẵng đã yêu cầu chủ đầu tư ngừng thi công, tháo dỡ các hạng mục trái phép.
Nhâm Thân - Duy Cường