Hiệp hội Hữu nghị Triều Tiên (KFA) là một mạng lưới toàn cầu gồm những người ủng hộ nhiệt thành với Triều Tiên, những người tổ chức các hoạt động nhằm tạo ra những quan điểm tích cực đối với Chính phủ Kim Jong-un.
Khi 2 nhà lãnh đạo của Mỹ và Triều Tiên tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai tại Hà Nội trong những ngày tới, Airul Qaiz, một chàng trai 26 tuổi cho biết mình sẽ theo dõi sát sao sự kiện này hơn hầu hết người dân Singapore.
Lý do là bởi Airul hiện đang đứng đầu chi nhánh Singapore gồm 50 thành viên của Hiệp hội Hữu nghị Triều Tiên, một mạng lưới quốc tế bao gồm những người ủng hộ nhiệt thành đối với Triều Tiên, những người tuyên bố có liên kết trực tiếp với Bình Nhưỡng.
Hiệp hội được dẫn dắt bởi Alejandro Cao de Benós, một người Tây Ban Nha có cảm tình với Triều Tiên. KFA cho biết họ có thành viên ở 120 quốc gia mặc dù trang web chính thức tuyên bố họ chỉ có khoảng 30 người bao gồm ở Mỹ, Đức và Thái Lan.
Các chi nhánh của KFA thường tổ chức các cuộc thuyết minh, chiếu phim và hội thảo để thảo luận về tư tưởng xã hội chủ nghĩa của Triều Tiên về sự tự lực, được gọi là tư tưởng “Juche”.
Airul cho biết, anh hy vọng cuộc gặp ngày 27-28/2 giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ mang lại những mục tiêu lâu dài của Bình Nhưỡng như thống nhất với miền Nam và chấm dứt chính thức chiến tranh liên Triều.
Trong khi Hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim lần thứ hai dự kiến sẽ đảm bảo các cam kết cụ thể hơn từ Bình Nhưỡng về vấn đề phi hạt nhân hóa, ông Trump đã chuyển từ hành động sang xem xét một hiệp ước hòa bình cùng với Triều Tiên, hướng tới đóng cửa một số cơ sở hạt nhân của quốc gia này.
Khi được hỏi về lý do hâm mộ Triều Tiên và nhà lãnh đạo Kim Jong-un, Airul cho biết, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên là quốc gia luôn tìm cách để phát triển đất nước và bảo đảm mọi nhu cầu cho người dân.
Quan điểm của anh được xây dựng dựa trên ba chuyến đi tới Triều Tiên, nơi mà anh cho rằng người dân ở Triều Tiên sống nội tâm.
Trước những thông tin tiêu cực mà truyền thông thế giới nói về Triều Tiên, Airul cho biết đây là những cáo buộc vô căn cứ.
“Những điều đó không khác gì một chiến dịch bôi nhọ của giới truyền thông tự do nhằm làm tổn hại đến phẩm giá của lãnh đạo tối cao Triều Tiên”, chàng trai người Singapore cho biết.
Trong khi đó, Trevor Spencer, người đứng đầu KFA ở Canada đã mô tả nhà lãnh đạo Kim Jong-un là “con người vì nhân dân”.
“Bạn có thể xem tin tức từ Triều Tiên và bạn có thể thấy ông ấy đến những ngôi làng, bệnh viện, nhà dân, nhà máy, ở khắp mọi nơi và bận rộn với tất cả mọi người, nhìn thấy những gì họ muốn, những gì họ cần”, Spencer mô tả.
Triều Tiên đã phải chịu các lệnh trừng phạt nặng nề do chương trình hạt nhân của mình, tuy nhiên đã có các báo cáo cho thấy sự thịnh vượng tại đất nước này ngày càng tăng do “thị trường xám” phát triển mạnh.
Nhà lãnh đạo KFA ông De Benos, người thường xuyên mặc quân phục Triều Tiên, cho biết ông là đại biểu danh dự của Ủy ban Quan hệ văn hóa nước ngoài của quốc gia châu Á.
“Tôi được công nhận là một đặc phái viên, một đối tác, một người làm việc trên cơ sở danh dự”, ông Benos nói. Ông cũng giải thích rằng tổ chức của ông liên lạc thường xuyên với các cơ quan Chính phủ Triều Tiên để sắp xếp các chuyến đi và trao đổi.
“Chúng tôi không nhận được tiền lương từ bất cứ ai hoặc đóng góp từ bất kỳ chính phủ nào trên thế giới”, ông nói thêm.
Khi được hỏi liệu có bất cứ điều gì sẽ thay đổi suy nghĩ về Triều Tiên đối với bản thân hay không, chàng trai Airul đã trả lời là không bao giờ.