Mang lớp học kỹ năng miễn phí đến với trẻ em vùng sâu, vùng xa
Nguyễn Ngọc Duy (28 tuổi) thạc sĩ chuyên ngành tâm lý, sinh ra và lớn lên ở Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk được nhiều người biết đến với danh xưng “hiệp sĩ”.
Đó là tên gọi trìu mến được bà con dành tặng cho anh với những hành động tích cực vì cộng đồng mà anh đã mang lại trong suốt thời gian qua. Đặc biệt đó là dạy kỹ năng sống với nhiều chủ đề khác nhau trong đó nổi bật là sống đẹp cho giới trẻ, phòng chống xâm hại tình dục trẻ em... tại nhiều vùng miền, tỉnh thành khác nhau trên khắp cả nước.
Chia sẻ về quyết định của mình, anh Duy cho biết anh may mắn bắt đầu được tham gia dạy kỹ năng từ những năm 2009. Trong những lần về các địa bàn miền sâu ở Bình Phước, Bến Tre làm chương trình sinh hoạt cho các em anh Duy mới sững sờ phát hiện các em ở đây không hề có khái niệm kỹ năng sống là gì. Mọi thứ như cây dại tự mọc, tự sinh tồn vậy nên anh thấy thương, lòng nặng trĩu.
Kể từ đó, anh suy nghĩ rằng tại sao mình lại không kết hợp dạy cho các em những kỹ năng sống cơ bản bên cạnh những chương trình vui chơi, văn nghệ. Nghĩ là làm ý tưởng về những chuyến hành trình dạy kỹ năng sống miễn phí của anh Duy ra đời.
“Nhưng mãi đến hai năm gần đây khi mình tham trong một số nhóm và tổ chức về phòng chống xâm hại tình dục trẻ em. Được gặp gỡ, trị liệu và chứng kiến những tổn thương về thể lạc và tinh thần mà các em đang phải gánh chịu thì mình càng quyết liệt hơn với những chuyến đi dạy kỹ năng miễn phí, đặc biệt là kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục trẻ em”, anh Ngọc Duy cho biết.
Hành trình đến được với trẻ em ở những vùng khó khăn anh Duy cũng đã trải qua những bước cơ bản để tạo dựng được các lớp học có học sinh. Đầu tiên anh đăng thông báo trên trang facebook sau đó nếu bạn bè quen biết giới thiệu liên hệ địa phương, trường học, nhà thờ...rồi hẹn ngày giờ tập hợp các em lại để anh và một số anh chị em khác trực tiếp xuống hướng dẫn.
Không dừng lại ở đó, anh Duy còn thường xuyên đọc báo và nếu thấy có trường hợp trẻ bị xâm hại thì anh sẽ chủ động tìm cách đến địa phương đó xác minh, hỗ trợ cho trẻ bị hại cũng như tổ chức lớp kỹ năng để giúp các bé khác học cách phòng chống.
Trong những lần đi dạy kỹ năng sống miễn phí đó, anh Ngọc Duy cho biết mỗi một nơi anh đặt chân đến đều để lại trong anh những kỷ niệm khó phai. Nhưng kỷ niệm mà anh nhớ nhất đó là một lần anh đến chia sẻ cho lớp Trần Văn Ơn ở Tây Ninh, sau một hồi chia sẻ chủ đề "Sống đẹp" thì cả hội trường gần 400 học sinh òa khóc vì thương thầy làm Ngọc Duy khi đó rất bối rối.
“Mới vào chủ nhật tuần trước mình và một số anh chị em ở nhà Văn hóa tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu di chuyển di chuyển từ huyện Châu Đức sang xã Láng Lớn, huyện Đất Đổ được dân địa phương chỉ đường đi cho nhanh thì đi vào khúc đường rất nhỏ một bên là mép suối, chiếc ô tô đi qua hỏng hai bên bánh như người ta đang đi trên dây vậy, chỉ cần nhích một vài phân là cả xe và người đổ ập xuống sông. Đoạn đường có hơn 100m những để lại kỷ niệm khó quên cho anh chị em”, anh Duy nói về những kỷ niệm khó phai trong hành trình mang kỹ năng sống đến với các em thanh thiếu niên ở trên khắp các tỉnh thành.
Trong một lần đi dạt kỹ năng ở Sóc Trăng, có phụ huynh ngồi nghe ké cùng con, sau khi anh Duy dạy xong thì có phụ huynh đến thủ thỉ rằng: “Thầy ơi, tui nghe xong mà hoảng quá. Trước giờ ai biết làm vậy là xâm hại sấp nhỏ đâu. Nhờ hôm nay thầy nói, sấp nhỏ mới biết việc đó là xấu và bọn tui cũng vậy. Thầy chờ tui chút nghe...".
Anh Duy chia sẻ thêm, sau đó khoảng 10 phút vị phụ huynh quay lại xách theo món quà quê là một bọc khoai lang, cầm bọc khoai trên tay mà nước mắt thầy Duy như muốn trào ra. Anh thương tình cảm mà bà con dành cho mình nhưng càng thương hơn khi dân trí bà con ở vùng sâu còn thấp quá.
Vị phụ huynh này nói: “Thầy cầm mấy củ khoai nhà tui mới đào về ăn, chứ ở đây ngoài mấy củ khoai thì chẳng còn cái gì, năm nay đồng ruộng khô hết, nước cũng mặn không có cái uống thầy ạ..."
“Hôm đó về nhà, mình luộc khoai ăn, không bỏ muối mà khoai cũng mặn, Lòng tự bảo chắc khoai nó nhiễm mặn từ trận hạn vừa rồi và hơn nữa lòng mình càng mặn khi nghĩ đến còn bao nhiêu vùng quê xa xôi khác mà mình chưa được đặt chân đến. Nơi đó bà con còn khổ nhiều mà sức tôi thì nhỏ bé quá”, anh Duy nói trong nghẹn ngào.
Còn đi được thì vẫn cứ đi
Có trái tim hướng thiện và đồng cảm với những người có hoàn cảnh éo le khó khăn, bất hạnh. Thế nhưng cuộc sống không ai biết trước được chữ ngờ. Từ khi còn là sinh viên anh Duy bỗng phát hiện mình bị suy thận giai đoạn cuối. 7 năm trời ròng rã chữa bệnh anh mới hiểu rằng sức khỏe là tài sản quý giá nhất của mỗi con người.
7 năm điều trị bệnh anh Duy chia sẻ rằng việc lọc máu vừa tốn kém về tài chính, mất thời gian và bào mòn sức khỏe của anh. Gia đình anh cũng lo ngại về những chuyến đi của chàng trai trẻ thế nhưng vì hiểu điều con làm, nên cha mẹ Ngọc Duy luôn ủng hộ.
Để cha mẹ không phiền lòng về sức khỏe của bản thân, Ngọc Duy cũng luôn ý thức được việc phải giữ sức khỏe, cân bằng giữa công việc và nghỉ ngơi, đảm bảo chế độ sống và chăm sóc bản thân mỗi ngày nên phần nào làm cha mẹ yên tâm.
Có những lúc bạn bè anh Duy cứ hay trêu đùa rằng anh nên nghỉ ngơi cho khỏe thế nhưng nghe đến đây là anh lại cười trừ anh bảo tính anh thích ngược xuôi và đi để chia sẻ là đam mê từ nhỏ nên mặc bệnh tật anh Duy vẫn miệt mài mang kiến thức của mình đến với những trẻ em vùng sâu, vùng xa.
Ngọc Duy bộc bạch: “Mỗi lần được đứng lớp là mình quên đi hết những đau nhức trong cơ thể, mình cảm thấy tinh thần thỏa mái hơn, phấn chấn hơn. Nên đây cũng có thể là một cách giúp mình sống chung với bệnh tật một cách nhẹ nhàng hơn”.
Nói đến đây giọng anh Duy trùng xuống, anh nói rằng từ khi có khối u ở cổ và đang lớn dần lên điều này khiến anh biết một ngày nào đó anh sẽ gặp khó khăn trong việc nói. Còn việc chia sẻ bằng cách ra hiệu cho người nghe thì lại rất vất vả nên anh mới quyết định đi được ngày nào thì đi, nói được ngày nào thì nói. Đơn giản bởi anh hi vọng những ngày mình còn sống trên đời mọi người vẫn sẽ nhớ đến anh với những việc làm thiết thực, ý nghĩa nhất.
Anh Duy cho biết thêm rằng ước mơ lớn nhất của anh hiện tại đó là có thêm thật nhiều sức khỏe để lo cho cha mẹ cũng như có thể được đi đến những vùng đất xa hơn, sâu hơn. Được gặp và chia sẻ với nhiều trẻ em đang cần mình hơn.
Thanh Lam