Bắt cướp bằng tay không
PV: Tối qua, các “hiệp sĩ” Tân Bình gặp nạn khi bắt nhóm trộm cắp xe máy, “hiệp sĩ” Nguyễn Thanh Hải và các đồng đội trong đội “Hiệp sĩ” Nguyễn Thanh Hải - Bình Dương đã biết tin chưa?
“Hiệp sĩ” Nguyễn Thanh Hải: Tôi có nghe tin 2 đồng nghiệp ở đội “hiệp sĩ” Tân Bình bị đâm tử vong và 3 người khác bị thương. Tôi và các anh em đang rất đau buồn.
PV: Nhiều người cho rằng, các "hiệp sĩ" gặp nạn đã không được trang bị đầy đủ nghiệp vụ nên khi bị tội phạm chống trả quyết liệt, thường chịu nhiều tổn thất. Điều này có đúng với đội “hiệp sĩ” Nguyễn Thanh Hải – Bình Dương không, thưa anh?
“Hiệp sĩ” Nguyễn Thanh Hải: Ở tỉnh Bình Dương, các đội “hiệp sĩ” được Tỉnh ủy Bình Dương, UBND tỉnh Bình Dương, ban Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương và các ngành chức năng rất quan tâm. Hằng năm, Tỉnh cho các đội “hiệp sĩ” tập huấn 2 lần về võ thuật và nghiệp vụ truy bắt tội phạm, trấn áp tội phạm. Ngoài ra, các “hiệp sĩ” còn được tập huấn về pháp luật để tránh những sai sót đáng tiếc khi đương đầu với tội phạm.
Tỉnh Bình Dương có quy chế rõ ràng đối với hoạt động của các đội “hiệp sĩ” nên dù tay không bắt cướp nhưng chúng tôi vẫn đủ tự tin, bản thân cũng tích lũy được nhiều kinh nghiệm, cũng như các thế võ để trấn áp tội phạm.
PV: Anh đánh giá thế nào về nghiệp vụ tấn công, trấn áp tội phạm của các đội, nhóm “hiệp sĩ” ở các địa phương khác?
“Hiệp sĩ” Nguyễn Thanh Hải: Theo tôi, ở một số địa phương, các “hiệp sĩ đường phố” đang hoạt động theo kiểu tự phát, chưa được chính quyền địa phương đó công nhận nên không có tập huấn về võ thuật và nghiệp vụ truy bắt tội phạm.
Tôi thấy các anh em "hiệp sĩ" ở các địa phương khác chịu nhiều thiệt thòi khi làm việc nghĩa mà chưa nắm đủ nghiệp vụ để bảo vệ bản thân.
PV: Anh và các đồng đội khi tham gia tuần tra, trấn áp, truy bắt tội phạm thường chuẩn bị về mặt thiết bị, nghiệp vụ và tinh thần như thế nào?
“Hiệp sĩ” Nguyễn Thanh Hải: Đầu tiên, về tinh thần, chúng tôi luôn trong tư thế chủ động đương đầu với tội phạm.
Về nghiệp vụ, khi thấy một đối tượng cướp tài sản, chúng tôi thường ập đến khống chế khóa tay. Vì vậy, tội phạm bất ngờ, không có thời gian phản ứng, chống trả.
Với lại, từ đầu, chúng tôi phải xác định tội phạm hoạt động như thế nào, số lượng đối tượng tham gia trong một vụ trộm cướp là bao nhiêu. Sau khi nắm số lượng, phương thức của tội phạm, tôi phân công nhiệm vụ cho từng thành viên, ai phụ trách khống chế đối tượng nào thì tập trung làm cho tốt.
Ngoài ra, khi truy bắt tội phạm, tôi cũng phải đánh giá tình hình, phân tích hoàn cảnh để tránh thiệt hại về vật chất lẫn con người cho bản thân, đồng đội, tội phạm và người dân.
Ví dụ, khi truy đuổi trên đường, thấy đường đông, người dân tham gia giao thông nhiều, chúng tôi không dám trấn áp tội phạm ở giữa đường. Bởi, làm như vậy sẽ dễ gây ra tai nạn cho bản thân, tên cướp và người vô tội. Thế nên, chúng tôi âm thầm theo dõi, đến đoạn đường vắng đội mới ép, khống chế, bắt đối tượng.
PV: Đội “hiệp sĩ” của anh có được trang bị công cụ hỗ trợ để trấn áp, khống chế tội phạm không, thưa anh?
“Hiệp sĩ” Nguyễn Thanh Hải: Chúng tôi chỉ dùng tay không để bắt cướp, luật của mình chưa cho phép “hiệp sĩ” sử dụng công cụ hỗ trợ để trấn áp tội phạm.
PV: Với tay không bắt cướp, các anh vẫn không hề nao núng và lo sợ nguy hiểm cho bản thân?
“Hiệp sĩ” Nguyễn Thanh Hải: Không, chúng tôi không sợ. Đó đã là đam mê. Vả lại, mỗi năm chúng tôi đều được ngành chức năng tỉnh Bình Dương tập huấn về võ thuật và pháp luật nên rất tự tin.
Đau buồn nhưng không chùn bước
PV: Thưa anh, hiện nay, nhiều luồng dư luận không tốt về hoạt động của các nhóm “hiệp sĩ” như: Tham gia để lấy tiếng, để có tiền… Anh cảm nhận thế nào về những luồng thông tin không tốt về “hiệp sĩ”?
“Hiệp sĩ” Nguyễn Thanh Hải: Tôi không biết người khác thế nào nhưng đối với tôi và đồng đội, bắt cướp là vì đam mê. Thực sự, hiện nay, rất nhiều người đến xin tham gia vào các đội “hiệp sĩ” ở tỉnh Bình Dương. Thế nhưng, chúng tôi lựa chọn thành viên rất kỹ càng như: Lý lịch rõ ràng, không tiền án tiền sự, làm việc có tâm, không mưu cầu lợi ích cá nhân…
Trước khi tham gia đội “hiệp sĩ”, tôi bán vật liệu xây dựng nên điều kiện kinh tế của gia đình cũng tạm ổn định. Về sau, tôi có nhà cửa cho thuê, từ đó tôi có đồng ra đồng vô để lo cho anh em trong đội chuyện ăn uống, xăng xe, cà phê… Vì vậy, đội chúng tôi không có chuyện làm việc nghĩa hoặc mượn danh việc nghĩa để “ăn tiền”.
Tôi tâm niệm, bắt cướp cũng đòi hỏi sự cần cù, sáng suốt. Nhiều nạn nhân của các vụ trộm cướp là công nhân, gom góp được một số tiền mua trả góp được chiếc xe mà bị mất. Khi đến nhờ chúng tôi hỗ trợ tìm lại tài sản, họ khóc và kể mua xe trả góp chưa xong mà bị mất. Nghe vậy, chúng tôi liền cố gắng truy tìm để bắt cho bằng được tội phạm.
Mỗi lần bắt được tội phạm trả lại được tài sản cho nạn nhân, chúng tôi thấy vui lắm. Còn khi bắt không được, chúng tôi thấy ái ngại, bực bội trong lòng.
Chuyện nói chúng tôi bắt tội phạm rồi lấy tài sản chia chác là hoàn toàn không có. Từ lúc bắt đầu theo dõi đối tượng, chúng tôi đã bật camera ghi nhận lại toàn bộ quá trình. Đến khi bắt được đối tượng, thu giữ được những gì, chúng tôi đều ghi lại cặn kẽ, dưới sự giám sát của nạn nhân. Sau đó, chúng tôi cung cấp hết chứng cứ, tài sản, hình ảnh, video cho cơ quan công an.
PV: Tính đến nay, anh tham gia phòng chống tội phạm được bao lâu? Trong thời gian đó, anh bị tội phạm chống trả nhiều lần không? Thương tích thế nào?
“Hiệp sĩ” Nguyễn Thanh Hải: Tôi tham gia phòng chống tội phạm từ năm 1997 đến nay. Tôi bị thương tích rất nhiều lần nhưng nặng nhất là lần bị đâm từ sau lưng. Đó là năm 2005, lúc đó, tôi chưa có nhiều kinh nghiệm.
Lần đó, tôi đang khống chế một tên cướp và không biết đối tượng còn có đồng bọn. Tôi có một mình nên bị đồng bọn của tên cướp đâm từ sau lưng. Dù bị thương, tôi vẫn cố lấy lại được tài sản cho bị hại. Lúc đó, bị hại đã lo tiền thuốc men cho tôi trong suốt quá trình nằm viện.
PV: Một số bị hại sau khi được “hiệp sĩ” ứng cứu, thay vì biết ơn, họ lại có những hành động khá phản cảm, không đúng mực với người hỗ trợ mình. Anh từng rơi vào trường hợp này chưa? Cảm giác anh thế nào khi bị đối xử như vậy?
“Hiệp sĩ” Nguyễn Thanh Hải: Gặp hoài. Tôi gặp nhiều trường hợp như vậy lắm. Nhiều lúc, đội bắt được đối tượng, cần nạn nhân đưa tang vật lên để bên công an củng cố hồ sơ truy tố đối tượng nhưng họ sợ phiền phức, sợ bị giữ tài sản để định giá nên không đến hợp tác.
PV: Tỉnh Bình Dương có nguồn kinh phí nào để hỗ trợ cho các đội “hiệp sĩ” hoạt động không anh?
“Hiệp sĩ” Nguyễn Thanh Hải: Một năm, đội phòng chống tội phạm và đội tuyên truyền của mỗi phường được tỉnh hỗ trợ 100 triệu đồng. Số tiền này là nguồn động viên, sự quan tâm lớn của cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương đối với hoạt động của chúng tôi.
Thành viên của các đội “hiệp sĩ” có nhiều hoàn cảnh khác nhau nhưng chủ yếu làm xe ôm, bốc vác…, ai cũng khó khăn. Thế nên, sự quan tâm của chính quyền địa phương càng giúp chúng tôi vượt qua những chật vật, lo toan của cuộc sống để vững tâm tham gia phòng chống tội phạm.
PV: Từ ngày anh làm “hiệp sĩ”, bà xã có can ngăn anh hay không?
“Hiệp sĩ” Nguyễn Thanh Hải: Có chứ, vợ tôi can ngăn, lo lắng dữ lắm. Mỗi lần bà xã thấy tôi chạy xe về tới nhà với tay chân lành lặn là cô ấy vui rồi. “Mưa dầm thấm lâu”, tôi làm riết cô ấy cũng quen, ráng chịu đựng. Chứ tôi mà nằm nhà là chịu không nổi.
Biết tin không hay ập đến với đồng nghiệp ở TP.HCM, chúng tôi buồn lắm nhưng vẫn quyết tâm không chùn bước, quyết bài trừ tội phạm, giúp phần nhỏ nào cho người dân.