Cậu học trò 14 tuổi cứu 16 người
Trần Văn Truyền (SN 1993), là con út trong một gia đình có hai chị em ở miền ngoại ô Kim Liên (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu), kinh tế gia đình phụ thuộc vào mấy sào vườn của gia đình.
Bố mẹ Truyền phải lặn lội vào tận chân đèo Hải Vân để khai hoang, lật từng hốc đá để trồng cây kiếm thêm cân gạo, tấm áo trắng để nuôi ước mơ đến trường của cậu con út. Hiểu được sự vất vả khó nhọc của bố mẹ, cậu bé Truyền sau mỗi giờ đến trường là lại lao ngay ra rẫy phụ bố trồng cây nhổ cỏ, lúc kiếm mồi, câu cá làm thức ăn cho bữa cơm của cả nhà.
Truyền nhận kỷ niệm chương Vinh quang Việt Nam vì những cống hiến của mình
Khi được hỏi: "Truyền có còn nhớ gì về vụ đắm thuyền năm 2007 không?". Truyền kể rành rọt: "Em nhớ chứ làm sao mà quên được. Em nhớ vụ đắm thuyền đã xảy ra gần 6 năm. Vào thời điểm đó, khi kết thúc buổi học sáng, em nhét vội vào bụng mấy chén cơm.
Sau đó, em theo bố là ông Trần Văn Mến ra rẫy vừa giúp bố, vừa câu cá kiếm thức ăn như lệ cũ. Sau khi em phụ bố kéo bơm nước tưới cây trên rẫy thì em vác cần xuống ghềnh suối gần đó kiếm bữa cá cho cả nhà". Xuống đến ghềnh suối, Truyền phát hiện chiếc thuyền nhỏ ngoài xa đang chòng chành rồi bất ngờ lật úp.
Tiếng người bị nạn kêu cứu lẫn trong tiếng sóng vỗ ngoài khơi xa. Truyền lật đật chạy lên gọi bố đang tưới nước trên rẫy kêu có người đang bị nạn ngoài biển. Ông Mến ngay lập tức bứt ngay đoạn ống nước tưới cây dài khoảng 50m của mình rồi cùng con tri hô mọi người ở gần đó ra giúp đỡ những người bị nạn.
Khi ông Mến kêu để bố bơi ra đưa ống cho người bị nạn thì Truyền giành lấy kêu: "Bố yếu rồi cứ để con bơi ra". Không để cho ông Mến kịp phản ứng, Truyền đã cột đoạn ống nước lên người rồi nhanh chóng bơi ra ngoài chỗ thuyền bị đắm cách bờ gần 150m.
Truyền nhanh chóng dìu những người đang ngấp nghé chìm bên mảng xốp lớn bám vào ống nước rồi ra kí hiệu cho ông Mến đứng trên bờ kéo những người bị nạn vào. Chuyến đầu có 6 người may mắn được cứu. Khi 6 người vừa chạm mép bờ, Truyền lại nhanh chóng lao mình vào dòng nước dữ để cứu những người còn lại.
Vừa lên đến bờ dù không còn sức nhưng Truyền cũng nhanh chóng lên lán nhà mình lấy tất cả chăn mền, quần áo để ủ ấm cho những người bị nạn. Cùng với sự giúp sức của một số người dân sau khi nghe được tiếng tri hô của bố con Truyền, 16 người đã được cứu sống, 8 người còn lại trên thuyền không may mắn thoát khỏi nanh vuốt của tử thần.
Ông Mến bên dãy bằng khen của Truyền, niềm tự hào của gia đình.
Nhân viên cứu hộ bờ biển trẻ tuổi nhất
Con đường Trần Văn Truyền Ông Trần Văn Mến tâm sự: "Một tuần sau khi vụ lật thuyền kinh hoàng ấy xảy ra, nguyên bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh về thăm và trao quà của Tổng bí thư Nông Đức Mạnh cho Truyền. Ông Thanh khi thấy con đường trước cửa nhà Truyền lầy lội bùn đất liền đã chỉ đạo cấp dưới phải hoàn thiện con đường mới trong vòng 10 ngày. Đầu tuần sau, máy móc lập tức được đưa đến rồi chưa đầy một tuần sau con đường nhỏ bùn đất được biến thành con đường bê tông đẹp đẽ. Bà con chòm xóm bảo nhờ có Truyền mới có được con đường ấy nên gọi con đường mới là Trần Văn Truyền". |
Giờ đây, Truyền giờ đã là một chàng trai chững chạc hơn rất nhiều ở cái tuổi 20. Nhìn chàng trai có thân hình vạm vỡ, cao 1m7, chẳng ai nghĩ đó là cậu bé có thân hình nhỏ xíu năm nào dám một mình lao ra biển khơi cứu người bị nạn.
Truyền thật thà: "Ngày em lao ra biển vớt người, em chỉ nặng 27 kg, cao 125cm giờ thì em đã cao gần 1m7 rồi, nặng 67kg. Em được như bây giờ hoàn toàn là do tập luyện thể thao".
Chỉ hơn một tháng sau ngày Truyền cứu được 16 người đấy cậu được đích thân huấn luyện viên Phan Thanh Toại, Trưởng bộ môn bơi (sở TD-TT TP. Đà Nẵng) xuống tận nơi "xem giò, xem cẳng" người "anh hùng" nhí.
Sau đó, cậu bé miền quê nghèo đã khăn gói lên đường ăn ở tập huấn tại Trung tâm vận động viên của CLB Bơi lặn TP. Đà Nẵng. Đến với nghiệp thể thao chuyên nghiệp ở cái tuổi 14, Truyền được coi là muộn khi các bạn bè cùng lứa với Truyền đã có "thâm niên" ba bốn năm ở đội.
HLV Phan Thanh Toại chia sẻ: "Truyền là người có tố chất, nhưng tiếc là nó đến với thể thao chuyên nghiệp quá muộn, giá như nó đến với nghiệp thể thao sớm hơn, thì thành tích của nó chắc sẽ cao hơn rất nhiều".
Mất ba tháng tập bơi, Truyền cứu sống được 16 người. Nhưng phải mất hai năm ròng rã miệt mài tập luyện, Truyền mới có được chiếc huy chương đầu tiên trong sự nghiệp bơi lặn chuyên nghiệp. Vào năm 2008, Truyền giành được chiếc huy chương Bạc đầu tiên tại Đại hội thể dục thể thao toàn quốc của mình.
Thế nhưng "hiện tượng lạ" của TP. Đà Nẵng không có duyên với nghiệp thể thao chuyên nghiệp, khi Truyền vừa đạt được chiếc huy chương đầu tiên trong sự nghiệp thể thao của mình thì cũng là lúc nhận được quyết định chuyển sang đội lặn.
HLV Phan Thanh Toại cho biết: "Nguyên nhân để Truyền nhận được quyết định này là do Truyền tập luyện chuyên nghiệp muộn, thua thiệt về mặt hình thể nên không thể có thành tích cao bằng các bạn. Trung tâm quyết định đưa em sang đội lặn nhằm muốn em phát triển, bộc lộ hết khả năng ở bộ môn mới này. Ở bộ môn mới này Truyền cũng liên tục mang về các huy chương ở các giải thể thao dưới nước tại TP.HCM, Huế, Quảng Bình...".
Đến năm 2012, Truyền nhận thấy khả năng thi đấu chuyên nghiệp của mình ngày càng giảm sút bởi thành tích thi đấu không được như các HLV kỳ vọng. Truyền bày tỏ nguyện vọng của mình với HLV Phan Thanh Toại là muốn trở thành một vận động viên cứu hộ biển. Bởi Truyền muốn lấy khả năng bơi lội của mình đảm bảo sự an toàn cho những người tắm biển. Trước nguyện vọng chính đáng của Truyền, HLV Phan Thanh Toại gật đầu đồng ý cho hướng đi mới của học trò.
Nguyễn Cường