Văn phòng Bộ Công an vừa có thông báo về vụ “hiệp sĩ” Huỳnh Hoài Duy (SN 1982, ở Bến Cát, Bình Dương) tố cáo 3 cán bộ, chiến sĩ thuộc Công an TP.Thủ Dầu Một (Bình Dương) bắt giữ, thu tài sản, sau đó làm mất tài sản.
Huỳnh Hoài Duy
Toàn bộ sự việc được cơ quan công an xác minh làm rõ như sau: Ngày 20/4/2013, từ tin báo của quần chúng về việc Huỳnh Hoài Duy đã chặn bắt, thu giữ 1.000 gói thuốc lá Jet và xe Honda của một phụ nữ, lực lượng công an đã kiểm tra, phát hiện số tang vật trên gửi tại một quán ăn tại TP.Thủ Dầu Một. Kiểm tra trong người Duy, lực lượng chức năng còn phát hiện 1 còng số 8, 1 bình xịt hơi cay, 2 giấy chứng nhận câu lạc bộ phòng, chống tội phạm.
Tại cơ quan công an, Duy thừa nhận không phải là thành viên Câu lạc bộ Phòng, chống tội phạm xã An Tây. Lý giải về 2 giấy chứng nhận trên, Duy nói mượn của người phụ trách Câu lạc bộ Phòng, chống tội phạm xã An Tây rồi đem đi photocopy màu để sử dụng chặn xe một phụ nữ lấy xe máy và số thuốc lá trên đem bán lấy tiền.
Cơ quan công an đã lập biên bản tạm giữ tang vật, đồ vật theo quy định (có chữ ký xác nhận của Duy và người có liên quan).
Mặc dù bản thân đã vi phạm pháp luật nhưng Huỳnh Hoài Duy lại làm đơn gửi một cơ quan báo chí ở TP.HCM tố cáo lực lượng công an lục ví của mình lấy đi 71 triệu đồng, 1 dây chuyền vàng trị giá 10 triệu đồng nhưng khi trả lại chỉ còn 5,8 triệu đồng. Cơ quan điều tra khẳng định việc tố cáo đó không có cơ sở.
Theo cơ quan điều tra, hành vi giả danh “hiệp sĩ”, chặn xe người đi buôn lấy thuốc lá, sau đó giấu vào một quán người quen của Duy là hành vi vi phạm pháp luật, có dấu hiệu của tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Luật sư Nguyễn Quang Tiến (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) phân tích: “Lừa đảo là dùng hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản. Hành vi gian dối của Huỳnh Hoài Duy là dùng giấy tờ giả để người ta tin mình thuộc lực lượng chức năng, rồi thu giữ tài sản nhằm chiếm đoạt.
Còn với người cho Hoài Duy mượn giấy chứng nhận Câu lạc bộ Phòng, chống tội phạm xã An Tây, nếu cơ quan điều tra chứng minh được anh này có bàn bạc, cho Hoài Duy mượn giấy nhằm mục đích phạm tội thì được xem là đồng phạm. Còn cho mượn giấy nhưng không biết người mượn làm gì thì vẫn là sai phạm, bởi việc cho mượn đã xảy ra hậu quả. Tuy nhiên hành vi này chỉ xử lý về mặt hành chính”.
Theo Lương Kết (Dân Việt)