Mới vào mùa Euro, các quán cầm đồ đã nhộn nhịp suốt 24/24 giờ và hứa hẹn sẽ “vơ tiền” cả đống. Những cửa hàng này cũng được dịp “làm cao”, chỉ cho cầm những xe, điện thoại đắt tiền còn hàng bình dân thì… xin mời đi chỗ khác.
Ngay từ sáng sớm những cửa hàng cầm đồ trên đường Láng đã mở cửa phục vụ các dân mê cá độ. Ảnh minh họa
Nhiều đồ đạc “đội nón” ra đi
Khi mùa giải UEFA Champions League (Cúp C1) kết thúc chưa được bao lâu, người hâm mộ trái bóng tròn lại bước vào mùa giải Euro đầy hấp dẫn và cuồng nhiệt. Với nhiều người, bóng đá đơn thuần là một môn thể thao giải trí, xem để thỏa mãn niềm đam mê. Song đối với những “tín đồ” mê cá độ thì bóng đá như một cơ hội “trời cho”. Tuy nhiên, giàu chưa thấy đâu mà nhiều người sau một vài trận bóng lăn đã khuynh gia bại sản, đồ đạc, tài sản và thậm chí sổ đỏ nhà đất cũng lần lượt “đội nón ra đi”.
Dù mùa Euro mới được ít ngày, nhiều “con phố cầm đồ” vào bậc sầm uất nhất Hà Thành như phố Đặng Dung, đường Láng, Nguyễn Trãi… đã nhộn nhịp và tấp nập hơn. Bình thường, các con phố này mở cửa khá muộn thế nhưng những ngày gần đây hầu hết đều mở cửa khá sớm thậm chí còn phục vụ “thượng đế” 24/24.
Anh Nguyễn Văn Siêng một tay cá độ chuyên nghiệp, “nhẵn mặt” các tiệm cầm đồ trên đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, cần tiền độ bóng hay lô đề đến tiệm cầm đồ “cắm” là nhanh nhất. Dù lãi xuất có “cắt cổ” cũng… không vấn đề gì bởi thắng vài trận có tiền lại chuộc ra ngay. Nếu là khách hàng “ruột” chỉ cần gọi điện cầm cố cái gì, cần bao nhiêu tiền và đang ở đâu chủ hiệu sẵn sàng cho người đến “cấp cứu” không kể giờ giấc.
Cùng một tài sản có giá trị ngang nhau, nhưng với những người quen chủ hiệu sẽ được ưu ái cho cầm nhiều tiền hơn người lạ. Vào mùa “kiếm ăn” này nhiều hiệu cầm đồ còn thuê thêm kho chứa để phục vụ “thượng đế”.
Không chỉ anh Siêng mà rất nhiều người cũng “đi về” ở các quán cầm đồ như đi chợ. Có những người, chủ hiệu quen nhẵn mặt bởi một mùa giải mà cắm xe máy đến hàng chục lần. Nếu thắng thì không sao còn “trắng tay”, không còn chỗ vay mượn, đến ngày hết hạn chỉ còn nước gọi điện về quê “cầu cứu” gia đình.
Thời đại công nghệ thông tin chỉ cần một cái cick chuột, một cú điện thoại là có thể biết được tỷ lệ cá cược. Nhiều người lao vào cá độ như những con “thiêu thân”. Họ chìm đắm trong những trận cầu nảy lửa để rồi phải xuýt xoa, phải tiếc nuối thậm chí còn phải chạy trốn.
Buổi chiều muộn, tại một quán trà đá ven đường Trần Thái Tông (Hà Nội), một anh ăn mặc khá bảnh bao, khuôn mặt buồn rầu, mặc trên người chiếc áo sơ mi đồng phục của một công ty sữa có tiếng. Vừa gạt chiếc chân chống xe máy, anh này than thở: “Đen thế không biết, lại mất 5 chai (1 triệu đồng - PV) nữa với thằng Ý. Bọn này đá như dở hơi ấy, dẫn bàn trước mà lại để Croatia gỡ hòa. Trong túi không còn nổi triệu bạc thì đánh đấm gì trận đêm nay. Có lẽ phải cho con LX (xe máy Nouvo LX - PV) đi “ở nhờ” mấy ngày để gỡ lại”.
Một người bạn khác tiếp lời (tên của cậu bạn trong nhóm - PV) hỏi ““con HP” của mày đâu rồi?” “Con đấy cho đi trận Hà Lan “điên rồ” . Hy vọng mấy trận tới suôn sẻ để chuộc cả con laptop, Iphone 3s không thì “chết”, chẳng còn gì để cắm nữa rồi”, người đàn ông mặc áo sơ than thở.
Cầm đồ cũng... “làm cao”
Một chủ tiệm cầm đồ trên đường Láng cho biết: “Ngày thường chỉ có lác đác vài người đến cắm nhưng vào dịp Euro thì số lượng khách hàng tăng lên gấp 2, 3 lần. Chủ yếu là cắm laptop, điện thoại, xe máy, thậm chí có người cắm cả giấy tờ nhà, đất. Lãi xuất thì cũng không thể “một mình một giá” mà phải theo mức chung bởi dọc con đường này còn rất nhiều hiệu cầm đồ khác. Trong thời điểm này mức lãi suất áp dụng theo ngày là 1 triệu đồng tiền mặt thì trả lãi 4.000 – 5000 đồng/ngày”.
Nắm bắt được sự “khát tiền” của các “con giời” khi các mùa giải dần tiến vào sâu hơn, nhiều cửa hiệu cầm đồ đã chuẩn bị các phương án “tác chiến” kỹ lưỡng. Chủ một hiệu cầm đồ trên đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội) tiết lộ, “Dù Euro mới diễn ra được vài trận nhưng lượng khách đến “gửi” đồ đã khá đông. Càng vào vòng trong, các “con bạc” càng “khát nước”. Giải nào cũng vậy, càng về sau không khí càng “nóng”. Ngay từ đầu mùa tôi đã phải xoay thêm vốn, và thuê thêm kho bãi để “gom” hàng. Nghề này chỉ kiếm được vào các mùa giải lớn thôi, còn ngày thường cũng không ăn thua”.
Tuy nhiên, vào những dịp “hốt bạc” dễ dàng như thế này, nhiều chủ hiệu cầm đồ cũng làm cao. Những xe máy biển kiểm soát ngoại tỉnh nếu không phải các loại xe tay ga đắt tiền thì họ không nhận. Còn những loại xe giá trị thấp thì đừng “bén mảng”.
Một chủ hiệu cầm đồ phố Đặng Dung cho biết, mùa bóng đá như World Cup, Euro lượng xe đến cắm nhiều nên chỉ nhận những xe biển nội thành và có giá trị cao vì kho chứa “hàng” trong phố không được rộng. Nhận xe biển ngoại tỉnh và giá trị thấp đến khi chủ nhân không quay lại nữa rất khó bán mà lãi chẳng được bao nhiêu. Điện thoại di động cũng vậy, chỉ những loại cao cấp có giá mới nhận còn những hàng bình dân cũng không được chủ cửa hiệu ngó đến.
Nhóm PV