Hoài cổ không phải phẩm chất đặc quyền của riêng ai. Nó tựa như cái hạt mầm tiềm ẩn trong bản thân mỗi cá nhân, dẫu vẫn có sự phân biệt người ít kẻ nhiều, người đậm kẻ nhạt. Với lòng hoài cổ có sẵn, khi hội đủ những điều kiện cần thiết, người ta sẽ tiến hành “phục cổ”. Tức là triệu về những bóng ma của lịch sử. Hay nói một cách bớt ảm đạm hơn, là làm sống lại vẻ huy hoàng của những cái “ngày xưa” ngỡ đã bị đất cát thời gian phủ lấp. Ngẫm cho cùng thì cũng giống như con phượng hoàng lửa trong truyền thuyết, mỗi lần được tái sinh, cái “ngày xưa” sẽ từ đám tro tàn của nó bước ra với đầy sinh lực và sự tươi mới.
Nhưng nếu phục cổ với một hành trang nhận thức quá nghèo nàn về cái gọi là “cổ”, thì coi chừng, lòng hoài cổ đáng yêu kia sẽ chính là đầu mối dẫn tới sự “lộn cổ” đầy tai hại. Hiện nay, trong đời sống, không ít những thứ “na ná cổ”, những “bản sao cổ” được làm bằng giấy xấu và mực xấu đang xuất hiện nhan nhản, chúng ở quanh ta, đang vây bủa chúng ta. Việc trùng tu, tôn tạo các di tích kiến trúc cổ có lẽ là một trong những ví dụ dễ thấy nhất.
Báo chí đã tốn không biết bao nhiêu giấy mực để tỏ nỗi bất bình về kiểu phục cổ đang diễn ra ở đây. Đình, đền, chùa, miếu... những không gian thiêng trong đời sống xã hội và trong tâm thức của người dân Việt Nam tự bao đời, sau một thời gian dài bị “chuyển đổi chức năng sử dụng”, hoặc đơn giản là bị bỏ mặc cho mối mọt và mưa nắng tàn phá, nay đang được cấp tập trùng tu. Công trình nào chưa xong thì tạm thời không bàn, nhưng với đa phần những công trình đã được nghiệm thu, quả thực, sản phẩm cuối cùng khiến ai nấy cũng phải giật mình: đó là cuộc hôn phối lem nhem giữa cái cũ và cái mới, giữa hình thức và vật liệu, giữa ý nghĩa ban đầu của di tích và ý chí bột phát của người đương thời.
Dường như những người chịu trách nhiệm phục cổ ở lĩnh vực này không thèm quan tâm tới chuyện phải tìm hiểu, phải nghiên cứu tính đặc thù trong diện mạo và cấu trúc nguyên thủy của di tích kiến trúc, và phải tôn trọng nó. Cứ mù mờ như thế, họ bắt tay vào công việc trùng tu với sự hăm hở chỉ có ở những kẻ phá hoại. Họ khai tử di tích kiến trúc nhân danh sự phục cổ. Có thể rồi sẽ đến lúc, khi đứng trước các công trình đã được trùng tu, người Việt Nam phải thốt lên đầy thất vọng: di tích kiến trúc cổ của chúng ta là thế này sao?
Việc trùng tu, tôn tạo các di tích kiến trúc có thể được coi như một trường hợp về sự phục cổ ở khu vực “văn hóa vật chất”. Còn ở khu vực “văn hóa tinh thần” thì sao? Người viết bài này chỉ chọn lấy một ví dụ để bàn: đó là ca trù, thứ nghệ thuật độc đáo bậc nhất, hàn lâm bậc nhất trong kho tàng âm nhạc cổ truyền của dân tộc Việt Nam. Chẳng cần đợi đến khi ca trù được UNESCO công nhận là “di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp” (ngày 1/ 10/ 2009), mà ngay từ trước đó vài năm, với sự dâng cao của ngọn triều phục cổ, ca trù đã tái xuất hiện trong đời sống sau hơn nửa thế kỷ phải chịu cảnh bặt tiếng vì những định kiến xã hội không đáng có. Nhưng phát triển thực sự, thì phải kể đến dấu mốc là “tấm bằng” của UNESCO. Các giáo phường mọc ra, tuy chưa đến mức như nấm sau mưa, nhưng cũng kể là nhiều.
Điều đáng nói là ở chỗ, theo những nhà nghiên cứu ca trù giàu uy tín, may lắm thì chỉ một trong số các giáo phường ca trù ấy mới cung hiến cho khán giả thứ ca trù nguyên bản, ca trù đúng là ca trù. Còn lại, chỉ là những thứ “ca chù” hoặc “ca rù” vớ vẩn nào đó. Để lý giải hiện tượng này, người ta nói đến quãng thời gian im hơi bặt tiếng quá lâu của ca trù trong đời sống: không được hát, tinh túy của nghề ắt bị rơi rụng.
Điều đó đúng với ca trù, nhưng chưa đủ để cắt nghĩa cho “ca chù” hoặc “ca rù”. Vì thế, có lẽ phải tính thêm ở đây cả cái tâm lý phục cổ theo kiểu ăn xổi, hay nói cho sát với bản chất của sự việc, là thói trục lợi bằng cách mượn danh ca trù đích thực. Thay vì việc phải khổ học để trở nên tinh thục, người ta lại mau chóng bày cuộc đi hát kiếm tiền bằng mấy ngón nghề học vội trong vòng vài tháng, một năm.
Cái nguy hại trước mắt là việc khán giả giàu tình hoài cổ phải bỏ tiền thật để nghe ca trù không thật. Nhưng cái nguy hại lâu dài lại ở điểm này: không còn người nắm được chân truyền, ca trù sẽ ngày một sai lạc, ngày một xa lạ với chính nó. Đó là cái chết từ từ nhưng không sao cưỡng lại được nếu những cơ quan chức năng hay những cá nhân có trách nhiệm không nhanh chóng thực hiện việc phục cổ với ca trù cho thật đúng, thật trúng.
Nhiều năm trở lại đây, cứ mỗi độ xuân về Tết đến, trên các vỉa hè Hà Nội, nhất là đoạn đường bao quanh Văn Miếu Quốc tử giám, người ta lại thấy xuất hiện các ông đồ - già có, trẻ có - cũng đủ bộ áo the khăn xếp, mực tàu bút lông giấy bản, trải chiếu bán chữ Nho. Người xem người mua đứng vòng trong vòng ngoài, ăm ắp đông vui, mắt sáng lên khi đưa tiền ra lấy chữ về. Cái cảnh ấy không khỏi khiến những người nặng lòng hoài cổ phải xúc động, vì chữ nghĩa thánh hiền đã trở nên “có giá”. Chẳng hẹn mà nên, hầu như ai nấy cũng đều lẩm nhẩm vài câu thơ xưa cũ của thi sỹ Vũ Đình Liên: “Mỗi năm hoa đào nở/ Lại thấy ông đồ già/ Bày mực tàu giấy đỏ/ Bên phố đông người qua”...
Các phương tiện thông tin truyền thông, vốn mau mắn, đã vui mừng thốt lên rằng đó là sự sống lại của một nét đẹp trong văn hóa cổ truyền. Dường như ít ai chịu nhớ, khi tự nói về bài thơ “Ông đồ”, Vũ Đình Liên đã không nói rằng hình ảnh ông đồ là một hình ảnh đẹp, mà: “Ông chính là cái di tích tiều tụy đáng thương của một thời tàn” (Lời Vũ Đình Liên trong một bức thư gửi cho Hoài Thanh). Và, hoàn toàn có thể tin là tác giả “Thi nhân Việt Nam” không bỗng dưng mà hạ một câu bình luận như sau về hình ảnh này: “Tôi tưởng như đọc lời sám hối của cả bọn thanh niên chúng ta đối với lớp người đương đi về cõi chết”.
Chẳng có gì khó hiểu cả, ông đồ trong thơ Vũ Đình Liên là ông đồ của cái thời mà chế độ khoa cử Hán tự đã bị bãi bỏ hai mươi năm, Nho học gần như chết hẳn, nhà Nho bị gạt ra bên lề cuộc tiến hóa của xã hội, trở thành một kiểu người thừa. Không được trang bị bất cứ một thứ năng lực nào để đi cùng với đời sống hiện đại, những ông đồ cuối cùng còn sót lại chỉ có thể làm được một việc thôi: cải thiện cuộc sống khốn khó của mình bằng cách mang bồ chữ nghĩa thánh hiền rời làng quê, ra vỉa hè thành thị, bán chữ mua vui cho kẻ thị dân khi xuân về Tết đến. Với sự khủng khỉnh đã trở thành thuộc tính của nhà Nho, ấy là cảnh mạt vận, là điều cực chẳng đã. Ra vỉa hè bán chữ, đồng nghĩa với nuốt tủi nhục vào trong.
Nói vậy không phải người viết có ý coi thường các ông đồ hiện đại. Xét cho cùng, thời nào cũng có những nhu cầu của nó. Có nhu cầu, ắt có sự đáp ứng nhu cầu. Có người muốn mua chữ ngoài phố, ắt có người viết chữ bán ngoài phố. Nhưng chẳng thể vì thế mà bảo rằng đó là “sự sống lại của một nét đẹp trong văn hóa cổ truyền”. Nếu ông đồ trong thơ Vũ Đình Liên sống lại, hỏi ông, chắc không đời nào ông công nhận việc mình bò toài trên vỉa hè viết chữ cho thiên hạ kiếm tiền là một “nét đẹp văn hóa cổ truyền”.
Khi bàn về văn hóa Việt Nam, nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra sự đứt gẫy của văn hóa cổ truyền trong thế kỷ XX và những hệ lụy trầm trọng, lâu dài của nó. Hệ lụy, chứ không phải nguyên nhân, mới là điều liên quan trực tiếp tới vấn đề đặt ra trong bài viết này. Với ba ví dụ, trong rất nhiều ví dụ sẵn có, có lẽ đã đủ để những ai hoài cổ và quan tâm nghiêm túc đến chuyện phục cổ phải giật mình. Tôn vinh những giá trị văn hóa cổ truyền của dân tộc, phục cổ, hàn gắn lại những đứt gẫy văn hóa, đó là điều vô cùng cần thiết, nhất là trong bối cảnh chúng ta “hòa nhập nhưng không hòa tan” – một câu slogan thời thượng – với thế giới. Nhưng phục cổ khi không/ chưa hiểu cho đúng và đủ về cái cổ, phục cổ một cách nôn nóng, thậm chí, phục cổ với tinh thần trục lợi kiểu gian thương v.v... thì thậm nguy hiểm. Phục cổ kiểu ấy, với mục đích ấy, không gì khác, sẽ là con đường nhanh nhất đưa lòng hoài cổ đến sự “lộn cổ”. Và có thể, chính cái đó sẽ lại là đầu mối của một sự đứt gẫy văn hóa mới, nguy hại hơn gấp bội.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.