Từ ngày 25 đến 29/8, Công ty TNHH Pfizer (Việt Nam) đồng hành với Trung tâm đào tạo nhân lực y tế theo nhu cầu xã hội (Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh) phối hợp tổ chức Chuỗi hội nghị khoa học với các báo cáo viên nước ngoài. Được mang tên “Hiểu chuyên sâu về vắc xin phế cầu cộng hợp - Hành động để bảo vệ trẻ em khỏi các bệnh liên quan phế cầu”, chuỗi hội nghị khoa học này đã cập nhật những kiến thức mới đến cán bộ y tế tại Việt Nam.
Hội thảo có sự đồng hành của hai chuyên gia đầu ngành về bệnh Truyền nhiễm – Nhi trên thế giới là Giáo sư Ron Dagan quốc tịch Isreal và Tiến sĩ Mark Peter Gerard van der Linden quốc tịch Hà Lan, trình bày về xu hướng phát triển của vắc xin đa giá phòng ngừa bệnh do phế cầu và nêu bật giá trị của vắc xin phế cầu đối với bệnh nhân và xã hội nói chung.
Chuỗi hội nghị còn có sự tham dự của hơn 1,800 bác sĩ trên mọi miền tổ quốc trong lĩnh vực nhi khoa và dự phòng, cùng nhiều chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực bệnh truyền nhiễm trong nước như: PGS.TS.BS Trần Minh Điển - Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương; PGS.TS.BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên - Chủ nhiệm Bộ Môn Nhi, Đại học Y dược TPHCM; PGS.TS.BS Cao Hữu Nghĩa - Chủ nhiệm Bộ Môn Khoa Học Y Sinh – Viện Pasteur TPHCM; BS Trương Hữu Khanh - Phó chủ tịch Liên Chi Hội Truyền Nhiễm TPHCM; BS.CKI Bạch Thị Chính - Giám đốc Y Khoa VNVC; TS.BS Lê Khắc Bảo - Phó Trưởng Khoa Hô Hấp – Bệnh viện Nhân dân Gia Định.
Trong thời quan qua, đại dịch SARS-CoV-2 trên toàn cầu như một hồi chuông cảnh báo về sự bùng phát của các dịch bệnh nguy hiểm, có thể là bệnh mới nổi, có thể là dịch bệnh theo mùa, hay những bệnh nhiễm trùng nguy hiểm. Bên cạnh các biện pháp dự phòng khác, vai trò của vắc xin vô cùng quan trọng trong việc hạn chế sự lây lan, giảm tỷ lệ mắc bệnh cũng như tỷ lệ tử vong. Bên cạnh đó, phế cầu - một trong những tác nhân gây bệnh nguy hiểm nhất ở cả trẻ em và người lớn - có thể được dự phòng chủ động bằng vắc xin.
Chuỗi hội nghị đánh dấu bước ngoặc quan trọng cho sự đồng hành lâu dài giữa Trung tâm đào tạo nhân lực y tế theo nhu cầu xã Hội, Đại học Y dược TPHCM; Công ty Pfizer Việt Nam, cùng quý Cán bộ, nhân viên y tế hướng đến mục tiêu hợp tác toàn diện bảo vệ sức khỏe cộng đồng thông qua việc cập nhật những tiến bộ khoa học trong lĩnh vực phế cầu và dự phòng. Từ những cập nhật đó, các cán bộ y tế sẽ có cái nhìn toàn diện hơn và mang đến cho người dân sự tư vấn y tế cập nhật và chính xác nhất.
Hội nghị được diễn ra trong 5 ngày liên tục (từ ngày 25 đến 29 tháng 8) tại Hồ Chí Minh và Hà Nội. Với sự tham gia của hơn 1,800 cán bộ và nhân viên y tế cả nước bao gồm trực tiếp và trực tuyến, hội nghị hướng đến việc cập nhật, chia sẻ, thảo luận các vấn đề về: Gánh nặng bệnh tật liên quan phế cầu khuẩn ở trẻ em và người lớn; Dữ liệu thực - Thay đổi týp sau chủng ngừa PCV và kinh nghiệm triển khai vắc xin PCV tại các nước trên thế giới; Chia sẻ kinh nghiệm từ các chuyên gia trong và ngoài nước về vai trò của vắc xin PCV trong phòng bệnh liên quan phế cầu.
Tại chuỗi hội nghị, Giáo sư Ron Dagan - Giáo sư ưu tú Nhi khoa và Bệnh truyền nhiễm đã phát biểu: “Phế cầu là tác nhân nguy hiểm và may mắn đã có vắc xin phòng bệnh từ những năm 2000. PCV ngoài ngừa các bệnh nguy hiểm do phế cầu (Streptococcus pneumonia) như viêm Phổi, viêm màng não, nhiễm trùng huyết hay Viêm tai giữa, hơn thế PCV có tác động đáng kể trong việc ngăn ngừa viêm tai giữa do NTHi (Haemophilus influenza không định typ) theo như nhiều nghiên cứu trên thế giới. Nói một cách dễ hiểu hơn, khi tai trẻ em đã được bảo vệ bởi Vắc xin Phế Cầu cộng hợp, không bị tấn công bởi Phế cầu thì NTHi sẽ không có cơ hội tấn công”.
Ngoài ra, Tiến sĩ Mark Peter Gerard van der Linden, Tiến sĩ nghiên cứu tại Phòng nghiên cứu về Liên cầu khuẩn tại Bệnh viện Đại Học RWTH – Aachen, Đức cũng chia sẻ: “Các dữ liệu thực đã cho thấy, hiện tượng bảo vệ chéo giữa các týp là hiếm khi xảy ra, chỉ duy nhất khả năng bảo vệ chéo ở mức độ tương đối xảy ra với týp huyết thanh số 6 theo quan sát. Tuy nhiên, bảo vệ trực tiếp vẫn được ưu tiên hơn so với khả năng bảo vệ chéo. Do đó, xu hướng phát triển vắc xin phế cầu cộng hợp là tăng nhiều số týp huyết thanh có trong vắc xin.
PGS.TS.BS Cao Hữu Nghĩa - Chủ nhiệm Bộ Môn Khoa Học Y Sinh – Viện Pasteur TPHCM: “Chủng ngừa là một trong những biện pháp an toàn và hiệu quả nhất để phòng các bệnh nhiễm trùng, không chỉ cho trẻ em mà còn cho cả người lớn”.
Nói về chuỗi hội nghị khoa học lần này, ông Darrell Oh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Pfizer Việt Nam cho biết: “Tại Pfizer, chúng tôi đã đồng hành tại Việt Nam trong nhiều năm qua nhằm hỗ trợ giải quyết những thách thức trong lĩnh vực dự phòng và điều trị bệnh. Chúng tôi tin rằng việc thúc đẩy sự hợp tác giữa các bên công tư liên quan, sẽ giúp đẩy mạnh khả năng của hệ thống chăm sóc sức khỏe trong việc ứng phó các thách thức về y tế như các bệnh liên quan về phế cầu. Chúng tôi tự hào với sứ mệnh Pfizer là “Những đột phá giúp thay đổi cuộc sống bệnh nhân”, cho ra mắt vắc xin ngừa Phế cầu đầu tiên trên thế giới, vắc xin Covid-19 đột phá. Và chúng tôi sẽ tiếp tục hành động trên tiêu chí “Science will win” – Khoa học sẽ chiến thắng.
Chuỗi hội nghị khoa học phế cầu lần này, đăc biệt với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành và báo cáo viên quốc tế chính là dấu ấn thể hiện rõ nét nỗ lực của Pfizer trong sứ mệnh đồng hành, hỗ trợ cập nhật kiến thức khoa học, các tiến bộ y khoa cho cán bộ nhân viên y tế. Chúng tôi cam kết góp phần trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, tạo nên một Việt Nam khỏe mạnh hơn”.
Minh Thành