Cơ quan Cảnh sát điều tra bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra đại án Mobifone mua 95% cổ phần của AVG.
Theo đó, có tổng cộng 14 bị can bị đề nghị truy tố với 3 tội danh: Vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng; Nhận hối lộ và Đưa hối lộ.
Bản kết luận điều tra nêu rõ: Bị can Phạm Nhật Vũ với vai trò là Chủ tịch Hội đồng quản trị AVG là đại diện giao dịch bán 95% cổ phần AVG. Vì mong muốn bán được cổ phần AVG nên bị can Phạm Nhật Vũ đã đề nghị bị can Nguyễn Bắc Son, bị can Trương Minh Tuấn, bị can Lê Nam Trà và bị can Cao Duy Hải là những người có chức vụ, quyền hạn để dự án sớm hoàn thành.
Quá trình đàm phán, bị can Phạm Nhật Vũ hứa hẹn sẽ đưa tiền. Sau khi hoàn thành việc ký hợp đồng, thanh toán tiền, Phạm Nhật Vũ đã đưa tiền cho 4 cá nhân trên.
Cơ quan điều tra kết luận, hành vi của bị can Phạm Nhật Vũ đã phạm vào tội “Đưa hối lộ” quy định tại khoản 4 Điều 364 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Quá trình điều tra, bị can Vũ đã thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của bản thân, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra làm rõ vụ án. Bị can Vũ đã chủ động hủy bỏ Thỏa thuận và Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, tự nguyện trả lại Mobifone toàn bộ số tiền đã nhận từ Mobifone tính cả lãi và chi phí dự án, góp phần làm giảm tối đa thiệt hại cho Nhà nước.
Ngoài ra, gia đình bị cáo có công với cách mạng; bản thân bị can Vũ đã có nhiều đóng góp cho Giáo Hội phật giáo Việt Nam, các Hội chất độc màu da cam, bom mìn, mồ côi, các hoạt động an sinh xã hội…
Do đó, cơ quan điều tra đề nghị quá trình truy tố, xét xử xem xét các tình tiết giảm nhẹ, áp dụng chính sách hình sự đặc biệt phù hợp khi lượng khung hình phạt đối với bị can Phạm Nhật Vũ.
Có nhiều quan điểm xung quanh việc cơ quan điều tra đề nghị áp dụng chính sách hình sự đặc biệt phù hợp khi lượng khung hình phạt đối với bị can Phạm Nhật Vũ.
Theo Luật sư Trương Anh Tú – Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) thì: Bộ luật Hình sự hiện hành không quy định cái gọi là “chính sách hình sự đặc biệt”. Có chăng trong một số trường hợp như người già yếu, bị bệnh HIV... phạm tội đặc biệt nghiêm trọng bị kết án tử hình, tù chung thân nhưng được hoãn thi hành hay giảm án…
"Chính sách đặc biệt đó là một cách nói mang tính chất khẩu ngữ, thuật ngữ này không có trong Bộ luật Hình sự. Chính sách hình sự đặc biệt có thể được hiểu là sự khoan hồng của Nhà nước dành cho những bị can, bị cáo mà đã thành khẩn khai báo; giúp sức tích cực để cơ quan điều tra hoàn thành nhiệm vụ, khắc phục hậu quả, chỉ ra những đồng phạm, tội phạm khác giúp cơ quan Nhà nước thực hiện tốt trong quá trình điều tra, thì sẽ được xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Việc này không có gì đặc biệt, nhiều bị can, bị cáo đã được áp dụng chính sách khoan hồng này", luật sư Tú phân tích.
Luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng văn phòng luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh) cho biết: Bộ luật hình sự và Tố tụng hình sự 2015 đều không quy định thế nào là chính sách hình sự đặc biệt. Chính sách này được hiểu là một bộ phận của các quy định pháp luật áp dụng trong đấu tranh phòng chống tội phạm trong từng thời điểm khác nhau.
Trong một vụ án cụ thể, cơ quan điều tra, truy tố và xét xử sẽ căn cứ các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ theo quy định của Bộ luật hình sự để áp dụng với các bị can, bị cáo. HĐXX có thể tuyên bị cáo hình phạt dưới khung hoặc thậm chí là miễn hình phạt song vẫn phải dựa vào quy định tại Bộ luật Hình sự hiện hành.
Luật sư Bình nói: "Chính sách hình sự đặc biệt dù không quy định trong luật nhưng cũng không thể tùy tiện áp dụng cho bất kỳ ai mà vẫn phải dựa vào luật".
Cùng nêu quan điểm về nội dung này, luật sư Trần Văn An – Trưởng VPLS Dân An (Đoàn luật sư tỉnh Bắc Giang) cho biết: Khi bị can, bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ thì có thể được hưởng chính sách khoan hồng đặc biệt Nhà nước, trong đó có chế định miễn hình phạt.
Phân tích rõ hơn về chế định này, luật sư An cho biết: Miễn hình phạt được hiểu là việc Tòa án không buộc người bị kết án phải chịu hình phạt về tội họ đã thực hiện; bị cáo vẫn bị đưa ra xét xử, Hội đồng xét xử vẫn tuyên bố người đó phạm tội nhưng người phạm tội không bị tòa án tuyên buộc họ phải chịu hình phạt...
Luật sư An cũng cho biết thêm, điều kiện để người phạm tội có thể được áp dụng khoản 1 Điều 54 là người phạm tội phải có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 như: Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm; Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả; Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; Người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án; Người phạm tội đã lập công chuộc tội; Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác…
Điều kiện để người phạm tội có thể được áp dụng khoản 2 Điều 54 được hiểu ngoài việc người phạm tội phải có ít nhất 02 tình tiết giảm nhẹ tại khoản 1 Điều 51 thì họ còn phải thuộc trường hợp phạm tội lần đầu và là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể.