Vừa qua, dư luận xôn xao về thông tin trả lương cho ông Lê Vinh Danh (đại học Tôn Đức Thắng) có sự chênh lệch lớn trong cách phân phối thu nhập của Hiệu trưởng và các giảng viên, nhân viên của Nhà trường.
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2020, báo chí đặt câu hỏi, việc lương cao như vậy có xứng đáng hay không; quy định của pháp luật hiện nay đối với vấn đề lương tại các trường đại học cũng như tại đại học Tôn Đức Thắng là như thế nào và việc trả lương cao cho ông Lê Vinh Danh và các trường khác có phù hợp hay không?
Trả lời báo chí, Thứ trưởng bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, đối với các đơn vị sự nghiệp công lập nói chung và các trường đại học nói riêng, thực hiện cơ chế tự chủ tài chính theo nghị định 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ, tự chủ về tổ chức bộ máy thì theo nghị định 120/2020/NĐ-CP vừa ký tháng 10 vừa rồi, còn tự chủ về nhân sự thì thực hiện theo Nghị định 106/2020/NĐ-CP của Chính phủ cũng vừa mới ký.
Theo quy định như trên, đối với các đơn vị như đại học Tôn Đức Thắng, nếu tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư thì đã có nghị định 16 quy định rất chi tiết nguồn thu như thế nào. Còn Nghị định 15 hướng dẫn cụ thể nguồn chi như thế nào.
Theo tinh thần của Nghị quyết 27 của hội nghị Trung ương 7 khóa XII vừa rồi về cải cách tiền lương thì những đơn vị sự nghiệp tự chủ, chi thường xuyên, chi đầu tư thì áp dụng cơ chế quản trị và trả lương như doanh nghiệp trên cơ sở quy định của pháp luật và quy chế chi tiêu nội bộ, các quy định về thu chi trong Nghị định 16/2015/NĐ-CP đã quy định rất rõ.
“Còn mức chi cụ thể hợp lý hay không thì bộ Nội vụ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ xem xét kỹ con số cụ thể, có phù hợp quy định theo Nghị định 16/2015/NĐ-CP và hướng dẫn của Bộ Tài chính hay không”, ông Thăng thông tin thêm.
Trước đó, thông tin ông Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng đại học Tôn Đức Thắng nhận mức lương 556 triệu đồng/tháng gây xôn xao dư luận với những tranh cãi trái chiều. Mức lương này được một Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (cơ quan chủ quản của đại học Tôn Đức Thắng) công bố với báo chí hôm 23/10.
Theo vị Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động này, đại học Tôn Đức Thắng chi trả lương, thu nhập cán bộ, giảng viên, nhân viên chưa đảm bảo công khai, minh bạch, có chênh lệch lớn trong phân phối thu nhập giữa hiệu trưởng, trợ lý hiệu trưởng với các phó hiệu trưởng và phần lớn cán bộ, giảng viên, nhân viên.
Cụ thể, lương bình quân tháng 9/2020 của nhà trường như sau: Viên chức giảng dạy gần 24 triệu đồng, viên chức hành chính trên 22,5 triệu đồng. Riêng lương của ông Lê Vinh Danh là trên 556 triệu đồng, trợ lý của hiệu trưởng là gần 256 triệu đồng, người được giao phụ trách trường là gần 73 triệu đồng…
Theo Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, sai phạm trên là một trong những lý do khiến ông Lê Vinh Danh bị cách chức.
N.Giang