Báo Nguoiduatin.vn trích đăng ý kiến của một độc giả Nguyễn Cẩm Thanh, hiện đang theo học tại Khoa Luật, trường Đại học Quốc gia Hà Nội về những băn khoăn liên quan đến vụ án thẩm mỹ viện Cát Tường:
Gần đây, những thông tin về vụ "Thẩm mỹ việc Cát Tường làm chết người, phi tang xác nạn nhân xuống sông Hồng” liên tục gây xôn xao trong dư luận. Trên các trang báo liên tục cập nhật về quá trình tìm xác của chị Lê Thị Thanh Huyền – nạn nhân xấu số của vụ việc trên. Sau nhiều ngày tìm kiếm, xác chị Huyền vẫn biệt tăm trong khi nhiều tử thi khác được phát hiện.
Mới đây lãnh đạo CATP Hà Nội đã cho hay, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội thành phố (PC 45) đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Mạnh Tường (SN 1973, trú tại Từ Liêm, Hà Nội), giám đốc thẩm mỹ viện Cát Tường về tội “Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác” (điều 242 Bộ luật Hình sự) và tội “Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt” (điều 246 Bộ luật Hình sự) cùng đồng phạm là Đào Quang Khánh.
Quyết định khởi tố trên tiếp tục làm dư luận dậy sóng, trong đó nhiều ý kiến cho rằng tội danh trên chưa thoả đáng với hành động của bác sĩ Tường. Cái chết của chị Huyền là không thể phủ nhận. Vậy ai chịu trách nhiệm về cái chết oan uổng này?
Câu chuyện của ngày hôm này khiến tôi nhớ tới vụ án cách đây vài năm: Vụ án tiệm vàng ở Bắc Giang của sát thủ Lê Văn Luyện. Cả hai vụ án trên đều có điểm chung đó là mặc dù áp dụng đúng theo quy định của pháp luật hiện hành tuy nhiên đều vấp phải sự phản đối của dư luận khi nhiều người cho rằng mức án với Lê Văn Luyện hoặc tội danh khởi tố với Nguyễn Mạnh Tường là chưa thoả đáng với hành vi của 2 đối tượng trên. Thậm chí, sau vụ việc của Lê Văn Luyện, có rất nhiều ý kiến cho rằng nên hạ thấp độ tuổi thành niên trong Bộ luật Hình sự để tăng mức răn đe và trừng trị của pháp luật.
Bác sỹ Nguyễn Mạnh Tường (áo trắng) bị bắt
Khoan nói về việc sửa đổi độ tuổi thành niên mà chỉ đề cập tới những ảnh hưởng thực tế tới xã hội đặc biệt là giới trẻ của vụ việc Lê Văn Luyện. Một thực tế đặt ra trước mắt chính là: Sau khi bản án quyết định 18 năm tù giam với Lê Văn Luyện được tuyên đã có rất nhiều vụ án cướp tiệm vàng xảy ra trên phạm vi cả nước, sự gia tăng đột biến những hành vi vi phạm pháp luật của trẻ vị thành niên với mức độ tinh vi hơn, nghiêm trọng hơn, trong những đối tượng này, thậm chí có không ít người tự xưng là “ đàn em của Lê Văn Luyện”.
Có thể kể đến như vụ của sát thủ Lê Tuấn Anh hiếp dâm rồi ném xác nạn nhân xuống sông. Tại buổi xét xử, Lê Tuấn Anh đã tự nhận mình là “có họ hàng với Lê Văn Luyện nên phải làm điều gì đó giống anh ấy”. Một vụ việc khác của Ngô Đăng Thức và Nguyễn Quang Huỳnh (cùng trú tại Phú Cát, huyện Quốc Oai, Hà Nội), hai đối tượng này đã bịt miệng, sát hại dã man bà Đặng Thị Thân là quản lý nhà nghỉ khi không có đủ tiền trả phòng.
Cũng chính tại phiên toà, Ngô Đặng Thức đã trả lời Hội đồng xét xử rằng mình biết trước dù tội ác có gây ra thế nào thì mức án của mình cũng không thể quá 12 năm tù do khi phạm tội chưa đủ 16 tuổi. Những vụ việc trên chỉ là 2 trong rất nhiều vụ án do trẻ vị thành niên thực hiện trong vài năm gần đây. Không thể phủ nhận rằng, “hiệu ứng Lê Văn Luyện” đã nhanh chóng xâm nhập, tác động vào đời sống, cách suy nghĩ, hành động của không ít thanh thiếu niên hiện nay.
Họ ngang nhiên thách thức xã hội, thách thức pháp luật, thực hiện những hành vi phạm pháp một cách nguy hiểm và dã man với suy nghĩ: “cùng lắm là 18 (12) năm tù, không thể tử hình hoặc chung thân được”.
Trở lại với vụ việc của Nguyễn Mạnh Tường, vấn đề gây nhức nhối hiện nay chính là việc tìm kiếm thi thể chị Huyền. Việc không khởi tố bác sỹ Nguyễn Mạnh Tường về hành vi “Giết người” vì không tìm thấy xác nạn nhân, theo quy định pháp luật hiện hành là phù hợp song như vậy nó vô tình cổ vũ cho tội phạm làm chết người “huỷ thi diệt tích”, giết cứ giết nhưng phải làm cho cái xác biến mất bằng mọi cách.
Nhiều bài viết cũng tham gia “ tích cực” vào việc này qua những bài báo phân tích cặn kẽ, chuyên sâu những cách thức, lý do khiến xác chị Huyền không nổi lên được như: mổ bụng, phân xác, buộc đá vào thi thể, tiêm thuốc phân huỷ xác… Cứ thế, nhiều cách thức để phi tang thi thể được giới thiệu và phổ biến rộng rãi. Với tốc độ lan truyền thông tin chóng mặt như hiện nay, không đầy một ngày, những thông tin này tràn lan khắp các mặt báo và gây chú ý trên khắp các cộng đồng, vô tình, nó cùng đập vào mắt những kẻ đang hoặc đã có ý định phạm tội.
Như con dao hai lưỡi, sự việc nào cũng có hai mặt của nó. Dẫu biết rằng, động cơ khi viết những bài phân tích như vậy chỉ mong đem lại những cái nhìn khách quan, chuyên sâu hơn song cũng chính những bài viết ấy có thể “vẽ đường cho hươu chạy”, trở thành tư liệu cho tội phạm giết người,
Nếu tình huống như hiện nay tiếp tục tiếp diễn, không thể tìm thấy xác chị Huyền, không có căn cứ khởi tố Nguyễn Mạnh Tường về hành vi hành vi Giết người thì không chỉ khiến dư luận bức xúc mà còn khiến giới tội phạm “hả hê” vì sự bất lực của cơ quan chức năng? Để từ đó coi đây là cách thức nhằm thoát tội.
Người nhà nạn nhân đã bị mất người thân, nay càng thêm đau đớn vì xác người thân không trọn vẹn. Tội phạm đã diễn ra phức tạp, tinh vi nay lại càng có nhiều thêm những con đường giúp chúng lách luật.
Trước đó, từ vụ Lê Văn Luyện, bài học được rút ra chính là không chỉ nhấn mạnh vào tình tiết vụ án mà còn phải đặc biệt nhấn mạnh về giải quyết vụ án để tăng tính răn đe cho toàn xã hội. Như tình hình hiện nay, trọng tâm ngoài việc tìm xác của chị Huyền còn nên phổ biến nhiều hơn những lời cảnh tỉnh, những phản ứng của dư luận, tác hại của hành vi vi phạm với xã hội.
Thiết nghĩ, cần có nhiều bài viết tích cực hơn tham gia nhiều hơn vào ngăn chặn hành vi phạm tội như Nguyễn Mạnh Tường này. Hy vọng rằng, sau “hiệu ứng Lê Văn Luyện” chúng ta sẽ không phải thêm "hiệu ứng Nguyễn Mạnh Tường” như thế.
Nguyễn Cẩm Thanh