Đi dọc bãi biển Sầm Sơn (Thanh Hóa) du khách có thể dễ dàng nhận thấy một điểm rất riêng, ấn tượng của biển nơi đây so với các bãi tắm khác ở khu vực miền Bắc là bờ cát trắng dài, chạy tít tắp tận ra mặt nước. Cùng với sóng biển lớn và hải sản phong phú, đây được xem như là những yếu tố then chốt thu hút hàng triệu du khách tới nơi đây mỗi năm. Ngoài ra, bãi cát cũng là nơi để bà con ngư dân có chỗ neo đậu phương tiện mỗi khi ra khơi vào bờ.
Tuy nhiên, những năm gần đây, bãi biển Sầm Sơn đang có xu hướng bị nước biển xâm thực, cát bồi lắng không đủ lượng bị thiếu hụt đi, khiến nguy cơ bãi cát dài nơi đây bị "xóa sổ" là rất hiện hữu theo thời gian.
"Nước biển nhiều năm qua đang có xu hướng ăn vào, ngày trước còn bé tí mỗi khi chạy từ rặng phi lao xuống tới mặt nước là quãng đường rất xa, mùa hè có khi còn bị bỏng chân nếu không đi dép vì cát nóng", anh Nguyễn Hữu Được (sinh năm 1990) một người dân sinh sống tại đây cho biết.
Bãi biển Sầm Sơn kéo dài khoảng 6km, từ chân núi Trường Lệ kéo tới tận khu vực cửa Lạch Hới (nơi sông Mã đổ ra biển). Theo ghi nhận thực tế, nước biển đang xâm thực mạnh từ phía cửa Lạch Hới qua các bãi tắm E,D và có xu hướng ăn mòn dần về phía khu vực chân núi Trường Lệ.
Tại các khu vực xâm thực mạnh nhất, trong những lúc thủy triều lên, nước biển mạnh đã có thể chạm tới mép đường Hồ Xuân Hương (tuyến đường chạy ven biển Sầm Sơn) và "uy hiếp" thường trực tuyến đường đoạn qua khu vực này.
"Nước biển ăn cả vào đường rồi, cứ căn cứ theo hàng phi lao chắn sóng thì nước biển những năm qua đã ăn vào rất nhiều. Những hôm biển động sóng vỗ vào thường xuyên, đợt rồi bão nước còn lên ngập cả đường. Vì vậy, chúng tôi phải kéo cả thuyền thúng lên vỉa hè vì không còn bãi cát che chắn nữa", anh Sơn, một ngư dân Sầm Sơn cho biết.
Cũng theo người dân nơi đây, tốc độ xâm thực có dấu hiệu đẩy nhanh trong khoảng 5 năm gần đây, các "nhà Đỗi (lán trại thực hiện việc trông coi tàu bè ở bãi biển) trước kia ẩn an toàn trong rừng cây phi lao, cùng bãi cát dài cao trước mặt sóng biển không thể với tới thì nay cũng trong tình trạng có thể bị trôi ra biển bất cứ khi nào.
Theo quan sát của Người Đưa Tin khi đi dọc bờ biển về phía núi Trường Lệ, các dấu hiệu xói mòn nguy hiểm đang có xu hướng lan nhanh và để lại dấu vết hiện hữu. Trên bờ cát xuất hiện các vết sạt lở tạo thành các vực cát nhỏ cho thấy nước biển đang âm thầm hàng ngày lấy đi lượng cát lớn. Bên cạnh đó là các gốc dừa, hay phi lao được người dân trồng xa mép nước biển với mục đích chắn gió, chắn cát nay cũng trơ gốc hoặc đã nằm lỏng chỏng giữa bãi.
Theo kinh nghiệm từ nhiều cụ cao niên tại vùng biển này, thì biển Sầm Sơn có địa hình tự nhiên rất lý tưởng, với một đầu là cửa sông Mã nước chảy mạnh cuốn theo nhiều cát, phù sa kết hợp với dãy núi Trường Lệ chạy sát ra biển đã giúp cát xu hướng bồi lắng qua hàng năm tạo nên bãi cát dài như ngày nay.
Với nhận định cảm tính mang tính thực tế, một số người dân cho rằng có thể việc kè đê, lấn biển và quá trình xây dựng dự án du lịch nghỉ dưỡng sinh thái ở ngay vị trí cửa Lạch Hới là một trong những nguyên nhân góp phần gây nên tình trạng trên.
"Khoảng 5 năm qua biển ăn vào mạnh hơn, ngày trước có thấy chi mô. Có thể khi dự án về xây sân gôn và làm nhà họ cũng hút rất nhiều cát biển lên để bồi đắp tạo những hố sâu nên có thể giờ bị sụt xuống., đồng thời, việc kè bờ ở phía trước dự án cúng khiến sóng đập vào bị xô ngược qua đây rồi lấy cát đi", chị Vũ Thị Vân (sinh năm 1976, trú phường Quảng Cư, Tp.Sầm Sơn) chia sẻ.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 24/10, UBND tỉnh Thanh Hóa công bố tình huống khẩn cấp sạt lở, xâm thực bờ biển khu vực cửa Lạch Hới thuộc thôn Tân Xuân, xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) - phía đối diện cửa Lạch Hới nhìn từ phía Tp.Sầm Sơn. Khu vực này hiện đang bị xâm thực rất nghiêm trọng. Đồng thời, tỉnh Thanh Hóa có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đề nghị hỗ trợ nghiên cứu giải pháp xử lý khẩn cấp chống sạt lở, xâm thực bờ biển khu vực cửa Lạch Hới.
Theo đánh giá của các tổ chức nghiên cứu quốc tế có uy tín, như: Ngân hàng Thế giới (WB), Trung tâm Nghiên cứu các Hệ thống môi trường (CESR), Cơ quan Hàng không và Không gian Mỹ (NASA)… với 3.260 km đường bờ biển kéo dài từ Bắc xuống Nam qua 28 tỉnh, thành phố, Việt Nam là một trong 5 quốc gia trên thế giới bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ các hiện tượng thiên tai cực đoan do nước biển dâng như xâm ngập mặn, biển xâm thực, bão, lốc...
Ngoài các nguyên nhân do yếu tố tự nhiên như: Tác động của gió, sóng, thủy triều, dòng chảy ven bờ, cấu tạo địa chất, vị trí của đường bờ, biến đổi khí hậu toàn cầu, nước biển dâng thì tình trạng xâm thực biển diễn biến phức tạp ở Việt Nam hiện nay còn do các yếu tố đến từ chính các hoạt động của con người. Việc xây dựng các công trình nhà ở, công trình hạ tầng ven biển đã làm thay đổi quy luật tự nhiên của các luồng khí, gió đối lưu, làm thay đổi dòng chảy của biển và ảnh hưởng đến sự tác động của sóng biển vào bờ.
Bàn về sự việc, Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Phương (Trưởng Khoa môi trường và công nghệ hóa - ĐH Duy Tân) một nguyên nhân quan trọng khác khiến bờ biển bị xâm thực đó là tình trạng khai thác nước ngầm quá mức ở ven biển mà “thủ phạm” chính là các công trình cao tầng. Theo đó, khi thi công các công trình ven biển đã vô tình hút đi lượng nước ngầm mất lớn làm sụt lún cát, từ đó xâm thực nhanh và nặng nề hơn.
Một số hình ảnh bãi biển Sầm Sơn bị xâm thực: