Chiều 7/8, hàng trăm người dân địa phương, gia đình, bạn bè thân hữu, các cơ quan tổ chức đã tới tư gia tại thôn 5, xã Nga Thanh, huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) để tiễn đưa cháu L. về nơi an nghỉ cuối cùng.
Con đường dẫn vào gia đình bố mẹ anh Sơn (bố cháu L.) ở quê nhà đông hơn ngày thường. Nhiều người lần đầu tiên tới đây để động viên, chia sẻ sự mất mát quá lớn của gia đình.
Ngồi lặng lẽ ở một góc nhà, ông Hải (ông ngoại cháu L.) kể lại trong nước mắt, anh Sơn và chị Hương sau khi kết hôn với nhau thì sinh được mình cháu L.
Cháu L. là đứa hoàn toàn khỏe mạnh, thông minh và hiếu động. Cách đây gần 2 tháng, nhân dịp nghỉ hè, vợ chồng chị Hương cho con về Yên Bái chơi với ông bà ngoại. Trước khi xảy ra chuyện vài ngày, L. được bố mẹ đón xuống Hà Nội để bắt đầu năm học mới tại trường Gateway.
Ông Hải không thể ngờ, đây là lần cuối cùng ông cháu được vui đùa với nhau. Khi nhận hung tin L. tử vong do bị nhà trường bỏ quên xe buýt gần 1 ngày khiến gia đình chết lặng.
Bố L. anh Lê Hoàng Sơn là chủ một doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng, còn chị Hương công tác tại một bệnh viện phụ sản ở Hà Nội. Được một mụn con, họ muốn dành cho đứa con trai của mình những gì tốt đẹp nhất, trong đó có điều kiện học tập. Và họ đã có L. vào học tại trường tiểu học "Quốc tế" Gateway theo như lời quảng cáo của trường này.
Vợ chồng anh Sơn và chị Hương phải bỏ ra mức học phí khoảng 120 triệu/năm khi cho con theo học tại đây. Đây là một số tiền khá lớn đối với thu nhập của một gia đình ở thành phố. Nhưng, tại “ngôi trường Quốc tế Gateway” đứa con duy nhất của họ lại tử vong vì bị bỏ quên gần 1 ngày trên xe đưa đón đóng kín cửa.
“Sống là ở, thác là thiêng. Biết rằng sinh tử đó là lẽ ở đời. Nhưng tuổi đời còn quá trẻ. 6 năm trời quấn quýt cùng cha, cùng mẹ, cùng ông bà, cô dì, chú bác, đôi bên nội ngoại. Nay trước thềm chia ly, nỗi đau buồn đó đâu chỉ của riêng ai....”, giọng điếu văn của một vị trong ban tổ chức lễ tang vừa dứt, tiếng khóc vang lên khiến người chứng kiến không cầm được nước mắt.
Sau khi làm các thủ tục cần thiết, 16h30, dòng người đẫm nước mắt theo sau chiếc xe chở quan tài đứa trẻ xấu số rời nhà từ từ tiến ra nghĩa trang quê nhà. Lẽ thường, những người thân thích (bố mẹ, con cái, anh em ruột thịt …) sẽ buộc khăn tang cho người đã mất. Nhưng, theo phong tục tại địa phương bố mẹ không được buộc khăn tang cho con. Và đám tang cháu L. cũng không ngoại lệ.
Từ khi làm lễ truy phúng viếng, chị Hương đã nhiều lần khóc ngất khi gào khóc gọi tên con. Còn anh Sơn, dù đau xót, nhưng là người đàn ông trụ cột trong gia đình nên anh buộc phải nuốt nước mắt vào trong, vái tạ cảm ơn những người đến phúng viếng đứa con xấu số của mình.
Khi chiếc xe chở quan tài dần khuất cuối con đường cũng là lúc người mẹ gào khóc ngất lịm đi khi cố vùng vẫy khỏi bàn tay của người thân chạy theo con. Trước khi ngất đi, chị Hương đã thốt lên: “Giờ mẹ sẽ không được thấy con vòng tay cúi chào mẹ mỗi sáng đến lớp nữa. Tại sao lại vậy con ơi!”
Quá đau đớn, anh Sơn cũng ngồi sụp xuống đất nhìn theo chiếc quan tài đứa con mình dần xa.
Dù vừa mất đi đứa cháu ngoại hết mực yêu quý, nhưng ông Hải vẫn không tỏ thái độ căm phẫn quá mức với lãnh đạo và nhân viên trường Gateway. Ông cho biết, gia đình mình là người có học, dù cháu mất vì lỗi tắc trách của nhà trường, nhưng là người có văn hóa nên đồng ý cho lãnh đạo trường Gateway vào Thanh Hóa thắp hương, phúng viếng và đưa tang người đã khuất. Trách nhiệm của nhà trường tới đâu, gia đình sẽ chờ kết luận của cơ quan công an.
Đại diện trường Gateway đặt vấn đề lo kinh phí tổ chức tang lễ cho cháu L., nhưng gia đình đã từ chối vì họ vẫn đủ khả năng làm việc này.