Thông tin về việc một số lãnh đạo giải trình về số tài sản "khủng", biệt phủ hàng chục tỷ đồng của gia đình sở hữu là do một thời lao động vất vả, nuôi gà, nuôi lợn, bán chổi đót... đã khiến dư luận xã hội rất băn khoăn.
Cụ thể, khi trả lời báo chí sau những ồn ào quanh biệt phủ có vị trí đắc địa, ông Phạm Sỹ Quý, Giám đốc sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái cho biết: “Thời thanh niên tôi đi mua chổi đót, lá chít từ trên này xuống Hà Nội, đã có những lúc tôi lạc trong rừng, ngủ trong rừng. Từ ngày xửa ngày xưa, tôi còn làm men nấu rượu, làm bánh kẹo, làm giá đỗ…”.
Trước đó, ông Nguyễn Sỹ Kỷ, Phó ban Nội chính Tỉnh ủy Đắk Lắk cũng từng chia sẻ rằng, số tiền mà ông xây ngôi biệt thự “khủng” là nhờ “chạy xe ôm từ thời trai trẻ”.
Mới đây, khi trả lời báo Người Đưa Tin, ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) đề xuất phải hình sự hóa các tài sản bất hợp pháp, không giải trình rõ nguồn gốc. Điều này nhằm ngăn chặn và xử lý tình trạng kê khai tài sản không hợp lý, kê khai sai.
Về nội dung này, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, tài sản bất minh có thể sung công quỹ.
"Nếu cố tình giải thích một cách không trung thực về nguồn gốc tài sản thì chắc chắn có những khuất tất về khối tài sản “khủng” đó. Tôi cho rằng, đề xuất hình sự hóa các tài sản bất hợp pháp, không giải trình rõ nguồn gốc cần được nghiên cứu kỹ lưỡng. Thực tế, không phải cái gì cũng hình sự hóa được. Có những cái không cần hình sự hóa vẫn có thể xử lý được", ông Nhưỡng nói.
Vị ĐBQH đoàn Bến Tre nêu quan điểm cá nhân: "Tôi đề xuất có cơ chế riêng xử lý những tài sản bất minh về nguồn gốc của quan chức, có thể sung công quỹ. Không giải thích được hoặc giải thích không hợp lý đều có thể sung công quỹ số tài sản ấy. Nếu thực sự có những cán bộ nuôi lợn, nuôi gà, làm chổi mà có được tài sản hàng chục tỷ đồng như thế thì nên nhân rộng gương điển hình.
Về lý thuyết, một người cũng có thể có tài sản lớn như vậy nhờ những công việc đó nhưng không nhiều. Hơn nữa, không phải cán bộ lãnh đạo nào cũng giỏi làm ăn kinh tế. Cá nhân tôi cho rằng, đó chỉ là cách giải thích lòng vòng, không trung thực. Nếu đã không trung thực khi kê khai tài sản, lại thêm không trung thực khi giải thích nguồn gốc tài sản thì càng khó chấp nhận".
Còn ông Nguyễn Anh Sơn, nguyên Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định thẳng thắn cho rằng, tài sản “khủng” do bán chổi đót, nuôi lợn là không thể tin nổi.
"Việc giải trình tài sản “khủng” do bán chổi đót, chạy xe ôm, nuôi lợn... là không thể tin nổi. Kê khai tài sản là một chuyện, giải trình là một chuyện nhưng quan trọng nhất là phải kiểm soát và giám sát, xử lý những chuyện bất minh mà dư luận quan tâm. Kê khai tài sản hoặc giải trình nguồn gốc tài sản mà nhiều người không thể tin nổi thì bằng không, kê khai để làm gì, giải thích để làm gì. Giải thích như thế là coi thường dư luận”, ông Sơn nói.
Dương Thu