Hình sự hóa tài sản bất minh: Cần bổ sung cơ chế khởi kiện dân sự

Hình sự hóa tài sản bất minh: Cần bổ sung cơ chế khởi kiện dân sự

Lại Duy Cường

Lại Duy Cường

Chủ nhật, 16/07/2017 19:43

Tài sản khủng từ nuôi lợn, nuôi gà, bán chổi đót, của một số quan chức thời gian vừa qua đang gây bức xúc trong dư luận. Giải thích kiểu bất minh như vậy liệu có nên hình sự hóa?

Trao đổi với phóng viên báo Người Đưa Tin, TS.LS Vũ Văn Tính, Giảng viên Học viện HCQG đã bày tỏ ý kiến về vấn đề này.

Ông Tính cho rằng: “Trước hết cần phải khẳng định rằng, về mặt lý thuyết chúng ta có đủ cơ sở pháp lý để tịch thu, thu hồi các tài sản do tham nhũng mà có. Tuy nhiên chỉ khi nào có bản án hình sự có hiệu lực thì các tài sản tham nhũng mới được thu hồi. Mặt khác, chỉ khi nào một cá nhân bị khởi tố thì cơ quan chức năng mới có quyền tiến hành kiểm soát tài sản của họ. Như vậy trước đó họ đã có đủ thời gian để tẩu tán, che dấu hoặc chia nhỏ các tài sản tham nhũng được nên việc thu hồi diễn ra rất khó khăn và hiệu quả thấp. 

Nếu nói cần hình sự hóa các tài sản bất hợp pháp không rõ nguồn gốc để nhằm chống tham nhũng có hiệu quả hơn thì là không cần thiết. Bởi lẽ pháp luật hình sự ở thời điểm hiện tại đã đủ cơ sở để cho phép tịch thu, thu hồi các tài sản do tham nhũng mà có, cụ thể:

Thứ nhất, để thu hồi tài sản của người trực tiếp phạm tội thì căn cứ vào Điều 40 BLHS 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 (BLHS), tòa án hoàn toàn có quyền tịch thu tài sản của người phạm tội nếu có căn cứ cho rằng các tài sản đó hình thành trực tiếp từ hành vi tham nhũng. Việc tịch thu tài sản này đã thường xuyên được áp dụng trong các vụ án tham nhũng như vụ Vinashin, Vinaline, vụ Huỳnh Thị Huyền Như.

Thứ hai, trong trường hợp tài sản do người có hành vi tham nhũng đã chuyển cho người khác đứng tên thì có thể áp dụng các dấu hiệu liên quan đến hành vi rửa tiền quy định tại Điều 251 BLHS để truy cứu trách nhiệm hình sự của những người đã hợp pháp hóa tiền, tài sản của người khác phạm tội mà có, đồng thời tịch thu các tài sản đó. Ví dụ, cha của Giang Kim Đạt đã bị truy tố về hành vi rửa tiền khi dùng tiền phạm tội của Giang Kim Đạt để mua gần 40 bất động sản.

Góc nhìn luật gia - Hình sự hóa tài sản bất minh: Cần bổ sung cơ chế khởi kiện dân sự

 Tài sản khủng được giải thích bằng nuôi lợn, bán chổi đót thật khó để dân chấp nhận.

Thiết nghĩ khi sửa đổi luật Phòng chống tham nhũng, cần bổ sung cơ chế khởi kiện dân sự để thu hồi tài sản tham nhũng. Theo đó Luật nên cho phép cơ quan phòng chống tham nhũng được quyền khởi kiện tại tòa án, yêu cầu tòa án có thẩm quyền ra phán quyết về quyền sở hữu đối với phần tài sản, thu nhập chênh lệch của người có chức vụ quyền hạn hoặc những người có liên quan tới đối tượng này nếu họ không giải trình được một cách hợp lý nguồn gốc của phần tài sản thu nhập tăng thêm”.

Nói về việc phù hợp với thông lệ quốc tế, Luật sư Vũ Văn Tính cho rằng: “Việc khởi kiện dân sự dựa trên gợi ý của Công ước phòng chống tham nhũng của Liên Hợp Quốc. Theo đó, Điều 53 (a) Công ước này quy định một quốc gia thành viên có quyền: “Tiến hành các biện pháp cần thiết cho phép quốc gia thành viên khác khởi kiện vụ án dân sự tại toà án để xác định quyền hay quyền sở hữu đối với tài sản có được qua việc thực hiện các tội được quy định trong Công ước này”. Như vậy một quốc gia có quyền khởi kiện dân sự tại quốc gia khác để đòi lại tài sản do nạn tham nhũng ở nước mình gây nên. Tại sao không thể khởi kiện dân sự tại chính đất nước mình để yêu cầu người có tài sản bất minh phải chứng minh quyền sở hữu hợp pháp của mình?”  Luật sư Tính kết luận.

Trần Phương

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.