Những năm gần đây, biến những cây hoang dại thành bonsai bạc triệu đang trở thành thú chơi của giới cây cảnh và thị trường phôi loại cây này đang "nóng" lên.
Các loại cây dại, cây hoa, cây ăn quả... đã được thuần hóa thành những tác phẩm bonsai siêu mini khiến người xem kinh ngạc về độ tỷ mỉ và khéo léo. Thú chơi cây cảnh cũng tạo thêm thu nhập cao cho nhiều người.
Loại bonsai siêu mini này phù hợp túi tiền của nhiều người. Đặc biệt cây cảnh mini có kích thước rất nhỏ gọn, chiều cao vài cm, nên ít nhiều có sự khác biệt trong cách chăm sóc, nuôi dưỡng so với cây cảnh lớn khác.
Là người đam mê cây cảnh, anh Huỳnh Văn Đức (25 tuổi, ở Đồng Tháp) rất quan tâm tới dòng bonsai siêu mini. Hiện Đức đang sở hữu hàng trăm chậu bonsai siêu mini như sam núi, linh sam… với kích thức từ 6 - 12 cm đang phát triển tươi tốt trong khu vườn tại gia.
Theo Đức, dòng này có giá từ trăm ngàn đến vài triệu đồng/cây, mỗi tháng anh bán được hàng chục chậu, thu thêm tiền triệu cho mình. Chàng trai 25 tuổi cho hay anh trồng bonsai siêu mini từ năm 2019 khi vô tình thấy được các video về chúng trên mạng xã hội. “Khi mới bắt đầu trồng bonsai siêu mini tôi làm chết nhiều vì để cây thiếu nước, không đủ dinh dưỡng”, Đức nói.
Đức thông tin dòng bonsai siêu mini mất nước nhanh vì chậu trồng và cây đều nhỏ. Nếu bonsai lớn chỉ cần một lần tưới/ngày thì kiểng siêu mini cần tưới nhiều lần trong ngày.
“Để uốn nắn, chỉnh sửa chúng thì cũng cần đòi hỏi sự kiên nhẫn và tỉ mỉ. Vì chi tiết bonsai mini rất nhỏ nên tôi phải rất khó để làm, nếu vội vàng việc chăm sóc nó khó đạt. Bên cạnh đó, tôi phải “tưới” cây sáng, trưa, chiều bằng cách ngâm bonsai siêu mini vào cái thùng nước vài giây, khi nào hết lên bong bóng là được”, Đức bộc bạch.
Sau nhiều năm tìm hiểu về dòng bonsai siêu mini, Đức đúc kết: Trồng kiểng siêu mini khó ở chỗ phải kìm hãm không cho đoạn mầm lá của nó đi xa, nếu chúng vượt quá giới hạn thì phải cắt bỏ nuôi lại. Do đó, trong giai đoạn cắt nhiệp để làm chi cành, người trồng không được sử dụng phân bón nhiều.
Theo Thương Hiệu & Sản Phẩm, anh Trần Minh Tuấn là giáo viên tại tỉnh Gia Lai nhưng lại có niềm đam mê cây cảnh. Nhận thấy cây hoa ngũ sắc đẹp nên anh Tuấn đã mạnh dạn đưa giống về trồng thử nghiệm.
Vừa dạy học, anh Tuấn vừa học hỏi cách chăm sóc, ghép cành và liên hệ tìm phôi, màu hoa khắp nơi để về thử nghiệm. Để tăng giá trị cho các cây ngũ sắc, anh Tuấn còn tạo thành các dáng phổ biến, cây bonsai mini, ngũ sắc ôm lũa.
Từ một loài cây hoang dại, các nhà vườn đã lai tạo thành công những chậu bonsai ngũ sắc phục vụ nhu cầu chơi hoa.
Đây đều là những gốc ngũ sắc tuổi đời vài chục năm nên có dáng vẻ sần sùi, nhiều hình thù. Từ những gốc ngũ sắc này, ông Tuấn khéo léo ghép các màu hoa.
Sau 3 năm miệt mài, anh Tuấn đang sở hữu gần 1.000 chậu ngũ sắc các loại. Anh Tuấn cho biết, cây hoa ngũ sắc có hơn 64 màu sắc và nhiều loại giống khác nhau. Mỗi loại có hương thơm khác biệt.
Cây hoa ngũ sắc cuốn hút người chơi bởi sắc và hương. Điểm nổi trội của hoa ngũ sắc là nở quanh năm nên được nhiều khách hàng ưa chuộng.
"Mỗi năm, tôi bán khoảng 500 cây và lãi thu về khoảng 200-300 triệu đồng. Thương lái thường đến tận nhà vườn để đặt hàng và chở đi bán Tết khắp các tỉnh, thành trong cả nước", anh Tuấn bộc bạch.
Thông tin trên Người Lao Động, việc biến những loài hoa hoang dại thành bonsai tiền triệu đang trở thành thú chơi của giới cây cảnh vì độc đáo và lạ lẫm. Do đó, thị trường phôi cây bonsai hay cây thành phẩm đang "nóng" lên. Đây cũng là cơ hội cho những người yêu cây cảnh trong cả nước.
Đặc biệt, khi nhu cầu mang thiên nhiên vào nhà ở, công sở, văn phòng làm việc đang tăng càng khiến cho những dòng bonsai mini trở nên hút hàng hơn. Với nhiều người chơi bonsai, có 4 yếu tố lôi cuốn: Cổ (độ già cỗi), kỳ (lạ, công phu), mỹ (đẹp), văn (ý nghĩa của cây). Bonsai bảo đảm được 4 yếu tố này luôn có giá trị cao.
Trên các diễn đàn, trang mạng xã hội, nhiều hội, nhóm bonsai hoa, cây cảnh "độc" và lạ xuất hiện. Các hội, nhóm này trở thành nơi giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm; buôn bán, trao đổi những loài cây hoa hoang dại khắp các vùng miền. Hiện các loài cây dại này được rao bán dưới dạng cây phôi và cây bonsai thành phẩm. Tùy kích thước, hình dáng, tán cây, độ tuổi và mức độ lôi cuốn của nó mà người chơi rao bán giá từ vài chục ngàn đồng đến vài triệu đồng, thậm chí vài chục triệu đồng/cây. Theo đó, việc không phải bỏ ra nhiều vốn để đầu tư cũng như công đoạn chăm sóc không quá cầu kỳ, phức tạp do những dòng cây này thuộc loài hoang dại, có sức sống mãnh liệt, dễ thích nghi với hoàn cảnh mới khiến cho nghề sưu tầm, trồng và phát triển những loại bonsai mini, bonsai cây dại trở thành hướng đi mới trong phát triển kinh tế của nhiều người.
Trúc Chi (t/h)