Các nhà nghiên cứu Malaysia đã phát triển một phương pháp biến đổi chất xơ có trong lá dứa, thường bị bỏ đi không sử dụng, thành vật liệu có tính bền có thể sử dụng để chế tạo khung cho máy bay không người lái.
Người đứng đầu dự án đặc biệt này là Giáo sư Mohamed Thariq Hameed Sultan tại đại học Putra Malaysia đã nỗ lực nghiên cứu để tìm ra phương pháp ứng dụng bền vững cho chất thải từ dứa do người nông dân ở Hulu Langat trồng.
Mohamed Thariq Hameed Sultan cho biết: "Chúng tôi đang biến lá dứa thành một loại sợi có thể ứng dụng trong hàng không vũ trụ, máy bay không người lái".
Mohamed Thariq cho biết máy bay không người lái làm từ vật liệu composite sinh học có tỷ lệ độ bền trên trọng lượng cao hơn so với máy bay làm từ sợi tổng hợp, hơn nữa chi phí cũng rẻ hơn, nhẹ hơn.
Ngoài ra vật liệu mới dễ dàng khử bỏ hơn. Một khi máy bay không người lái bị hỏng, khung máy có thể bị chôn xuống đất và sẽ nhanh chóng phân rã trong vòng hai tuần.
Máy bay không người lái này có thể bay đến độ cao khoảng 1.000 mét và ở trên không trong khoảng 20 phút. Cuối cùng, nhóm nghiên cứu hy vọng sẽ tạo ra một máy bay không người lái lớn hơn để giữ được trọng tải lớn hơn cho các mục đích nông nghiệp và kiểm tra trên không.
William Robert Alvisse thuộc Hiệp hội hoạt động về máy bay không người lái Malaysia, một nhóm phi chính phủ giúp thiết kế máy bay không người lái và tư vấn về dự án, cho biết: "Vai trò của chúng tôi ở đây chính là giúp cho ngành công nghiệp, giúp người nông dân, tăng năng suất và giúp cho công việc của họ trở nên dễ dàng thuận lợi hơn."
Trước khi dự án triển khai vào năm 2017, những lá dứa, thường bị loại bỏ không sử dụng sau khi thu hoạch. Người nông dân địa phương hi vọng dự án máy bay không người lái sẽ khuyến khích nhiều sáng tạo hơn nữa.
Nguyên Anh (Nguồn Vietnamnet)