Đưa nông sản địa phương xuất ngoại
Mã số vùng trồng (mã số đơn vị sản xuất - Production Unit Code) là mã số định danh cho một vùng trồng nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, kiểm soát sinh vật gây hại, truy xuất nguồn gốc nông sản.
Đây còn là điều kiện bắt buộc cho các mặt hàng nông sản xuất khẩu, nhằm tránh tình trạng trà trộn sản phẩm nơi khác vào vùng trồng đã được cấp mã số.
Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cây ăn trái được xác định là một trong những loại cây trồng chính và là sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương, toàn tỉnh hiện có hơn 10.000ha cây ăn trái các loại, chủ yếu như: nhãn xuồng cơm vàng, mãng cầu ta, bưởi da xanh, thanh long, chuối,…
Trao đổi với Người Đưa Tin, đại diện Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, với sự hỗ trợ tích cực của ngành nông nghiệp cùng với nỗ lực của các tổ chức, cá nhân, đến nay toàn tỉnh đã có 24 vùng trồng được cấp 43 mã số vùng trồng xuất khẩu với tổng diện tích 1.021,7 ha, chiếm khoảng 10% tổng diện tích cây ăn quả, xuất khẩu đi các thị trường Hoa Kỳ, Eu, Úc, Nhật và Trung Quốc.
Cụ thể, như: vùng trồng nhãn có 7 vùng trồng trên địa bàn huyện Xuyên Mộc với diện tích 111,9 ha, sản lượng 1.607,6 tấn/năm, có 15 mã số. Vùng trồng chuối có 4 vùng trồng trên địa bàn huyện Xuyên Mộc, Châu Đức với diện tích 570 ha, sản lượng 14.660 tấn/năm, với 4 mã số đi thị trường Trung Quốc.
Vùng trồng sầu riêng có 5 vùng trồng trên địa bàn huyện Châu Đức với diện tích 124,2 ha, sản lượng 2.484 tấn/năm, có 5 mã số đi thị trường Trung Quốc. Vùng trồng bưởi có 5 vùng trồng trên địa bàn thị xã Phú Mỹ với diện tích 78,7 ha, sản lượng 1.574 tấn, có 9 mã đi các thị trường…
Về tiệu thụ nội địa, toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã được cấp 68 mã số vùng trồng với tổng diện tích 162,67 ha.
Theo Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, sau khi có mã số vùng trồng, sản phẩm trái cây của tỉnh được doanh nghiệp và thương lái chủ động tìm đến hợp tác, thu mua với mức giá ổn định, các nông hộ cũng tự tin hơn khi cầm trên tay "hộ chiếu" đưa trái cây của địa phương vươn xa, xuất ngoại.
Quy hoạch vùng sản xuất tập trung, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu
Theo đại diện Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, thời gian qua, đơn vị đã ban hành các văn bản hướng dẫn thủ tục cấp mã số, phối hợp với các cơ quan chuyên môn và chính quyền các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn các bước triển khai thực hiện, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất trồng trọt thực hiện đăng ký mã số vùng trồng.
Tuy nhiên, so với tiềm năng lợi thế sẵn có, quy mô những vùng sản xuất vẫn manh mún, nhỏ lẻ và chưa kết nối đầy đủ thông tin giữa sản xuất và thị trường, nhất là trước nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước và quốc tế về truy xuất nguồn gốc, chất lượng nông sản.
Ngoài ra, rào cản lớn nhất là do tiêu chuẩn về quy trình thiết lập và giám sát vùng trồng cần quy mô, diện tích vùng trồng lớn, nông dân phải tuân thủ các quy định sản xuất an toàn, đặc biệt là phải ghi chép đầy đủ nhật ký sản xuất nhưng đây là lĩnh vực mới, số đông người dân chưa hiểu hết lợi ích của việc cấp mã số vùng trồng.
Đại diện Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, thời gian tới đơn vị sẽ tiếp tục hướng dẫn các địa phương trong tỉnh rà soát, quy hoạch những vùng sản xuất chuyên canh tập trung, ổn định đối với những loại cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện từng vùng và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.
Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap và hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất để có số lượng sản phẩm lớn, chất lượng cao.
Gio Linh