Hồ đập oằn mình chống chịu bão lụt

Hồ đập oằn mình chống chịu bão lụt

Thứ 5, 15/08/2013 15:40

Sau sự cố vỡ đập Phân Lân (thôn Phân Lân, xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo) đầu tháng 8 vừa qua, người dân sống dưới chân các hồ đập lại càng thấp thỏm lo âu mỗi khi bão về. Hàng trăm hồ đập lớn bé tại đây đang phải oằn mình chống lại hàng triệu m3 nước dồn về mỗi khi mưa lớn.

Xuống cấp, thấm nước mức độ nặng, sạt mái kè, hở cốt thép… là những hình ảnh PV ghi lại được tại một số “quả bom nước” như Xạ Hương, Thanh Lanh, Hốc Nến…

Gần 30 hồ đập không an toàn

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Độ, phó GĐ Sở NN-PTNT Vĩnh Phúc cho biết, mới đây, ngày 6/8, UBND tỉnh đã gửi báo cáo đánh giá mức độ an toàn các hồ thủy lợi, thủy điện trên địa bàn lên Bộ Xây dựng. Năm 2012 và 2013, Vĩnh Phúc đã sửa chữa, khắc phục được 3 công trình, nhưng lại phát hiện thêm 4 công trình xảy ra sự cố. Trong 209 hồ đập kiểm tra thì có 27 hồ đập đánh giá là không an toàn, 83 hồ đập hư hỏng (kể cả thấm nhẹ), 33 hồ đập hư hỏng cống và 6 hồ đập bị hỏng tràn.

Toàn bộ số hồ đập kể trên, UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao cho 4 Cty TNHH MTV Thủy lợi là Lập Thạch, Liễn Sơn, Tam Đảo và Phúc Yên quản lý. Trong đó, hồ đập có sức chứa lớn nhất là Xạ Hương (Tam Đảo) với dung tích nước chứa theo thiết kế là trên 13 triệu m3.

Việt Nam Xanh - Hồ đập oằn mình chống chịu bão lụt
Nước thấm qua thân đập hồ Xạ Hương

Xạ Hương cũng đang nằm trong danh sách “đen” về các hồ đập không an toàn. Trưa 13/8, PV đã có mặt tại đây để ghi nhận hiện trạng xuống cấp của công trình thủy lợi này. Anh Nguyễn Văn Chính, Cụm trưởng cụm đầu mối hồ Xạ Hương lắc đầu ngao ngán, thân đập bị nước thấm ở mức độ nặng, mái hạ lưu thì bị sạt. Phần thân cống đóng mở, nhiều chỗ bị xâm thực mạnh làm hở cả cốt thép. Anh Chính cũng cho biết, hồ đập Xạ Hương được xây dựng và đưa vào khai thác từ năm 1977, đến nay dường như “kiệt sức”. Đã gần 40 năm sử dụng, tuy nhiên công trình này chỉ được cải tạo một lần duy nhất vào năm 1994 là thay cánh tràn mới.

Nhìn khu vực thân đập cỏ mọc um tùm, cắm chi chít những cột cờ nhỏ, chúng tôi giật mình vì tưởng đi lạc vào… bãi bom mìn. Anh Chính giải thích, đó là những khu vực bị thấm nước, anh em trong cụm cắm cờ để tiện theo dõi và xử lí. “Khoảng 2 năm trở lại đây, chính xác là từ mùa mưa bão 2011, thân đập bị thấm, lún và bây giờ ngày càng bị nặng hơn”, anh Chính cho biết. Theo quan sát, theo hàng chục chỗ thấm, nước rỉ từ thân đập tạo thành những dòng suối nhỏ. Tránh cho nước loang ra toàn thân đập, cứ chỗ nào rỉ nước, công nhân tại đây lại cắm cờ, chèn đá, hướng nước chảy theo đường cố định. Diện tích thân đập bị thấm nước khoảng 400 - 500 m2.

Việt Nam Xanh - Hồ đập oằn mình chống chịu bão lụt (Hình 2).
Dùng đá tảng để nắn dòng chảy nước thấm

Ngoài Xạ Hương, còn một loạt các hồ như Thanh Lanh (xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên) bị thấm mức độ trung bình, hồ Hốc Nến (thị trấn Gia Khánh, huyện Bình Xuyên) thân, nền đập, cả vai trái và phải đều bị thấm mức độ nặng.

Người dân hoang mang

Ảnh hưởng liên tiếp do những cơn bão gây ra, rồi sự số vỡ đập Phân Lân, người dân sinh sống quanh các hồ đập không an toàn ở đây như đang ngồi trên đống lửa. Hiện tại, các hồ đập không dám tích nước, nhưng nếu tình trạng mưa bão còn diễn ra, không biết hậu quả sẽ thế nào.

Bà Nguyễn Thị Loan, 50 tuổi ở thôn Sơn Long (xã Hợp Châu, huyện Tam Đảo) cho biết, do ảnh hưởng liên tiếp của hai cơn bão số 5 và 6, tại đây cũng bị ngập úng nhưng chưa bằng năm 2008. “Tôi đứng trong nhà nhìn ra, nước từ đâu chảy cuồn cuộn, tràn qua đường rồi tràn cả vào sân. Suýt chút nữa thì nước tràn vào ngập cả nhà”, bà Loan rùng mình kể. Ông Trần Văn Quyền, chồng bà Loan thì cho biết, thông tin báo bão có nghe qua đài truyền thanh xã, nhưng nguy cơ từ đập Xạ Hương thì hoàn toàn không biết. Chúng tôi tìm gặp trưởng thôn là ông Trịnh Văn Quang, ông cũng lắc đầu. Thông tin việc hồ đập Xạ Hương xuống cấp, có nguy cơ tràn, vỡ ông Quang bảo hoàn toàn chưa nắm được.

Anh Trần Văn Mười ở thôn Xạ Hương (xã Minh Quang, huyện Tam Đảo) thì cho biết, trận lụt vừa qua cũng không ngang ngửa năm 2008. Nước từ các con suối dâng lên, tràn vào nhà anh cao khoảng 50 - 70 cm. Rất may, không có thiệt hại về người mà chỉ bị trôi mất một con bê.

Việt Nam Xanh - Hồ đập oằn mình chống chịu bão lụt (Hình 3).
Đập Phân Lân bị vỡ ngày 5/8/2013

Nhằm tránh thiệt về con người và tài sản, huyện Tam Đảo đã liên tục thông báo về tình hình thiên tai cho bà con trên hệ thống truyền thanh. Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Đảo cho hay, trên địa bàn huyện có 4 hồ đập lớn, nguy hiểm là Xạ Hương, Vĩnh Thành, Làng Hà, Bản Long… Được hỏi nếu đập bị vỡ, thiệt hại sẽ như thế nào, ông Hùng lắc đầu: Sẽ rất kinh khủng, nhiều thôn xã sẽ bị ngập chìm trong biển nước.

Cụ Trần Thị Lệ, 80 tuổi (thôn Sơn Long) còn nhớ như in trận lụt khủng khiếp năm 2008. Mưa lớn, kết hợp với việc xả tràn tự do của hồ Xạ Hương, Sơn Long cùng nhiều nơi khác ngập chìm trong biển nước. “Dạo đó tôi bị ốm, mấy đứa cháu đội mưa bì bõm cõng tôi chạy lụt chú ạ. Đứa cháu dâu tôi bụng mang dạ chửa cũng được cho lên võng khiêng đến nơi tránh lụt. Còn trâu bò, lợn gà thì gần như mất trắng, nước kéo về nhanh quá chúng tôi không kịp trở tay”, cụ Lệ nhớ lại. Như để minh chứng cho điều mình nói, cụ Lệ chỉ tay vào vết sơn đỏ trên cổng và bảo, mốc nước lụt năm đó đấy chú ạ, nó là một kỉ niệm không thể nào quên. Chúng tôi ướm chừng, mực nước lụt khi đó cao khoảng một mét.

Chờ vốn để cải tạo

Hiện trạng các hồ đập xuống cấp nghiêm trọng, nguy cơ vỡ đập khi bão lũ xảy ra là điều có thể nhìn thấy, vậy tại sao, nhiều năm qua Vĩnh Phúc vẫn chưa thể cải tạo, gia cố lại các công trình kể trên. Câu trả lời ở đây là… chờ vốn!

Việt Nam Xanh - Hồ đập oằn mình chống chịu bão lụt (Hình 4).
Cụ Trần Thị Lệ chỉ vào vết sơn đỏ đánh dấu mức nước lụt 2008

Ông Nguyễn Văn Độ cho biết, kế hoạch cải tạo nâng cấp hồ Xạ Hương đã có nhưng vẫn còn… nằm trên giấy vì không có vốn. Theo kế hoạch, hồ Xạ Hương sẽ được xử lí bằng biện pháp khoan phụt chống thấm với chi phí là 15 tỉ đồng. “Chúng tôi đã có báo cáo về Bộ NN-PTNT về việc xin cấp vốn. Bộ cũng đã thông qua và trình Thủ tướng Chính phủ nhưng đến nay vẫn chưa nhận được nguồn vốn”, ông Độ nói. Nếu đúng như dự kiến, trước mùa mưa bão 2013, Vĩnh Phúc sẽ nhận được 5 tỉ và 10 tỉ còn lại trong năm 2014 để cải tạo hồ Xạ Hương. Biện pháp trước mắt, hồ Xạ Hương sẽ phải ngừng tích nước, đồng thời cảnh báo các hộ dân sống quanh đập sẵn sàng sơ tán khi có lệnh. Ngoài Xạ Hương, nhiều hồ đập khác cũng đang trông chờ vào nguồn vốn ngân sách để nâng cấp và cải tạo.

Bão số 7 suy yếu thành áp thấp

Chiều qua (14/8), bão số 7 (có tên quốc tế là Utor) đã đi vào đất liền phía Tây Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) với gió mạnh cấp 12, cấp 13. Dự báo trong ngày hôm nay (15/8), bão Utor di chuyển theo hướng bắc tây bắc, sau đó có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng tây bắc, đi sâu vào đất liền tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) và suy yếu thành thành áp thấp nhiệt đới với sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới.

Do ảnh hưởng của bão, từ ngày mai (16/8), các tỉnh Bắc Bộ có mưa, riêng vùng núi phía Bắc và khu Đông Bắc có mưa vừa, mưa to. Vùng núi cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất.

L.B

Theo Nông nghiệp Việt Nam

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.