Tính đến thời điểm hiện tại, đây là Di sản văn hóa phi vật thể đầu tiên của tỉnh Quảng Bình.
Hò khoan Lệ Thủy là một loại hình nghệ thuật văn hoá dân gian của cư dân sông nước tại huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Hò khoan thường được người dân hát trong các dịp chèo đò, giã gạo và các lễ hội làng bên sông Kiến Giang.
Trải qua một quá trình, Hò khoan Lệ Thuỷ đã trở thành hoạt động văn hoá, nghệ thuật không thể thiếu trong những dịp sinh hoạt cộng đồng của người dân xứ Lệ.
Hò khoan Lệ Thủy có 9 mái (làn điệu): Chè, nện, xắp, ba, ruỗi, nhì và hò nậu xăn, hò khơi (miền biển), hò lỉa trâu (miền đồi núi).
Nằm trong hệ thống dân ca Bình - Trị - Thiên nhưng Hò khoan Lệ Thủy có nét riêng, có hệ thống bài bản quy định rất chặt chẽ về làn điệu (mái hò), lối hò (chủ đề), có bài bản và quy định rõ ràng. Trong đó, gồm có 9 mái và rất nhiều lối hò phong phú, chẳng hạn như hò xa cách kết vấn, hò nhân ngãi, hò địch vận trong kháng chiến chống pháp...
Hò khoan Lệ Thủy có thần thái riêng biệt với các làn điệu dân ca khác. Đặc sắc ở chỗ, người hò cái, hò con trong Hò khoan Lệ Thủy ngang bằng nhau về “vai vế”, ai cũng có thể thành người hò cái và ngược lại. Điều này lý giải vì sao Hò khoan Lệ Thủy sinh ra để phục vụ văn hóa lễ hội và không có mặt ở văn hóa cung đình.
Bên hò xướng lên một câu bất kỳ đề tài gì, càng hóc búa càng hay, bên kia phải hò đáp lại ngay nên làm cho mọi người cuốn hút, hấp dẫn tìm lời ứng xử nhanh.
Hò khoan Lệ Thủy là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia, thêm một lần nữa khẳng định giá trị truyền thống của điệu hò sông nước. Góp phần lưu giữ và bảo tồn những giá trị văn hóa lâu đời của cha ông, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân nơi đây.
Đây cũng là điệu hò quê hương mà mỗi lần đi xa, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn nhớ nhung da diết. Chính vì vậy, mỗi lần về quê, Đại tướng luôn mời các nghệ nhân đến sân nhà hát điệu Hò khoan Lệ Thủy và dặn dò: Lễ hội đua thuyền hàng năm diễn ra trên dòng Kiến Giang vì vậy phải giữ gìn dòng Kiến Giang thật sạch đẹp để cho người dân đến xem. Và đặc biệt, phải bảo vệ, giữ gìn cho được điệu Hò khoan Lệ Thủy. Với Đại tướng, dòng Kiến Giang bốn mùa trong xanh nước biếc cùng điệu Hò khoan Lệ Thủy như một phần máu thịt của quê hương, nằm trọn trong lòng người…
Lời dặn của Đại tướng năm nào luôn khiến các nghệ nhân hát Hò khoan Lệ Thủy phải đau đáu, cố gắng giữ gìn bằng được điệu hò quê hương. Và hôm nay, người dân Lệ Thủy rung rung nước mắt khi đón nhận tấm Bằng ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia từ bộ VHTT&DL như một món quà lớn dành đến Người.