Tối muộn 21/5, thông tin với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, ông Nguyễn Văn Nam - Chánh văn phòng sở LĐTB&XH tỉnh Hoà Bình cho biết, sau khi nhận được thông tin phản ánh, đơn vị đã ngay lập tức có công văn chỉ đạo yêu cầu UBND huyện Lạc Sơn vào cuộc xác minh, và có báo cáo gửi Sở trong thời gian sớm nhất.
“Nếu tiền từ gói hỗ trợ này mà chi trả sai đối tượng thì bắt buộc phải thu hồi, không còn cách nào khác”, ông Nam nói.
Cùng ngày, ông Bùi Văn Chanh - Phó Chủ tịch huyện Lạc Sơn (Hoà Bình) cho biết, huyện đã có chỉ đạo, và đã cử cán bộ trong tổ công tác xuống điều tra, rà soát lại. Trong ngày 25/5, huyện sẽ có báo cáo cụ thể về sự việc này.
Ngoài ra, vị này cũng cho biết, gói an sinh xã hội 62.000 tỷ hỗ trợ người dân từ Chính phủ, huyện đã triển khai, chi trả xong đối với đối tượng chính sách từ ngày 4/5/2020. Còn gói cho hộ nghèo và hộ cận nghèo đã cơ bản triển khai xong trong ngày 16/5, hiện còn một số đơn vị vẫn đang tiếp tục triển khai.
“Nếu việc điều tra, rà soát lại hộ nghèo năm 2019 mà có những danh sách các hộ phản ánh thì chắc chắn vẫn chi trả bình thường. Trong quá trình kiểm tra mà phát hiện sai sót chủ quan từ cán bộ chính quyền xã thì tuỳ theo mức độ, chúng tôi sẽ xử lý theo quy định. Quan điểm của chúng tôi là sai đến đâu xử lý đến đó, sẽ xử lý thật nghiêm”, ông Chanh nói.
Trước đó, tại xóm Rậm (xã Tân Lập, Lạc Sơn), nhiều gia đình phản ánh, mặc dù họ nghèo thực sự nhưng chính quyền xã lại không cho họ vào danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo để được hưởng các chế độ an sinh. Trong khi đó, trong danh sách những người được hưởng tiền trợ cấp dịch Covid-19 có nhiều gia đình khá giả, thậm chí có cả gia đình cán bộ.
Bùi Thị Nh. (SN 1973, trú tại xóm Chiềng Vang 2, xã Tân Lập) cho biết, sau khi xóm thông báo chi trả tiền hỗ trợ Covid-19 cho các gia đình thuộc hộ nghèo, cận nghèo, bà liền khấp khởi tới nhận. Tuy nhiên, Trưởng xóm cho biết, nhà không có con đi học thì không được. Dù có nhà không thuộc diện khó khăn nhưng có trẻ 3 tuổi học mẫu giáo vẫn được xếp vào diện “có con đi học” để được ưu tiên nhận tiền hỗ trợ.
Tương tự, bà Bùi Thị L. (SN 1966) cho biết, chồng bà mất cách đây 20 năm, gia đình bà sống trong căn nhà sàn dột nát. Cuộc sống gia đình bà L. gặp nhiều khó khăn khi người con trai lớn học xong đại học và để lại món nợ ngân hàng hơn 30 triệu đồng. Do khó khăn nên người con trai thứ hai cũng không có tiền để tiếp tục theo học.
Khi xóm phát tiền hỗ trợ, bà L. tìm gặp trưởng xóm để nhận tiền thì mới ngã ngửa khi biết mình đã “thoát nghèo", dù trước đó bà L. chưa hề nhận được thông báo nào của chính quyền về việc gia đình bà đã ra khỏi danh sách hộ cận nghèo.
Trong khi đó, gia đình bà T. (cán bộ Hội phụ nữ xóm Rậm, chồng là B.V.Q, SN 1962) có điều kiện kinh tế khá giả, có 2 ngôi nhà khang trang nhưng lại “lọt” hộ cận nghèo, được nhận tiền hỗ trợ. Hay gia đình ông B.T.B (SN 1956, xóm Rậm) dù đang xây nhà 2 tầng kiên cố nhưng vẫn nằm trong danh sách cận nghèo.
Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, ông Tô Đức - Phó Chánh văn phòng phụ trách Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo (bộ LĐTB&XH) nhấn mạnh việc hộ nghèo, hộ cận nghèo mà có nhà lầu là không thể chấp nhận. Theo ông Đức, để những sự việc như vậy xảy ra sẽ làm dấy lên nghi ngại về việc trục lợi từ chính sách xã hội của Nhà nước.
Ông Đức nhấn mạnh: “UBND cấp xã là nơi chịu trách nhiệm cho toàn bộ quá trình bình xét hộ nghèo, hộ cận nghèo. Nếu xảy ra sai phạm thì chính là lỗi buông lỏng quản lý của cấp xã, và hơn hết, công tác chỉ đạo, điều hành có vấn đề. Cần thiết phải làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và xử lý thật nghiêm những sai phạm kiểu này”.
Ngoài ra, ông Đức còn cho biết, Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kể cả kiểm tra đột xuất các địa phương trong thời gian tới.