Nếu như ở nước Nga người ta vừa chứng kiến cảnh một dòng sông băng thuộc vành đai Bắc Cực đổi thành màu đỏ như máu thì nay giới khoa học lại được phen hết hồn khi tận mắt nhìn thấy một cái hồ khổng lồ trên miệng núi lửa Lonar thuộc Ấn Độ đột ngột đổi màu nước sang hồng.
Hồ nước trên miệng núi lửa Lonar ở bang Maharashtra thuộc miền Tây Ấn Độ là một trong những điểm đến nổi tiếng nhất ở khu vực này.
Đây là hồ nước hình thành sau vụ va chạm thiên thạch cách đây khoảng 50.000 năm. Hồ nằm cách phía đông thành phố Mumbai chừng 500 km.
Nước hồ vốn rất trong xanh - giống như bao chiếc hồ khác, nhưng đầu tuần qua bỗng chuyển sang màu đỏ hồng khiến các nhà nghiên cứu băn khoăn tìm lời giải thích nguyên nhân dẫn tới sự đổi màu.
Gajanan Kharat, một nhà địa chất địa phương cho biết, mực nước hồ Lonar đang ở mức thấp nhất trong vài năm trở lại đây vì thiếu mưa.
Rất có thể sự thay đổi sắc nước có thể do độ mặn trong nước tăng lên, đồng thời có sự hiện diện của tảo, hoặc là sự kết hợp của cả hai yếu tố trên.
Ngoài ra, một số ý kiến cho rằng, lệnh phong tỏa do Covid-19 ở Ấn Độ khiến các nhà máy đóng cửa cũng có thể là nguyên nhân tác động tới màu nước hồ.
Được biết, hồ nước trên miệng núi lửa Lonar có tính kiềm cao trong tự nhiên với độ pH đạt 10,5. Điều này cho phép sự phát triển của một số loài vi sinh vật, trong đó có những loại không tìm thấy ở bất cứ nơi nào.
Nguyên Anh (Nguồn AFP)