Phát hiện bất ngờ này được đăng trên tạp chí Live Science và tạo chấn động lớn.
Một nhóm các nhà khoa học đã tìm thấy dấu chân người và động vật có niên đại 120.000 năm ở tỉnh Tabuk, Tây Bắc Ả Rập Xê Út. Các dấu chân này được phát hiện trong một hồ nước cổ Alathar cạn khô.
Khoảng 120.000 năm về trước ở vùng ngày nay là phía bắc Ả Rập Xê Út, một nhóm người dừng chân tại một hồ nước cổ Alathar trên sa mạc Nefud để uống nước và tìm kiếm thức ăn.
Hồ này cũng là nơi lui tới thường xuyên của lạc đà, trâu và voi được cho là to lớn hơn các con vật cùng loài được nhìn thấy ngày nay.
Các dấu chân được tìm thấy bao gồm: Dấu chân của con người, lạc đà, voi, động vật hoang dã và động vật ăn thịt.
Cụ thể, Tiến sĩ Jasser Al Herbish, lãnh đạo Ủy ban Di sản Ả Rập Xê Út, cho hay nhóm nghiên cứu tìm thấy dấu vết của 7 dấu chân người, 107 dấu chân lạc đà, 43 dấu chân voi cùng nhiều dấu vết khác của các loài động vật khác nhau.
Không chỉ vậy, các chuyên gia còn phát hiện 233 hóa thạch xương voi và linh dương cũng như bằng chứng về sự tồn tại của động vật ăn thịt tại khu vực này.
Những thông tin này phần nào giúp làm sáng tỏ những con đường mà người cổ đại đã đi khi rời châu Phi.
Vào hồi tháng 6 vừa qua, một phát hiện khác cũng khiến làng khảo cổ sôi sục.
Các nhà khảo cổ học đã tìm thấy một tác phẩm điêu khắc chim được làm từ xương cháy có niên đại 13.500 năm, được cho là tượng chim cổ xưa nhất tại Đông Á.
Bức tượng nhỏ được tìm thấy trong tình trạng hầu như nguyên vẹn tại một địa điểm khảo cổ thuộc tỉnh Hà Nam (Trung Quốc), được làm từ xương thú và dùng đá điêu khắc.
Theo chuyên gia Francesco D'Errico tại Đại học Bordeaux (Pháp), thành viên nhóm nghiên cứu, tác phẩm điêu khắc nhỏ này có thể là bằng chứng cho một "mắt xích bị thiếu" trong kiến thức trước nay của giới khoa học về nghệ thuật thời tiền sử.
Nguyên Anh (Nguồn Science Advances)