Đất cằn hóa hồ nước
Đồng bằng châu thổ sông Cửu Long mùa nước lũ mang nặng phù sa, đỏ ngầu khắp những nhánh sông. Ấy vậy, Búng Bình Thiên vẫn một màu xanh biêng biếc, hiền hòa phẳng lặng. Trên mặt búng, những chiếc ghe nhỏ neo đậu hay thong dong thả lưới dưới nền trời trong vắt. Vài đứa trẻ con người Chăm mặc váy hoa, sặc sỡ sắc màu nô đùa, tắm gội dưới làn nước mát. "Búng" là hồ, đầm, "Bình" là yên bình, thanh yên, "Thiên" là trời. Búng Bình Thiên nghĩa là Hồ nước trời mang trong mình sứ mệnh bảo vệ bình yên, an lành cho hàng ngàn con người di dân đến cực cùng của phía Tây đồng bằng châu thổ", chị Phan Thị Mai Thảo (cán bộ Văn hóa - Du lịch huyện An Phú) tự hào giới thiệu về địa danh Búng Bình Thiên như vậy.
Một góc Búng Bình Thiên (Ảnh: Hà Nguyễn)
Theo tập tục, người Chăm ở "Hồ nước trời" không ăn thịt lợn, chỉ ăn thủy hải sản. Người Chăm tập trung sinh sống bên bờ búng rất đông đúc và giữ nguyên những giá trị văn hóa của dân tộc. Một Thánh địa lớn được xây dựng hướng ra trung tâm của hồ nước, đón những làn gió mát, trong lành, có ý nghĩa trong quá trình tụ tập của người mộ đạo Islam mới (Hồi giáo). Thế nên, họ càng trân trọng và ra sức bảo vệ vẻ nguyên sơ cũng như các nguồn lợi mà Búng Bình Thiên ban tặng.
Bên cạnh đó, những truyền thuyết mơ hồ vừa thực vừa hư, mang màu sắc huyền bí càng tô vẻ nên một Búng Bình Thiên linh thiêng. Bắt đầu của những hư thực ấy, câu chuyện hình thành "Hồ nước trời" tốn biết bao giấy mực của nhiều nhà nghiên cứu lĩnh vực văn hóa, lịch sử. Chị Đoàn Thị Anh Thư (cán bộ Văn hóa - Du lịch của huyện An Phú) chia sẻ: "Truyền thuyết hình thành Búng Bình Thiên qua truyền miệng dân gian đến các tài liệu nghiên cứu đều mang nhiều màu sắc huyền thoại. Hiện, chúng tôi sử dụng tư liệu nghiên cứu của nhạc sỹ Lâm Thanh Bình (Trưởng ban Tuyên giáo huyện An Phú) làm cơ sở thuyết minh cho khách tham quan".
Tương truyền, vào cuối thế kỷ 18, tướng quân nhà Tây Sơn lưu quân tại mảnh đất cằn khô, không chút nước tù đọng. Mảnh đất ấy giáp với nước Chân Lạp, cư dân đều nghèo đói, đời sống vô cùng khó khăn. Sau vài ngày lưu quân, lương thực, nước uống cạn kiệt khiến binh lính hoang mang. Đi không được, ở không xong, Tướng quân Tây Sơn cũng nhọc lòng thức trắng mấy đêm liền tìm phương cách cứu nguy. Người dân bản địa suy đoán tướng quân Tây Sơn được thần linh mách bảo nên sáng ra, ông cho người làm lễ tế trời ban cho nguồn nước sinh hoạt.
Sau những lời thỉnh cầu thành tâm, tướng quân nhà Tây Sơn cắm thanh kiếm xuống mặt đất khô cứng. Lạ kỳ thay, nơi cắm thanh kiếm dâng trào lên một dòng nước ngọt mát trong lành. Dòng nước tuôn tràn nhiều đến nỗi thành một búng nước rộng lớn. Rồi, phía tây búng nước bỗng nổi lên một cái cồn tựa hình trái châu, có hai sợi râu rồng, một sợi ngược lên sông Bình Di, sợi còn lại chạy theo hướng tây đến đồn Tắc Trúc-Bắc Đai. Trước khi nổi cồn, giữa búng xuất hiện lốc xoáy khiến chiếc ghe chở dừa đi ngang bị nhấn chìm. Mấy ngày sau, người dân phát hiện dừa nổi lềnh bềnh trên dòng sông Hậu.
Ông Mách Ly kể lại những chuyện lạ xung quanh Búng Bình Thiên (ảnh: Hà Nguyễn)
Bí ẩn của hồ nước luôn trong xanh
Lễ hội độc đáo mùa nước nổi Vào cuối tháng tám hàng năm, người dân An Giang lại nô nức tập trung về Búng Bình Thiên để tham gia Liên hoan Văn hóa mùa nước nổi, ăn mừng một năm được mùa và an lành. Tại đây, nhiều chương trình văn nghệ dưới nước thú vị được đầu tư công phu, cuộc thi đua thuyền rồng sôi nổi; đặc biệt, việc thả cá giống xuống búng thể hiện tinh thần bảo tồn sản vật thiên nhiên của các cư dân vùng nước nổi. |
Không chỉ người dân bản địa mà ngay cả những nhà nghiên cứu, cán bộ văn hóa, du lịch vẫn chưa lý giải được nhiều điều kỳ diệu của hồ nước xanh nhiều thế kỷ qua. Ông Mách Ly (Phó bí thư Chi bộ ấp Búng Lớn, xã Nhơn Hội, huyện An Phú) cho biết: "Búng Bình Thiên bao gồm Búng Lớn và Búng Nhỏ liên thông với nhau, ở cửa búng tiếp giáp với dòng sông Bình Di, một nhánh của sông Cửu Long luôn đục ngầu phù sa mùa nước nổi. Vậy mà, nước trong búng luôn luôn xanh ngắt, búng không có cơ chế lưu thông nước ra ngoài. Nước sông đục cỡ mấy đến trước miệng búng trở nên trong xanh lạ thường".
Theo nghiên cứu gần đây của các đoàn khảo sát xây dựng khu du lịch ở Búng Bình Thiên, hiện tượng búng nước trong xanh quanh năm có thể xuất phát từ địa hình đặc biệt của Búng Bình Thiên. Dưới nền búng có một lớp đất sét trắng dày. Diện tích búng nước rộng nhưng miệng búng nhỏ nên khó lưu thông ra ngoài. Thêm vào đó, búng nước có thể tồn tại một loại tảo có khả năng làm sạch nước và thảm thực vật lơ lửng có tác dụng lọc cặn phù sa khiến màu nước luôn trong xanh. Thời điểm nào, nước trong búng cũng trong xanh ngời ngợi phản chiếu ánh mặt trời tạo nên những mảng bạc lấp lánh. Búng chứa nhiều đất mùn nên lúc đầu bắc cầu ván vững chãi qua cồn đều bị sụp, lún, nhưng khi bắc cầu tre lắt lẻo thì qua được.
Ngoài màu nước trong vắt và lặng sóng, "hồ nước trời" còn được dân gian truyền đi nhiều câu chuyện kỳ thú khác. Những cư dân mê tín dị đoan tin tưởng trong lòng búng đang nuôi dưỡng một con quái vật. Theo chu kỳ con nước, ban đêm ở búng người ta nghe được tiếng thổn thức của trẻ con. Ông Mách Ly nhớ lại: "Người dân trong xóm nhớ như in cái đêm tĩnh mịch vào năm 1956, mặt búng đang bình yên ngày nào bỗng nổi trận cuồng phong dữ dội, khiến xuồng ghe cột dọc theo mé búng bị cuốn lên bờ nằm chỏng gọng, mé đất ở bờ bị giựt sụp tới hai mét thành vách thẳng đứng. Từ đó, người dân bản địa có thêm cơ sở để khẳng định, quái vật dưới hồ nổi giận".
Và đến nay, dân làng vẫn nhớ về những đêm trăng sáng, hướng đông mặt búng nổi lên ba cây gỗ lớn phủ đầy rong rêu nằm vắt ngang bờ. Dân làng ngỡ của Trời cho nên phân công thanh niên trai tráng trong làng mang búa đến xẻ gỗ. Nhưng họ dốc sức bao nhiêu cũng không tách được cây gỗ lớn, đành lẳng lặng ngồi đợi trời sáng vớt gỗ lên. Nào ngờ, đến nửa khuya, ba cây gỗ bỗng nhiên lặn mất. Sáng sớm, người dân vội tìm kiếm nhưng ba cây gỗ vẫn chìm mất tích cho đến ngày nay.
Ngư dân thường xuyên đánh bắt cá ở Búng Bình Thiên lại kể nhau nghe truyền thuyết về thủy sản của hồ nước kỳ diệu. Tương truyền, khi xưa, ngư dân thường thấy một con tôm vàng óng ả bằng cổ tay đang đeo trên trái dừa trong búng. Họ liền dùng vợt xúc tôm, chưa kịp trút vào khoang thuyền, tôm đã kẹp rách lưới nhảy ra ngoài biến mất mãi mãi. Cũng trên khoảng búng ấy, ngày nọ, năm thanh niên trong làng rủ nhau đi kéo lưới nhưng dốc sức cách mấy cũng không kéo mẻ lưới lên được. Họ nhờ ông Tư Chửng - người có uy tín trong làng, biệt danh là thầy cột đến xem.
Ông Tư xem xong quả quyết "lưới vướng phải Ông Dài" (cá sấu-PV), nói xong ông chắp tay lẩm bẩm hồi lâu rồi bảo mọi người kéo lưới lên xem. Lưới kéo lên xâm xấp mặt nước, ai cũng hoảng hốt nhìn vào bên trong lưới một con cá sấu hoa cà khổng lồ đang há miệng gầm gừ. Mọi người hốt hoảng la to, cá sấu nhân cơ hội ấy vọt thủng lưới trầm mình về phía Xoài Giang.
NGỌC LÀI - HÀ NGUYỄN