Hồ Kivu, nằm giữa biên giới Rwanda và Cộng hòa Dân chủ Congo (Trung châu Phi), mang đến một cảnh quan đẹp lạ thường, được bao quanh bởi những ngọn núi lửa cao chót vót và những sườn núi xanh tươi tốt với những đồn điền trồng chè, cà phê và chuối.
Hồ nước kỳ lạ nhất thế giới
Sâu bên dưới mặt hồ ẩn chứa một mối đe dọa đáng sợ: Nước bão hòa khí mêtan (CH4), carbon dioxide (CO2) và hydro sulfide (H2S). Nếu được giải phóng, sự kết hợp độc hại này có thể cướp đi sinh mạng của hàng triệu người sống dọc theo bờ hồ, tạp chí Time bình luận. Khoảng 2 triệu người sống quanh hồ bị đe dọa.
Hiện tại, nước đầy khí bị giữ lại bên dưới một lớp muối nặng khiến nó không thể trồi lên bề mặt. Nhưng rào cản đó có thể dễ dàng bị phá vỡ bởi một trận động đất, một vụ phun trào núi lửa, hoặc thậm chí là áp suất ngày càng tăng của chính các chất khí. Hồ Kivu được ví như một "quả bom hẹn giờ" khổng lồ.
Hồ Kivu là một trong những hồ nước lớn ở châu Phi nằm vắt qua ranh giới mảng kiến tạo gọi là Đới tách giãn Đông Phi. Trong đới tách giãn, mảng kiến tạo Somalia dịch về phía Đông, cách xa khỏi phần còn lại của lục địa trên mảng kiến tạo Nubia (hay còn gọi là mảng kiến tạo châu Phi).
Hồ Kivu không chỉ là một địa điểm kỳ lạ thu hút giới khoa học. Sự phân tầng bất thường của nó và việc carbon dioxide, mêtan, H2S bị mắc kẹt trong các lớp sâu hơn của hồ khiến các nhà nghiên cứu lo ngại rằng Kivu có thể là một thảm họa đang chực chờ xảy ra.
Quả bom "hẹn giờ" khổng lồ
Theo các chuyên gia, Kivu là một hồ nước khổng lồ bão hòa carbon dioxide (CO2) và methane ở tầng nước sâu đến mức có thể phát nổ mà không có dấu hiệu báo trước. Hai hồ khác ở châu Phi cũng có đặc điểm tương tự là hồ Nyos và Monoun ở Cameroon. Hai hồ nước này đều từng phát nổ trong 40 năm qua, khiến khoảng 1.800 người và hàng nghìn động vật tử vong.
Ngoài ra, hồ Kivu cũng chứa đầy khí hydro sulfide từ sâu trong vỏ Trái đất. Hỗn hợp khí độc đó có thể nhanh chóng phát nổ dọc theo khu dân cư đông đúc xung quanh.
Theo Philip Morkel, kỹ sư kiêm nhà sáng lập Hydragas Energy, một vụ nổ sẽ giải phóng đám mây khí khổng lồ lơ lửng phía trên hồ nhiều ngày hoặc nhiều tuần, cuối cùng phân tán trong không khí. Một công ty ở Canada đang lên kế hoạch khai thác methane từ hồ Kivu để sản xuất điện.
"Khi hồ bão hòa 100% ở tầng đáy (hiện nay là hơn 60%), nó sẽ nổ ngay lập tức. Vào lúc đó, hồ nước có thể giải phóng 5% lượng khí nhà kính toàn cầu hàng năm chỉ trong 1 ngày. Tỉ lệ tử vong từ vụ nổ như vậy sẽ cực lớn. Khoảng 2 triệu người đang sống bên bờ hồ Kivu", kỹ sư Morkel cho hay.
Các vi sinh vật sống sót được trong hồ Kivu sử dụng một số carbon dioxide, cũng như các chất hữu cơ chìm từ trên cao xuống, để tạo ra năng lượng, rồi lại tạo ra mêtan bổ sung như một sản phẩm phụ. Độ sâu lớn của Kivu - hơn 457 mét ở điểm sâu nhất của nó - tạo ra áp lực lớn đến mức các khí này vẫn bị hòa tan.
Hỗn hợp nước và khí hòa tan này đặc hơn nước, khiến hiện tượng đối lưu đã nêu ở trên không xảy ra. Nước sâu hơn cũng mặn hơn do phù sa đổ xuống từ các tầng trên của hồ và từ các khoáng chất trong các suối nước nóng, điều này càng làm tăng mật độ. Kết quả, theo nhà nghiên cứu hồ học Sergei Katsev của Đại học Minnesota Duluth (Mỹ) cho biết, Kivu là một hồ nước có nhiều lớp nước riêng biệt với mật độ khác nhau, giữa chúng chỉ có các lớp chuyển tiếp mỏng manh.
Alfred Wüest, một nhà vật lý thủy sinh học tại Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ ở Lausanne, giải thích thêm: "Các lớp nước của hồ Kivu có thể được phân tách gần như thành 2 vùng: Một vùng nước bề mặt ít đậm đặc hơn, ở độ sâu khoảng 61 mét - Và dưới đó là vùng nước mặn đậm đặc mà bản thân nó được phân tầng thêm. Dẫu vậy, vẫn có sự trộn lẫn trong mỗi lớp nước, nhưng chúng không tương tác với nhau. Chỉ nghĩ đến việc toàn bộ khối nước nằm ở hồ Kivu hàng nghìn năm mà không làm gì cả đã thấy được sự khác biệt của Kivu rồi".
Dù thủ phạm là gì, hậu quả cũng sẽ giống nhau: Các khí tích tụ được giải phóng khỏi trạng thái hòa tan của chúng, tạo ra những đám mây dày đặc carbon dioxide và mêtan, có thể thay thế oxy và làm ngạt thở cả người và động vật sinh sống vùng lân cận. Và nếu lượng khí mêtan đủ lớn được thải vào không khí tại Kivu, sẽ có thêm nguy cơ nó có thể bốc cháy.
Sergei Katsev nói rằng hồ Kivu được theo dõi thường xuyên để tìm các dấu hiệu tăng nồng độ khí, do đó, một đợt nước dâng đột ngột "sẽ không làm chúng ta ngạc nhiên". Hơn một chục trạm địa chấn cũng đo hoạt động gần hồ theo thời gian thực.
Nhìn qua, không ai tin hồ nước xinh đẹp này lại đáng sợ đến thế. Đến nay, biển hồ "chết người" này đã thành mỏ năng lượng khổng lồ.
Duy Huy (Tổng hợp)