Tại Nga, giữa tình hình đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp nhiều người đã tìm đến các địa điểm trong nước để nghỉ dưỡng và check-in “sống ảo”. Một trong những nơi thu hút nhiều khách du lịch ghé thăm nhất phải kể đến hồ nước có tên Kaolin Quarry.
Nằm ở thị trấn Kyshtym, gần thành phố Chelyabinsk, vùng Ural, cách thủ đô Moscow (Nga) 1.500 km về phía đông, hồ Kaolin Quarry được mệnh danh là "Bali của vùng Ural" bởi nước hồ ở đây có màu xanh ngọc bích tuyệt đẹp.
Tuy nước ở đây rất trong xanh khi lên ảnh nhưng không người nào dám xuống tắm hay ngâm mình dưới hồ vì họ đều biết vẻ đẹp ấy tiềm ẩn sự nguy hiểm. Màu xanh của nước hồ không phải do thiên nhiên ban tặng mà là kết quả của phản ứng giữa khoáng chất cao lanh - được dùng để sản xuất gốm - và nước. Vì nước hồ độc như vậy nên không loài cá nào có thể sống sót. Một điều tệ hơn nữa là gần hồ có bãi rác và bãi chôn gia súc.
Tuy nhiên, những điều đó không ngăn được các tín đồ ưa “xê dịch” và yêu thích chụp ảnh tìm đến nơi đây. Nhiều người, chủ yếu là các mỹ nam mỹ nữ, những người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội đã tới hồ Kaolin Quarry chụp ảnh và đăng tải lên mạng xã hội. Trang web địa phương 74.ru còn liệt kê khu vực này vào danh sách các địa điểm nên ghé thăm vào tháng 5 năm nay.
Mới nổi tiếng trên khắp nước Nga thời gian gần đây nhưng hồ Kaolin Quarry đã được nhiều người dân ở vùng Ural biết đến từ lâu. Một số bài viết về du lịch cũng đánh giá nơi này nằm trong danh sách các địa điểm "đáng ghé thăm" từ năm 2015.
Hồ nước được hình thành vào năm 2011 khi các chủ mỏ khai thác cao lanh tại địa phương ngừng bơm nước khỏi khu mỏ, khiến nơi này bị ngập. Khung cảnh nên thơ với màu nước xanh lam tuyệt đẹp đã biến khu công nghiệp bụi bặm trước kia trở thành điểm chụp ảnh lý tưởng.
"Dù có rất nhiều hồ nước ở Kyshtym nhưng mọi người hầu như chỉ thích tới hồ Kaolin Quarry nghỉ dưỡng. Thực tế, việc tiếp cận khu vực này bị cấm vì nơi đây không an toàn. Song vì lợi ích kinh tế, chủ sở hữu khu đất đã “nhắm mắt” cho qua", bà Alina Shmarina, người đứng đầu trung tâm phát triển du lịch Kyshtym, nói với tờ Komsomolskaya Pravda.
Một điểm đáng chú ý nữa là vào năm 1957, thị trấn Kyshtym là tâm điểm của một sự cố hạt nhân lớn tại khu sản xuất hạt nhân Mayak, khiến 10.000 người phải sơ tán. Thảm họa hạt nhân này được đánh giá là tồi tệ thứ 3 sau thảm họa ở Chernobyl và Fukushima.
Minh Hoa (t/h)