Trên lãnh thổ Campuchia, đoạn từ Sambor (tỉnh Kampong Thom) tới biên giới Lào có 95 hố, nhiều hố sâu đến 80 m. Đoạn phía Nam Lào có hố sâu hơn 90 m, rộng 729 ha; hố phía Đông Phnom Penh dài 18,5km.
Tại đồng bằng Sông Cửu Long hiện có 23 hố sâu 13-44 m, rộng 4-95 ha, chủ yếu nằm trên sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Nao… Các hố sâu thường xuất hiện ở những đoạn sông cong, nước đạp vào bờ phía lõm; nơi hợp lưu của hai dòng; chỗ dòng chảy bị cù lao giữa sông tách ra và ở dòng sông bị thắt cổ chai.
Theo thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện – Chuyên gia nghiên cứu độc lập sinh thái đồng bằng sông Cửu Long, những hố sâu có từ lâu và là một phần tự nhiên của hệ thống sông Mekong, hiện nay nó gây ra sạt lở là do mất cân bằng, thiếu phù sa và cát nghiêm trọng.
Các chuyên gia cho rằng, hiện phù sa mịn của sông Mekong về miền Tây giảm 50%, chỉ còn 85 triệu tấn một năm. Khai thác cát tràn lan, 10 năm qua, sông Tiền, sông Hậu mất hơn 200 triệu khối cát, lòng sông sâu thêm khoảng 1,3 m.
Dự báo phù sa mịn sẽ tiếp tục giảm 50% và cát di chuyển ở đáy sông sẽ bị chặn 100% khi 11 đập thủy điện ở vùng hạ lưu sông Mekong hoàn thành. Nếu không có giải pháp kịp thời, sạt lở bờ sông, bờ biển miền Tây càng nghiêm trọng hơn.
Theo K.Linh (monre.gov.vn)