Hồ sơ bàn giao chùa Trầm của UBND TP. Hà Nội bị thất lạc

Hồ sơ bàn giao chùa Trầm của UBND TP. Hà Nội bị thất lạc

Thứ 5, 27/12/2012 23:45

Đó là khẳng định của phó chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ về chuyện “hồ sơ bàn giao chùa Trầm”

Đại đức Thích Bản Quyền, trụ trì chùa Phúc Lâm (Hải Phòng) đề nghị Chính quyền địa phương phải xử lý nghiêm những trường hợp lợi dụng di tích để tư túi

Chuyện quần thể chùa Trầm bị xâm hại và xảy ra tình trạng cá nhân lợi dụng di tích trục lợi, Chính quyền địa phương khẳng định đã biết, đồng thời sớm thanh tra xử lý sai phạm. Tuy nhiên, những câu hỏi về trách nhiệm trong việc quản lý di tích này chắc chắn sẽ còn tiếp tục được dư luận đặt ra, nhất là sau khi đích thân PCT huyện Chương Mỹ Vũ Văn Đông xác nhận ngay cả hồ sơ bàn giao di tích của UBND TP Hà Nội cho huyện cũng đang bị thất lạc.

Nhịp sống - Hồ sơ bàn giao chùa Trầm của UBND TP. Hà Nội bị thất lạc

Phần đất đặt bảng tên di tích chùa Trầm bị lấn chiếm

Những sai phạm sẽ được kiểm tra xử lý

Trở lại với thực trạng chùa Trầm bị xâm hại, PV Người đưa tin cũng nhận được nhiều phản hồi của người dân địa phương, cũng như những người thường xuyên đến ngôi chùa này tham quan, thắp hương, lễ phật bày tỏ sự lo lắng và bức xúc. Theo khẳng định của người dân thôn Long Châu Miếu (xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội), thì họ đã nhiều lần phản ánh lên các cấp từ thôn, xã đến huyện, song câu trả lời người dân nhận được vẫn là "đang tiến hành kiểm tra, hay xem xét".

Thực tế, việc quản lý một di tích qua rất nhiều cấp, từ cấp xã về đến thôn cũng qua đến vài khâu bàn giao mà chính một vị lãnh đạo xã Phụng Châu cho biết. Do vậy, khi di tích chùa Trầm bị xâm hại nghiêm trọng, mạnh ai nấy làm, người dân có phản ánh thì cũng phải chờ thanh tra kiểm tra rồi mới có thể trả lời. Trao đổi cùng PV Người đưa tin, ông Vũ Văn Đông, phó chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội cho biết: "Di tích chùa Trầm được Nhà nước công nhận cấp Quốc gia năm 1962. Năm 2011, di tích chùa Trầm được UBND TP. Hà Nội bàn giao cho huyện Chương Mỹ. Nhưng đến nay, hồ sơ bàn giao di tích chùa Trầm cho huyện đã thất lạc và không tìm thấy. Có lẽ, chúng tôi sẽ phải lên Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch tìm lại hồ sơ để có cơ sở khoanh vùng bảo vệ di tích. Thực tế, huyện đã giao địa phương trực tiếp quản lý và trông nom".

Trong khi đó, theo ông Lê Bá Đồng, chủ tịch UBND xã Phụng Châu, phía xã cũng nhận được phản ánh của người dân về việc sông Sen thuộc quần thể di tích bị xâm phạm và đang tiến hành làm theo kết luận thanh kiểm tra của huyện Chương Mỹ. Những vấn đề liên quan đến việc lợi dụng di tích để lấn chiếm di tích, lập hàng rào dây thép gai trong đất di tích, chặn khách tham quan đòi tiền phí, thu vé trông giữ xe vượt quá quy định gấp nhiều lần cho phép để thu tiền trái phép những người đến vãn cảnh, lễ phật và tham quan, UBND xã sẽ cho kiểm tra. Điều này khiến không ít người đặt dấu hỏi, tại sao một di tích cấp quốc gia bị xâm hại, người dân đã phản ánh nhiều lần mà cấp xã không thể giải quyết rốt ráo?! Phải chăng UBND xã thật không biết hay làm ngơ, tiếp tay để một số cá nhân lộng hành, vi phạm Luật Di sản?

Không nên thu phí người dân đến chùa vãn cảnh, thắp hương

Nhiều chuyên gia, nhà chuyên môn về văn hóa đình chùa chia sẻ, ngày càng nhiều di tích lịch sử được xếp hạng cấp quốc gia đang bị xâm hại nghiêm trọng. Có thể do sự nhận thức yếu kém hay sự quản lý lỏng lẻo trong việc tu bổ, trùng tu một số di tích dẫn đến lệch lạc, méo mó của những người được giao trách nhiệm quản lý và trông nom di tích. Thực tế, bên cạnh những công trình, di tích được giữ gìn cẩn thận còn không ít di tích cấp quốc gia đang bị xâm hại không bằng hình thức này thì bằng hình thức khác. Như trường hợp tại quần thể di tích quốc gia chùa Trầm (xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội) đang bị "xẻ thịt" là một trường hợp đáng báo động mà người dân phản ánh.

Đại đức Thích Bản Quyền, trụ trì chùa Phúc Lâm (Hải Phòng) cho hay: "Nếu chùa Trầm có tình trạng thu vé khách đến tham quan, vãn cảnh, lễ phật thì điều này không thể chấp nhận được. Hiện tượng này không phải bây giờ mới có mà ở số chùa, di tích trước đó cũng có hiện tượng tương tự. Mặc dù số tiền phí vào chùa không phải là lớn, chỉ từ 3-5 nghìn đồng, nhưng điều này khiến người đi chùa rất bức xúc. Chuyện thu phí có thể do địa phương hay ban quản lý di tích đứng lên thu, chứ nhà chùa không bao giờ làm như vậy. Bất cứ ai dù có đói có khổ thế nào đi nữa nhưng đến chùa cũng là điều rất quý hóa mà thu tiền phí vào chùa thì không nên. Điều này vi phạm quyền tự do tín ngưỡng của người dân đến tham quan, vãn cảnh, lễ phật. Đầu năm vừa rồi tôi cũng đi lễ phật tại một ngôi chùa ở Hải Dương, bản thân tôi cũng phải mua vé vào lễ phật là 3 nghìn đồng. Tôi có hỏi sao lại thu phí nhà sư và du khách đến chùa, chú gác cổng bảo: "Việc thu vé này là chủ trương của chính quyền địa phương".

Cũng theo Đại đức Thích Bản Quyền: "Nếu như các điểm du lịch, tham quan mà thu vé thì không nói làm gì, nhưng việc nhiều địa phương tự ý cho thu phí nhân dân đến chùa thắp hương thì không thể được. Một lần nữa, tôi khẳng định nhà chùa cũng như các sư không bao giờ thu vé của người dân đến chùa, đây có lẽ là do chính quyền địa phương tự cho mình có quyền thu phí. Thường thì các di tích, đình chùa mỗi năm Nhà nước đều dành một phần ngân sách để tu sửa, chưa kể đến tiền công đức của người dân nên không có lẽ gì chính quyền địa phương thu phí người dân".

Sư thầy Thích Bản Quyền cũng kiến nghị: "Tất cả những nơi tâm linh, di tích lịch sử quý giá của đất nước, nơi hướng tâm hồn con người đến cái đẹp, cái thiện, những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Do đó, các địa phương có di tích cần khuyến khích nhân dân đến tham quan, vãn cảnh, thắp hương chứ không phải nhăm nhe thu phí người dân. Chính quyền địa phương cũng cần nhận thức rõ điều này, nếu có trường hợp lợi dụng để tư túi thì cần phải xử lý nghiêm và kịp thời để người dân mỗi khi đến chùa cảm thấy nhẹ nhõm, thoải mái và vui vẻ nhất".

Nếu buông lỏng quản lý, dễ có sự trục lợi và tư túi

Về vấn đề quản lý di tích tại một số địa phương hiện nay, TS. Lê Quý Đức, Viện Văn hóa và Phát triển cho biết: "Quản lý di tích ở nước ta hiện nay còn nhiều vấn để cả vĩ mô và vi mô, có vấn đề về ý thức, về luật pháp… Thực tế, việc quản lý di tích đang bị buông lỏng và xem nhẹ, nhiều khi còn bị cơ chế thị trường lôi kéo, chi phối. Đặc biệt, một số cá nhân, tổ chức nhân danh bảo vệ di tích để trục lợi, tư túi. Thậm chí, vì cái lợi trước mắt mà một số người quản lý có thể bỏ qua, dung túng, tiếp tay cho các cá nhân làm gì thì làm. Một vấn đề nữa đó là người quản lý không có trình độ để hướng dẫn người dân biết bảo tồn, giữ gìn di tích như thế nào".

Thiên Vũ


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.