'Hồ sơ đen' vụ mua quyền đăng cai World Cup giá tỷ đô

'Hồ sơ đen' vụ mua quyền đăng cai World Cup giá tỷ đô

Thứ 2, 04/02/2013 08:27

Hai năm sau chiến thắng đầy bất thường ấy, tạp chí Frcane Football cuối cùng đã tìm được những chứng cứ cho thấy FIFA không điên và Qatar, cũng chẳng phải tự nhiên lại được ưu ái đến thế.

Trở lại chiến thắng đáng ngờ của Qatar

Khi tạp chí bóng đá uy tín của nước Pháp công bố 20 trang tài liệu gây sốc cho cả thế giới, nhiều người đã vội vã đặt ra những suy đoán về động cơ của cú đánh này. Ai cũng hiểu, nếu những gì France Football công bố được chứng thực, thì uy tín của FIFA, của nước chủ nhà World Cup 2022 Qatar và hàng loạt nhân vật đình đám khác trong giới bóng đá sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Một bộ phận dư luận tin rằng, France Football có thể đã tìm cách phản đòn FIFA, sau sai lầm sáp nhập danh hiệu Quả bóng Vàng của chính mình vào cuộc bình chọn của cơ quan bóng đá quyền lực nhất thế giới. Tuy nhiên, dù với bất kỳ động cơ nào, thì rõ ràng uy tín của France Football trong làng báo chí thế giới là không thể nghi ngờ. Và nếu lật lại những diễn biến bất thường xung quanh chiến thắng của Qatar 2 năm về trước, người ta lại càng có lý do để tin vào hồ sơ đen dày 20 trang mà tạp chí này tiết lộ.

Lạ & Cười - 'Hồ sơ đen' vụ mua quyền đăng cai World Cup giá tỷ đô

Chủ tịch đương nhiệm của UEFA cũng giúp Qatar mua phiếu?

Thông thường, FIFA không bao giờ công bố nước đăng cai một kỳ World Cup từ trước cả thập kỷ. Trường hợp của Qatar, chủ tịch Sepp Blatter rõ ràng đã có sự phá lệ, khi gộp chung việc công bố quyền đăng cai cùng với World Cup 2018 vào cùng một buổi lễ. Ngay từ thời điểm đó, người ta đã đặt nghi ngờ liệu đây có phải là cách để FIFA giành cho Qatar thêm nhiều thời gian chuẩn bị hơn, và sự xuất hiện của các nước chạy đua khác bao gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Hoa Kỳ thực chất chẳng khác nào tấm bình phong che mắt thiên hạ.

Nói vậy, bởi rõ ràng là Qatar yếu thế hơn hẳn các nước chạy đua khác trước thời điểm công bố kết quả cuối cùng. Nhật Bản, Hàn Quốc là hai quốc gia châu Á từng có kinh nghiệm đăng cai thành công World Cup 2002. Mỹ cũng từng trải qua sự kiện tương tự 18 năm về trước. Australia, dù chưa một lần nếm trải vinh dự này nhưng cơ sở vật chất hiện đại, sự chuyên nghiệp trong công tác tổ chức và tiềm lực kinh tế của họ là điều không phải nghi ngờ. Đã vậy, Qatar lại còn yếu thế hơn hẳn bốn nước nói trên về vị trí địa lý. Họ nằm giữa Trung Đông nóng bỏng khiến World Cup 2022 nếu được tổ chức vào mùa hè có thể diễn ra dưới cái nóng ngoài trời lên đến 55 độ C. Không một trận đấu thuần túy nào có thể tổ chức dưới thời tiết khắc nghiệt như vậy. Kết quả là trong đề án của mình, Qatar phải đưa ra ý tưởng xây SVĐ dưới lòng đất và sử dụng điều hòa để làm mát không khí. Một ý tưởng quá đỗi phiêu lưu đã từng bị đánh giá quá tốn kém và bất khả thi. Nhưng cuối cùng, FIFA lựa chọn Qatar trong ánh mắt đầy ngỡ ngàng.

Ngay sau khi chủ tịch FIFA xướng tên Qatar, Bin Hamman (một người Qatar khi đó còn giữ ghế chủ tịch LĐBĐ châu Á) đã gọi đó là chiến thắng lịch sử của bóng đá Qatar và cả châu Á. Nhưng chỉ 5 tháng sau, những dấu hiệu bất thường đầu tiên của chiến thắng này đã bắt đầu bị lộ ra. Chính Bin Hamman, người được tung hô như người hùng dân tộc của Qatar liều lĩnh tham gia vào cuộc chạy đua chiếc ghế Chủ tịch FIFA cùng Sepp Blatter. Ban Hamman thất bại và bị mất luôn cả chức Chủ tịch AFC hàng loạt cáo buộc, trong đó có việc chi những khoản tiền lớn để mua phiếu bầu cho Qatar giành quyền đăng cai World Cup 2022. Tuy nhiên, mọi chuyện sau đó tưởng như sẽ chìm xuồng, do Bin Hamman phủ nhận kịch liệt trước khi rút lui vào hậu trường trong im lặng.

Lạ & Cười - 'Hồ sơ đen' vụ mua quyền đăng cai World Cup giá tỷ đô (Hình 2).

Nước chủ nhà World Cup 2022 đang phải đối mặt với một scandal lớn

Hàng loạt quan chức bị cáo buộc dính chàm

Vào thời điểm này, những hoạt động chuẩn bị cho công tác tổ chức tại Qatar mới chỉ bắt đầu được triển khai. Qua nhiều lần thanh sát, hàng loạt ý kiến thậm chí đã đề nghị FIFA thay đổi quyết định, trao lại quyền tổ chức World Cup 2022 của Qatar cho một nước khác. Đức, thậm chí đã tự ứng cử mình như một phương án dự phòng. Tuy nhiên, thay vì đáp ứng những đề xuất này, FIFA lại nghĩ đến khả năng dời World Cup từ tháng 6 sang tháng 10 để giúp Qatar tránh thời tiết nắng nóng. Theo France Football, thì việc FIFA chằm chặp bảo vệ Qatar là do họ ở trong tình cảnh há miệng mắc quai.

Lý do thì không thể rõ ràng hơn. Trong chiến dịch vận động tranh cử rầm rộ của mình, ngoài việc chi tiền tấn mời những huyền thoại bóng đá như Zidane làm đại sứ, Qatar còn chuẩn bị hàng chục tỷ euro để mua phiếu. France Football khẳng định, mỗi lá phiếu bầu cho Qatar được đăng cai World Cup được định giá lên tới 40.000 euro. Số tiền này đã chuyển khoản ngay trước đêm FIFA công bố kết quả chọn lựa. Nhưng dĩ nhiên, số tiền chi cho hàng trăm lá phiếu này mới chỉ là một phần những gì mà Qatar đã phải phá két.

Theo tài liệu mà France Football công bố, thì với nhiều nhân vật máu mặt mà tiếng nói của họ có ảnh hưởng lớn đến phiếu bầu của các quốc gia thành viên, Qatar sẵn sàng chi đậm hơn để đạt được sự ủng hộ. Ngoài huyền thoại bóng đá Zidane nhận được khoảng 22 triệu euro như thỏa thuận được công khai trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng, France Football còn chỉ đích danh Michel Platini. Vị Chủ tịch đầy quyền lực của UEFA đã tư lợi khoảng 11 triệu euro vào túi mình để vận động giúp Qatar. Đổi lại, ngoài việc trả khoản tiền lớn như đã nói, Qatar còn phải hứa mua lại CLB Paris Saint Germain và đầu tư lớn để biến đội bóng này thành một thế lực. Có thể hiểu được động cơ sau vụ đổi chác hậu trường này (nếu có), khi Platini là một người Pháp chính gốc và rất muốn làm gì đó giúp nâng tầm bóng đá quê hương mình. Qatar rất cần đăng cai World Cup, giàu có và sẵn sàng đáp ứng mọi điều kiện. Thế nên, Platini nếu có gật đầu làm liều cũng chẳng đáng để kinh ngạc.

Khổ nỗi, nếu đúng là vị chủ tịch UEFA đã nhận đến 11 triệu euro và thêm thỏa thuận buộc Qatar mua lại Paris Saint Germain, thì ông rõ ràng đã vi phạm nghiêm trọng quy định của FIFA. Làng bóng đá châu Âu đang sục sôi. Bởi bất chấp Platini đã lên tiếng phản đối kịch liệt, thì nếu ông không thể đảo ngược lại cáo buộc của France Football, chiếc ghế đầy quyền lực mà ông đang nắm giữ qua nhiệm kỳ thứ hai liên tiếp có thể sẽ bị đẩy đổ. Vậy mà không chỉ Platini, France Football còn bóng gió ám chỉ hàng loạt quan chức đình đám khác cũng ngậm tiền của Qatar để bỏ phiếu, vận động giúp nước này.

Chắc chỉ có rải tiền như thế, thì tổng chi phí cho chiến dịch đăng cai World Cup 2022 của Qatar, theo France Football, mới lên đến con số kinh hoàng 75 tỷ euro. Chi phí ấy, đúng là một kỷ lục tốn kém vô tiền khoáng hậu, trong lịch sử bóng đá. Nhưng người ta tự hỏi, liệu nó có mang đến cho Qatar nói riêng và bóng đá thế giới nói chung những lợi ích tương xứng? Hay đúng như France Football, số tiền khổng lồ chảy vào túi một nhóm người? Và nếu thế, đây lại trở thành một scandal khủng khiếp nữa của bóng đá thế giới.

 "Qatargate"

Trong cuốn tài liệu dày 20 trang mới được công bố của mình, France Football đã đặt tên cho vụ scandal mới này là Mondial 2022, le Qatargate. Với tính chất nghiêm trọng của câu chuyện, thì có thể tin vụ Qatargate này xứng đáng đặt ngang hàng với bất kỳ scandal bê bối nào từng xảy ra trong lịch sử thể thao thế giới. Số tiền 75 tỷ euro mà France Football nêu ra, chủ yếu để mua phiếu nơi hậu trường (hành động bị cấm) sẽ phải được Qatar cũng như các bên liên quan giải thích tường tận.

Cho đến thời điểm này, ngoại trừ Chủ tịch UEFA Michel Platini cực lực bác bỏ cáo buộc đã nhận 11 triệu euro, cũng như thỏa thuận buộc Qatar mua Paris Saint Germain, chưa có thêm bất kỳ phản ứng nào. FIFA vẫn im lặng và Qatar cũng vậy. Nhưng liệu, đây có phải là sự im lặng bất thường báo hiệu trước một cơn bão lớn?

P.V

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.