Theo báo chí đưa tin, nhiều ngày nay, rất nhiều người lao động đã đến xếp hàng tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tại số 215 Trung Kính (Cầu Giấy, Hà Nội) để chờ làm thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp. Họ đứng chờ hàng tiếng đồng hồ đến cho đến khi trung tâm mở cửa làm việc.
Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, hàng năm, khoảng thời điểm quý 2 và đầu quý 3 cao điểm về giải quyết hồ sơ BHTN tại Trung tâm.
Tuy nhiên, quý 2/2020 do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, số lượng hồ sơ BHTN tăng hơn thời điểm cùng kỳ hằng năm.
Cụ thể, từ ngày 1/6 đến hết ngày 9/6, Trung tâm đã tiếp nhận giải quyết cho 3.652 NLĐ đến nộp hồ sơ hưởng BHTN (trung bình, mỗi ngày Trung tâm tiếp nhận khoảng 530 hồ sơ đề nghị hưởng BHTN).
Như vậy, so với cùng kỳ tháng 5/2020, số lượng NLĐ đến làm hồ sơ hưởng BHTN tăng nhẹ 2,64%; nhưng so với cùng kỳ tháng 6/2019 lại tăng cao (cả tháng 6/2019 có 7.197 hồ sơ).
Vậy, để hưởng trợ cấp thất nghiệp thì người lao động chuẩn bị những gì để được giải quyết nhanh nhất ?
Hồ sơ làm bảo hiểm thất nghiệp
Căn cứ Điều 16, Nghị định 28/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết về hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp bao gồm:
1. Đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
2. Bản chính hoặc bản sao có chứng thực của một trong các giấy tờ sau đây xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc:
- Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã hết hạn hoặc đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động.
- Quyết định thôi việc.
- Quyết định sa thải.
- Quyết định kỷ luật buộc thôi việc.
- Thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
Trường hợp người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp thì giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng là bản chính hoặc bản sao có chứng thực của hợp đồng đó.
3. Sổ bảo hiểm xã hội.
Tổ chức bảo hiểm xã hội thực hiện xác nhận về việc đóng bảo hiểm thất nghiệp và trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị của người sử dụng lao động.
Đối với người sử dụng lao động là các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thì trong thời hạn 30 ngày, Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân thực hiện xác nhận về việc đóng bảo hiểm thất nghiệp và trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động kể từ ngày nhận được đề nghị của người sử dụng lao động.
Thủ tục làm bảo hiểm thất nghiệp
Sau khi làm xong hồ sơ thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động tiến hành thực hiện theo các bước sau đây:
Bước 1, nộp hồ sơ đến Trung tâm Giới thiệu việc làm
Trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hay hợp đồng làm việc thì người lao động chưa có việc làm và có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp phải trực tiếp nộp 1 bộ hồ sơ cho Trung tâm Giới thiệu việc làm tại địa phương nơi người lao động muốn nhận trợ cấp thất nghiệp.
Bước 2, giải quyết hồ sơ.
Cũng theo Nghị định 28, cụ thể, khoản 1, Điều 18, trong vòng 15 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ, người lao động chưa tìm được việc làm thì trung tâm giới thiệu việc làm thực hiện xác nhận giải quyết hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Trong vòng 20 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ, trung tâm giới thiệu việc làm ra quyết định duyệt chi trả trợ cấp thất nghiệp kèm theo sổ BHXH có xác nhận trả cho người lao động.
Thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính từ ngày thứ 16 theo ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp.
Bước 3, nhận tiền chi trả trợ cấp thất nghiệp
Trong trường hợp được nhận trợ cấp thất nghiệp, theo khoản 2, Điều 18, trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày có quyết định chi trả trợ cấp thất nghiệp, cơ quan BHXH tại địa phương thực hiện chi trả tiền trợ cấp tháng đầu tiên cho người lao động kèm theo thẻ bảo hiểm y tế.
Hằng tháng, cơ quan BHXH chi trả trợ cấp thất nghiệp trong vòng 12 ngày tính từ ngày hưởng trợ cấp thất nghiệp tháng đó nếu không nhận được quyết định tạm dừng, chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động.
Bước 4, hằng tháng thông báo tìm kiếm việc làm
Khoản 1, Điều 19 Nghị định này còn quy định, hằng tháng người lao động phải đến trung tâm dịch vụ việc làm để thông báo về việc tìm kiếm việc làm trong thời gian đang hưởng trợ cấp thất nghiệp (theo đúng lịch hẹn kèm theo Quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp).
Với những thông tin nêu trên có thể thấy, để được nhận tiền BHTN nhanh nhất, người lao động nên chuẩn bị đủ hồ sơ và làm thủ tục hưởng BHTN như hướng dẫn ở trên.
Thêm 3 giấy tờ có thể thay thế trong hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp áp dụng từ 15/7/2020
Nghị định 61/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 28/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành về bảo hiểm thất nghiệp có hiệu lực từ ngày 15/7/2020.
Nghị định này đã bổ sung thêm 3 loại giấy tờ có thể sử dụng trong hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp bên cạnh hợp đồng lao động hay quyết định thôi việc… đó là:
- Xác nhận của người sử dụng lao động trong đó có nội dung cụ thể về thông tin của người lao động; loại hợp đồng lao động đã ký; lý do, thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động;
- Xác nhận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc doanh nghiệp hoặc hợp tác xã giải thể, phá sản hoặc quyết định bãi nhiệm, miễn nhiệm, cách chức đối với các chức danh được bổ nhiệm trong trường hợp người lao động là người quản lý doanh nghiệp, quản lý hợp tác xã;
- Người lao động không có các giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động do đơn vị sử dụng lao động không có người đại diện theo pháp luật và người được người đại diện theo pháp luật ủy quyền thì Sở Lao động Thương binh và Xã hội hoặc Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh có trách nhiệm gửi văn bản yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư xác nhận và trả lời lại về nội dung trên trong thời hạn 10 ngày làm việc.
Hoàng Mai