Thông tin này đặc biệt có ý nghĩa khi hôm nay (6/8) là kỷ niệm 68 năm ngày Mỹ ném bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima, Nhật Bản.
Một phần hồ sơ bệnh án mới tìm thấy được chụp lại
Nạn nhân tên là Midori Naka, một diễn viên kịch, qua đời sau 18 ngày bị thương do vụ đánh bom hạt nhân hôm 6/8/1945. Hôm đó, bà tới Hiroshima theo lịch trình đi biểu diễn của đoàn kịch. Bà đã bị chết vì phơi nhiễm phóng xạ do tiếp xúc gần với vị trí bom nguyên tử nổ tại Hiroshima. Sau khi quay trở lại Tokyo, bà Naka qua đời trong lúc đang truyền máu tại bệnh viện Đại học Tokyo. Năm đó, bà 36 tuổi.
Số hồ sơ đã được phát hiện ra sau hàng chục năm nỗ lực tìm kiếm. Bệnh viện đã giữ lại tất cả những thông tin cập nhật về tình hình sức khỏe của bà cho đến lúc bà qua đời cũng như kết quả khám nghiệm tử thi. Tuy nhiên một bản báo cáo quan trọng khác đã bị mất và đến nay mới tìm lại được.
Giáo sư danh dự của Đại học Tokyo, ông Kazuhiko Maekawa là chuyên gia điều trị các bệnh nhân chịu phơi nhiễm phóng xạ đánh giá rất cao việc phát hiện ra hồ sơ bệnh án của bà Naka. Ông nói, “bà Naka đã qua đời vì nhiễm trùng huyết sau khi các vết nhiễm trùng lan khắp cơ thể”. Ông đánh giá “những hồ sơ này là vô giá bởi tất cả những chi tiết về tình hình sức khỏe thay đổi như thế nào sau khi bà bị phơi nhiễm phóng xạ ở mức chết người đều được ghi lại tại đây”.
Một trong số các nhà nghiên cứu hồ sơ về bà Naka là ông Shiro Shirato. Ông từng là sinh viên y tại trường Đại học Tokyo hồi tháng Tám 1945, người đã thực hiện thử nghiệm phân tích máu bà Naka, đồng thời tham gia vào quá trình khám nghiệm tử thi. Ông đã qua đời ba năm trước ở tuổi 87. Vợ ông, bà Keiko Shirato, 83 tuổi, sống tại Ayase, tỉnh Kanagawa chia sẻ cảm giác nhẹ nhõm của mình sau khi hồ sơ bệnh án của bà Naka được hồi phục lại. Bà nói, “nếu chồng tôi còn sống, ông ấy chắc cũng sẽ rất vui khi biết tin nầy”.
Lúc xảy ra thảm họa, bà Naka đang ở nhà trọ tại Hiroshima cách khu vực vùng bình địa ngay chỗ một quả bom nguyên tử phát nổ khoảng 750 m. Sau đó, bà bị thương nghiêm trọng nhưng vẫn cố gắng trở về Tokyo nơi bà đã sinh ra và lớn lên.
9 thành viên đoàn kịch các thành viên đoàn kịch Sakuratai cùng các nhân viên khác trong đoàn
Người thân của những người liên quan tới quá trình điều trị cho bà Naka đã phát hiện ra số tài liệu này. Tờ báo Asahi Shimbun đã có bài phỏng vấn với các ban lãnh đạo trường đại học ,nơi chứng thực các tài liệu y tế về bà Naka.
Các hồ sơ bệnh án được tìm thấy bao gồm toàn bộ kết quả các lần thử nghiệm máu, biểu đồ nhiệt độ cơ thể, quá trình điều trị của bà cho đến khi bà qua đời cũng như các triệu chứng bệnh khi bị nhiễm phóng xạ. Ngoài ra, kết quả quá trình khám nghiệm tử thi được mô tả chi tiết trong hồ sơ đính kèm do Hội đồng khoa học Nhật bản thực hiện. Hơn thế nữa, trong các báo cáo, còn có nhiều lời trích dẫn của các thành viên trong Hội đồng về tác động của bom nguyên tử mà Hoa Kỳ đã ném xuống Nhật Bản sau này đã được dịch từ nguyên gốc tiếng Nhật sang tiếng Anh. Tuy nhiên, hầu hết những tài liệu gốc này đều bị mất và đến nay mới được phát hiện ra.
Trước đó, nhiều nhà nghiên cứu suy đoán rằng lực lượng chiếm cứ của Mỹ đã mang các tài liệu về Mỹ. Nhiều người khác cho rằng các quan chức Nhật đã giấu tài liệu đi do lo sợ Hoa Kỳ lấy mất. Đến nay, việc phát hiện ra số tài liệu quan trọng này đã giúp “minh oan” cho Mỹ.
Theo số tài liệu mới này, bà Naka đang ở trong bếp của nhà trọ vào lúc 8 giờ sáng hôm 6/8/1945, khoảng 15 phút trước khi xảy ra vụ nổ bom nguyên tử. Bà kể với bác sĩ rằng bà nhìn thấy ánh sáng vàng lóe lên và nghe thấy tiếng giống như tiếng ấm nước sôi rú lên. Khi bà được lôi ra từ đống đổ nát, bà thấy mình chỉ mặc mỗi bộ quần áo lót và bị thương khắp người.
Sau đó bà liên tục nôn mửa. Bà chạy thẳng ra sông để tránh đám lửa dữ dội trong khu phố và được cứu rồi được đưa tới trại. Năm người trong số 9 thành viên của đoàn kịch mà bà tham gia từ tháng Một năm 1945 để biểu diễn cho các công nhân tại các nhà máy vũ khí, được phát hiện đã bị thiệt mạng ngay lập tức.
Vì không có điều kiện y tế tại trại nên bà Naka đã tự quấn mình bằng một manh chiếu rơm, cố gắng lên chuyến tàu đầu tiên trở về Tokyo sau vụ nổ. Bà tới thủ đô Nhật vào lúc sáng sớm ngày 10/8. Bà đã được đưa vào viện của Đại học Tokyo hôm 16/8.
Theo ghi chép trong các hồ sơ này, số lượng máu trắng của bà bị giảm 400/mm3 máu, ít hơn 10% so với mức của người bình thường. Một ngày sau đó, bà Naka rụng hàng mảng tóc. Vết thương trên vai của bà ngày càng trầm trọng.
Hôm 21/8, nhiệt độ cơ thể bà tăng lên gần 40 độ C và các bác sĩ phải truyền máu cho bà. Số lượng tế bào máu trắng giảm tiếp xuống còn 300 trên mm3 máu hôm 22/8. Xunh quanh vết thương đã bị loét. Các bác sĩ tiếp tục phải truyền thêm máu.
Ngày 23/8, xung quanh vết tiêm bị loét, ngoài ra bà còn bị xuất huyết – mỗi vết có kích cỡ bằng hạt gạo trên khắp cơ thể. Sau đó, bà tiếp tục được truyền thêm máu.
Đến ngày 24/8, nhiệt độ cơ thể bà tiếp tục tăng 40,4 độ C. Và, bà qua đời vào lúc 12:30 phút đêm cùng ngày.
Hình ảnh bà Midori Naka, một diễn viên kịch, nạn nhân đầu tiên qua đời do phơi nhiễm phóng xạ trong vụ đánh bom hạt nhân hôm 6/8/1945
Vào năm 1945, người ta không biết nhiều về rủi ro sức khỏe khi bị phơi nhiễm phóng xạ mức độ lớn.
Ông Masao Tsuzuki, một chuyên gia phẫu thuật tại bệnh viện Đại học Tokyo – người điều trị cho bà là một trong số ít các bác sĩ Nhật được làm quen với phóng xạ học, chuẩn đoán bà bị nhiễm phóng xạ.
Trong một bài báo của Asahi Shimbun ngày 29/8/1945, ông nói “trước đó, người ta cho rằng hậu quả của bom nguyên tử là do nổ và cháy lớn”. “khẳng định này đã được chứng minh tuy nhiên, ngoài ra, còn có một nguyên nhân khác là do bom nguyên tử có khả năng gây hại như các chất phóng xạ”.
Ông Kenji Kamiya, chuyên gia phóng xạ học tại Viện nghiên cứu Y tế và sinh học phóng xạ tại Đại học Hiroshima ước tính, bà Naka đã bị phơi nhiễm lượng phóng xạ hơn 8.000 đơn vị phóng xạ (millisieverts) qua nghiên cứu về các triệu chứng của bà cũng như mức độ tiếp xúc gần khu vực xảy ra nổ.
Theo các chuyên gia, mức độ phơi nhiễm phóng xạ này ở mức gây chết người.
Như đã nói ở trên, ông Shiro Shirato là một người nghiên cứu về hồ sơ bệnh án của bà Naka. Ông bắt đầu nghiên cứu sau hơn 30 năm kể từ ngày bà qua đời, sau khi đọc một lá thư trong mục Thư gửi Tòa soạn của báo The Asahi Shimbun số ra ngày 26/2/1978. Trong thư, một đồng nghiệp trẻ của bà Naka, Hagie Ezu, yêu cầu các bạn đọc hợp tác thu thập các chi tiết về tình hình sức khỏe của bà Naka khi bà ở trong bệnh viện Tokyo. Lúc viết lá thư này, bà Ezu đã 67 tuổi. Bà Ezu đã viết lá thư gửi tới tòa soạn sau khi bà tham gia lễ tưởng niệm 33 năm ngày các thành viên đoàn kịch Sakuratai thiệt mạng năm 1977.
Sau nhiều lần trao đổi thư từ với bà Ezu, ông Shirato đã sắp xếp một cuộc hẹn để bà có thể xem phần hồ sơ bệnh án của bà Naka được lưu trữ tại đại học Tokyo.
Ông Shirato tiếp tục tới Mỹ tìm kiếm các hồ sơ bệnh án khác của bà Naka ở Cơ quan Quản trị Kỷ lục và Văn khố Quốc gia tại Washington nhưng không có kết quả.
Nhờ sự giúp đỡ của ông Shirato, với những tài liệu còn sót lại, bà Ezu quyết định làm một cuộc nghiên cứu và xuất bản một cuốn sách năm 1980 về tấm bi kịch của đoàn kịch trong đó bà Naka là trung tâm câu chuyện.
Cuốn sách có tựa đề “Sakuratai Zenmetsu” (Kẻ hủy diệt đoàn kịch anh đào) sau đó đã được chuyển thể thành phim “Sakuratai Chiru” năm 1988 do đạo diễn Kaneto Shindo thực hiện, người đã từng thực hiện rất nhiều bộ phim chống chiến tranh.
Con trai của bà Ezu, là ông Heita nay đã 74 tuổi, sống tại Kamakura, tỉnh Kanagawa cho biết mẹ ông bắt tay thực hiện dự án xuất bản cuốn sách này để lưu trữ mãi mãi những ký ức về bà Naka. Ông nói, “Mẹ tôi cho rằng cần phải có ai đó truyền những ký ức về cuộc đời bà Naka cho những thế hệ sau để những cuộc đời đó không bị lịch sử chôn vùi”.
Trang Trần (Theo Asahi Shimbun)