Theo thông tin của AFP, hôm qua (12/8), Campuchia đã chính thức công bố kết quả bầu cử hôm 28/7 vừa qua. Theo đó, Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) được hơn 3,2 triệu trên tổng số khoảng 6,6 triệu phiếu trong cuộc bầu cử. Đảng Cứu quốc Campuchia (CNRP) đối lập được hơn 2,9 triệu phiếu. Kết quả chính thức của Uỷ ban Bầu cử quốc gia Campuchia (NEC) cũng cho thấy CPP chiến thắng tại 19 trên tổng số 24 tỉnh của Campuchia.
Tổng thư ký NEC, Tep Nytha cho biết kết quả cuối cùng, bao gồm cả số ghế trong quốc hội, sẽ được công bố vào cuối tuần này nếu không có đảng nào phản đối. Nếu NEC nhận được khiếu nại, kết quả cuối cùng sẽ được công bố vào ngày 8/9.
Trong khi đó, không nằm ngoài dự đoán của giới quan sát, CNRP tiếp tục phản đối kết quả chính thức mà NEC công bố. Theo Phnom Penh Post, từ Mỹ khi đang đi dự đám cưới con gái, lãnh đạo CNRP Sam Rainsy cũng tranh thủ đe dọa sẽ “tổ chức đại biểu tình” nếu các bất thường trong bầu cử đang được điều tra vẫn chưa giải quyết xong khi ông trở về nước vài ngày tới.
Không dừng lại ở việc đe dọa tổ chức biểu tình, ông Sam Rainsy còn có những phát biểu về quân đội khiến một số quan chức chính phủ phải lên tiếng cảnh báo. Hôm 8/8, binh sĩ và xe thiết giáp của quân đội đã được triển khai ở thủ đô Phnom Penh như một biện pháp đề phòng các cuộc biểu tình phát sinh bạo động và để giữ gìn trật tự.
Cambodia Daily dẫn lời cảnh sát trưởng quốc gia Sao Sokha: “Ông Rainsy có thể la lối bất cứ điều gì ông ta muốn. Tôi luôn sát cánh cùng các lực lượng vũ trang. Tôi có nhiệm vụ bảo vệ đất nước và trật tự xã hội”.
Ông Sam Rainsy.
Những phát ngôn gây “sốc” về Việt Nam
Ngoài những tuyên bố không công nhận kết quả bầu cử như những ứng viên thua cuộc khác, ông Sam Rainsy còn có một số tuyên bố mang tính khiêu khích, gây tổn hại đến quan hệ hữu nghị Việt Nam-Campuchia.
Trang mạng BBC tiếng Việt thứ ba, ngày 6/8, đã đăng bài phỏng vấn riêng của đài BBC với ông Sam Rainsy từ Phnom Penh. Trả lời câu hỏi của phóng viên, ông Sam Rainsy đã nói: “Hà Nội từng lấn chiếm đất đai Campuchia. Hà Nội cũng chiếm các đảo của Trung Quốc.” (trích nguyên văn).
Trước đó, trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Phượng Hoàng (Hongkong), ông Sam Rainsy đã nói: “Tất cả mọi hòn đảo do Trung Quốc bảo vệ là lãnh thổ của Trung Quốc. Chúng tôi lên án bất cứ hành động xâm lược nào. Những hòn đảo ấy là của Trung Quốc và chỉ thuộc về Trung Quốc mà thôi” (trích nguyên văn).
Đánh giá về phát ngôn trên của ông Rainsy, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Campuchia Vũ Mão cho rằng: “Ông ấy chẳng có căn cứ gì. Nếu có căn cứ ông ta sẽ đưa ra và Việt Nam sẵn sàng trao đổi. Dư luận quốc tế và Campuchia có thể đánh giá được những phát biểu của ông ấy thực ra chỉ để có lợi cho đảng và cá nhân ông ta. Đây không phải là hành động của một chính khách tử tế”.
Không chỉ có phát ngôn, ông Rainsy còn có hành động không “đẹp” đối với Việt Nam. Ngày 25/10/2009, ông Sam Rainsy tới khu vực đang phân giới cắm mốc giữa tỉnh Long An củaViệt Nam và tỉnh Svay Rieng của Campuchia, nhổ sáu cọc dấu tạm thời mang về Phnom Penh.
Chính quyền Việt Nam đã lên án hành động này của Sam Rainsy và gọi nó là "phá hoại mối quan hệ giữa Việt Nam và Campuchia" và yêu cầu chính quyền Campuchia có biện pháp "xử lý thích đáng" đối với hành vi đó.
Trước sự phá hoại này, chính quyền huyện Chantrea, tỉnh Svay Rieng làm đơn kiện ông ra tòa và Sam Rainsy bị kết án 2 năm tù ngày 27/01/2010.Để tránh bị bỏ tù, ông Sam Rainsy bỏ chạy sang Pháp định cư, vì ông mang hai quốc tịch (Pháp và Campuchia).
Không bao lâu sau, ngày 23/9/2010 tòa án Phnom Penh tuyên phạt ông Sam Rainsy một bản án vắng mặt nặng nề hơn, 10 năm tù về tội giả mạo và công bố một bản đồ sai lạc về biên giới nhằm cản trở công tác phân giới cắm mốc của Campuchia với Việt Nam.
Sau đó, ngày 12/7/2013, ông Sam Rainsy đã được quốc vương Norodom Sihamoni ân xá theo đơn xin của đương kim thủ tướng Hun Sen "vì lợi ích của đất nước và trên tinh thần hòa giải dân tộc".
Ông Hun Sen tham gia bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử ngày 28/7 vừa qua.
Xuất thân “đẹp” nhưng hành động “không đẹp”
Xuất thân từ một gia đình quyền quý, thân phụ ông là Sam Sary, một chính trị gia lỗi lạc dưới thời cố quốc vương Norodom Sihanouk trong thập niên 1950. Sau khi thân phụ ông bị thất sủng và bị ám sát năm 1965, ông Sam Rainsy được gia đình đưa sang Pháp tị nạn, lúc đó mới 16 tuổi.
Tại đây Sam Rainsy theo học những trường nổi tiếng như Lycée Janson de Sailly, sau đó là Sciences Po tại Paris và INSEAD tại Fontainebleau. Tốt nghiệp ngành tài chánh ngân hàng, Sam Rainsy được tuyển dụng vào làm việc trong những ngân hàng lớn của Pháp, như BNP Paribas.
Ông kết hôn với bà Tioulong Saumura (sinh năm 1950), ái nữ của ông Nhiek Tioulong, cựu chỉ huy trưởng lực lượng bảo vệ hoàng gia Campuchia thời vua Norodom Sihanouk, thủ tướng chính phủ năm 1962, đại sứ và nhiều lần làm bộ trưởng trong các chính quyền Campuchia trong suốt thập niên 1960.
Bà Tioulong Saumura thông thạo các ngoại ngữ Pháp, Anh, Nhật và Nga vì đã theo học các truờng lớn tại các thủ đô Paris, Tokyo và Moskva, và tốt nghiệp các trường kinh tế tài chính lớn của Pháp như Institut d’Etudes Politiques de Parisnăm 1974, INSEAD de Fontainebleau năm 1980 và đã lần lượt nắm giữ những chức vụ lớn trong ngành ngân hàng và công ty bất động sản lớn của Pháp.
Tại Pháp, Sam Rainsy tuy có nhiều bạn bè trong giới chính trị nhưng ít ai ủng hộ lập trường bài Việt của ông. Những dân biểu trong Đảng xã hội Pháp như ông François Brottes, dân biểu quốc hội tỉnh Isère, chỉ yêu cầu chính phủ Pháp cưu mang Sam Rainsy khỏi bị kết án tại Campuchia.
Năm 1993, sau khi đắc cử dân biểu quốc hội tỉnh Siem Reap với tư cách là thành viên đảng FUNCIPEC, Sam Rainsy được giao giữ chức vụ bộ trưởng tài chánh nhưng bị thất sủng năm 1994 và bị loại ra khỏi đảng FUNCINPEC.
Không chấp nhận hợp tác với bất cứ đảng phái nào khác, năm 1998, Sam Rainsy lập ra một đảng mang tên mình, Đảng Sam Rainsy. Bắt đầu từ đây, những hành động “không đẹp” của ông dần bộc lộ, vì cho rằng mình là người có nhiều học vị nhất trong các lãnh đạo Campuchia.
Ông đã sử dụng những phát ngôn không hay về Việt Nam để làm “con bài” tranh cử, cũng như ra mặt ủng hộ Trung Quốc đối với tranh chấp trên Biển Đông.
Theo nhận định của các chuyên gia chính trị thế giới, những khẩu hiệu bài xích Việt Nam của Sam Rainsy chỉ là những chiêu bài tranh cử, đó không phải là những suy nghĩ chính chắn của một người có trình độ học thức cao.
Từ năm 1975 đến 1979, chế độ Khmer Đỏ Pol Pot đã thực thi chính sách diệt chủng tàn bạo khiến gần 2 triệu người, bằng một phần tư dân số Campuchia khi ấy, bị thiệt mạng do bị bỏ đói, tra tấn, làm việc quá sức và hành quyết. Hơn thế nữa, tập đoàn Pol Pot còn phát động cuộc chiến tranh đẫm máu, xâm phạm chủ quyền, lãnh thổ Việt Nam, tàn sát hơn 20 nghìn dân thường Việt Nam trên vùng biên giới giữa hai nước. Trước tình hình đó, đáp lại lời kêu gọi khẩn thiết của mặt trận Đoàn kết Cứu nước Campuchia và của nhân dân Campuchia, quân đội Việt Nam đã thực hiện quyền tự vệ chính đáng, bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, đồng thời giúp đỡ nhân dân, đất nước Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, đỉnh cao là chiến thắng ngày 7/1/1979, đánh đổ chế độ diệt chủng Pol Pot, giúp đất nước Campuchia hồi sinh. |
Tuệ Minh (tổng hợp)