Theo tư liệu của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng của tổ hợp tác động của dải hội tụ nhiệt đới, rãnh thấp nóng phía tây kết hợp với cao áp Thái Bình Dương, từ ngày 12 đến 21/8, đã xảy ra mưa to đến rất to ở Bắc bộ với lượng mưa bình quân lưu vực sông Hồng là 255 mm, ở đồng bằng Bắc bộ khoảng 200 mmm.
Ảnh minh họa
Một số nơi có lượng mưa trên 300 mm như: Sìn Hồ 454mm, Sa pa 381mm, Lào Cai 386mm. Theo đó, vùng hạ lưu sông Hồng, Thái Bình đã xảy ra trận lũ lịch sử với đỉnh lũ tại Hà Nội là 14,13m (vượt BĐ 3 là 2,63m) và duy trì trên BĐ3 trong 8 ngày; tại Phả Lại là 7,21m, vượt BĐ3 là 1.71m, duy trì trên BĐ3 trong 12 ngày. Lũ trên hệ thống sông Đáy ở mức trên dưới BĐ3.
Từ ngày 19/8, lũ trên nhiều sông tràn bờ, gây vỡ đê ở nhiều nơi. Cụ thể, ngày 19/8, tràn vỡ các đê ở hạ lưu sông Lô, Đà và tả ngạn sông Hồng thuộc huyện Vĩnh Tường, đê bối Thanh Trì phía hữu ngạn sông Hồng. Đối phó với tình huống, hồi 4h ngày 20/8, phải mở đập Vân Cốc phân lũ vào sông Đáy và cùng lúc đó đã vỡ đê Lâm Thao.
Trong ngày 21/8, nhiều đoạn đê Vĩnh Lại; Cao Xá, Minh Nông; đê Khê Thượng trên sông Đà bị vỡ hàng trăm mét, có nơi hơn 600m. Ngày 22/8, tiếp tục vỡ đê Cống Thôn ở tả ngạn sông Đuống với chiều rộng 250m, sâu từ 18-24m. Trong ngày 22 và ngày 23/8, nhiều tuyến đê khác tiếp tục vỡ gây ngập lụt diện rộng ở đồng bằng bắc bộ.
Cũng theo tư liệu của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, theo thời giá năm 1971, tổng thiệt hại phần tài sản Nhà nước thuộc Trung ương quản lý là khoảng 44.225.000đ, trong đó: về nhà cửa, kho tàng bị ngập và trôi là 120.361 cái; về công nghiệp, khoảng 3.670.000đ; về nông nghiệp, khoảng 1.140.100đ; về công trình thuỷ lợi, khoảng 8.884.200đ, về giao thông bưu điện, khoảng 10.025.000đ và nhiều thiệt hại khác. Nếu quy đổi theo mức lương cơ bản hiện nay thì giá trị thiệt hại của trận lụt là hơn 10 nghìn tỷ đồng.
Ngoài ra, thiệt hại của nhân dân và các địa phương do bị ảnh hưởng lũ lụt, dịch bệnh, ngừng trệ sản xuất không thể tính hết được.
Theo tài liệu nước ngoài, trận lụt này khiến 100.000 người thiệt mạng, là cơn lũ lớn nhất trong vòng 250 năm ở miền Bắc Việt Nam và được liệt kê trong danh sách các trận lụt lớn nhất thế kỷ 20 của Cơ quan Quản trị Hải dương và Khí tượng Hoa Kỳ; đứng hàng nhì thế giới sau trận lụt năm 1931 ở sông Dương Tử làm thiệt mạng gần 3 triệu 700.000 nguời ở Trung Hoa. Mức độ thảm khốc của cơn “đại hồng thủy” này đứng thứ hai sau trận lụt năm 1931 ở sông Dương Tử, Trung Quốc, dù rằng sông Hồng chỉ thuộc cỡ trung bình trên thế giới.
Theo ký ức của nhiều người chứng kiến trận lũ năm ấy, đó là trận lũ đáng sợ nhất từ trước đến giờ mà họ từng biết đến. Đứng trên đê Nhật Tân nhìn bốn bề mênh mông nước, nóc ga Hàng Cỏ chỉ tương đương với nước sông Hồng ở mức báo động II. Chân cầu Long Biên nước dâng mấp mé, chỉ chờ gió mạnh là dập dềnh chảy qua đê.
Đã hơn 40 năm trôi qua nhưng PGS.TS Hà Đình Đức vẫn nhớ như in cái ngày đó, khi ông đang đứng trên lớp giảng dạy thì nhận được tin của ban giám hiệu nhà trường huy động đi cứu kho lương thực.
"Hồi ấy tôi là giảng viên ĐH tổng hợp. Hôm đó, tôi đang dạy học thì nhận được thông báo của nhà trường huy động toàn bộ giảng viên, sinh viên đi cứu kho lương thực vì đê Mai Lâm bị vỡ. Bên bờ bên này sông Đuống không bị ảnh hưởng gì nhưng bên kia thì ngập hết", ông Đức kể.
Cũng theo ông Đức, sau trận lụt năm đó người dân Hà Nội cũng như nhiều tỉnh miền Bắc phải ăn gạo ướt, gạo mốc trong thời gian dài. Nhiều nhà "đổi món" bằng cách mang gạo đổi cho hàng bún.
H.Minh