Tiêu rớt giá thê thảm
Thời gian gần đây, rất nhiều nông dân trồng tiêu ở tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu đang "kêu trời" vì giá hồ tiêu đang ở mức thấp kỷ lục. Do giá thấp, trừ đi các chi phí như phân bón, nhân công,… người trồng tiêu phải chịu lỗ nặng.
Theo tìm hiểu của PV, hồ tiêu được người nông dân ví là “vàng đen”. Nhờ vào “vàng đen”, nhiều hộ gia đình đổi đời, xây được nhà lầu, mua xe hơi,… Tuy nhiên, đến nay, tiêu mất mùa, giá thấp lại làm họ vất vả khổ sở. Nhiều người rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan, để tiêu lại thì không có đất trồng cây khác, chặt bỏ lại tiếc công chăm sóc bấy lâu nay.
Để tìm hiểu về cuộc sống của người trồng tiêu thời kỳ tiêu rớt giá, chúng tôi đã có mặt tại nhiều nơi như huyện Cẩm Mỹ, Xuân Lộc, Định Quán, Trảng Bom (tỉnh Đồng Nai) và một số huyện thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Khi tìm được đến những vùng trồng tiêu, chúng tôi mới hiểu được nỗi vất vả cũng như lo lắng của người dân nơi đây. Những rẫy tiêu bạt ngàn nhưng lại trơ gốc, mất mùa.
Theo chia sẻ của người dân, giá hồ tiêu những năm trước đây dao động ở mức từ 180.000 - 200.000 đồng/kg. Đó là thời gian mà người trồng tiêu tại hai tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu vô cùng phấn khởi. Sau mỗi vụ tiêu, nhiều người trúng mùa, lãi khoảng 1-2 tỷ đồng, kéo kinh tế gia đình đi lên. Tuy nhiên khoảng hơn một năm nay, giá hồ tiêu sụt giảm nghiêm trọng. Đầu tiên sụt còn 120.000 đồng/kg, sau đó là 100.000 đồng, 80.000 đồng và hiện tại giá hồ tiêu chỉ từ 50.000 - 60.000 đồng/kg. Điều này khiến cho người trồng tiêu rơi vào tình cảnh lao đao, mất hết động lực chăm sóc tiêu.
“Giá thấp thế này khiến chúng tôi chẳng muốn hái tiêu phơi đem bán nữa, cứ để thế. Nhưng thà thấp vừa thôi, chứ thấp đến mức này không đủ chi phí thuê nhân công, không đủ tiền chăm sóc tiêu nên nhiều khi chúng tôi chán không muốn hái tiêu, bỏ vườn rồi ngồi ngán ngẩm thở dài”, bà Nguyễn Thị Hương, người dân huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai chia sẻ.
Với giá này, chỉ riêng chi phí thuê nhân công thu hoạch cũng đã ngốn hết toàn bộ số tiền thu về. Chưa kể, năm nay năng suất tiêu ở nhiều nhà vườn cũng thấp kỷ lục.
Trong khi đó ông Nguyễn Huy Hùng, người dân huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai chia sẻ, năm nay tiêu nhà ông mất mùa nặng. Hiện tại tiêu trên cây rất ít, nhiều cành trơ cồi trong khi năm trước tiêu thu hoạch hết vườn được khoảng 2,2 tấn.
“Giá đang quá thấp lại mất mùa nên nông dân chúng tôi khổ trăm bề. Năm nay nếu thu hoạch chắc chỉ được khoảng 700kg tiêu hạt, coi như mất trắng. Trừ đi mọi chi phí mà vẫn không đủ để trang trải mọi chi phí", ông Hùng cho biết thêm.
Hồ tiêu rớt giá thê thảm, nông dân lâm cảnh nợ nần chồng chất
Nông dân khốn khổ
Gia đình ông Hưng ngụ huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trước đó thu hoạch được gần 5 tấn tiêu. Tuy nhiên do thời điểm đó thương lái trả 100.000 đồng/kg nên ông Hưng đã trữ tiêu chờ giá tăng. Nhưng đến hiện nay giá tiêu càng giảm mạnh và giá hiện chỉ còn gần 60.000 đồng/kg. Vì vậy đến thời điểm này, ông Hưng cần tiền nhưng không dám bán tiêu, tiếp tục trữ vì lỗ quá nặng.
“Lỡ trữ lại chờ tiêu lên giá để bán nên giờ ôm đống tiêu hạt. Giờ bán tiếc lắm nhưng không bán lại không có tiền trả nợ, phải vay chỗ này đắp chỗ kia, mệt mỏi lắm nhưng tôi đành chịu. Giờ cứ tầm vài tuần lại phải đổ tiêu ra phơi nắng một lần vì sợ tiêu bị mốc. Đúng là người tính không bằng trời tính, không thể mong chờ”, ông Hưng chia sẻ.
Riêng hộ gia đình chị Mai Thị Hiến, ngụ TP.Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lại cho biết, năm nay giá tiêu giảm mạnh và cũng lên xuống ở mức gần 60.000 - hơn 100.000 đồng/kg khiến cho người trồng tiêu bị lỗ.
“Với những hộ vay mượn ngân hàng để trồng tiêu như nhà tôi thì mức giá thấp như vậy khiến chúng tôi lỗ nặng. Không đủ tiền trả ngân hàng, nhưng vẫn bám trụ lấy cây tiêu vì không biết thay thế bằng cây gì”, chị Hiến buồn bã nói.
Bên cạnh những người vẫn bám lấy cây tiêu, chờ mong giá tiêu khởi sắc thì có những người quyết định chặt tiêu tìm giống cây khác để trồng. Cụ thể, huyện Trảng Bom có hàng chục hecta tiêu bị chặt để thay thế bằng cây chuối hoặc cây ăn quả khác.
“Tiêu mất giá trong khi chuối đang tăng giá, chờ tiêu quá lâu, chuối lại nhanh ăn hơn nên tôi đã phá 1ha tiêu để trồng chuối cấy mô. Mong là mùa chuối này sẽ mang lại lợi nhuận cho gia đình tôi để khỏi thất vọng vì lựa chọn chuối thay tiêu”, bà Hoàng Thị Hường cho biết.
Cũng theo bà Hường, do tiêu mất giá, mất mùa nên nhiều hộ dân trong xóm của bà đã bỏ mặc không đầu tư chăm sóc tiêu. Nhưng theo bà Hường dù thế nào vẫn phải chăm tiêu vì tiêu dễ bệnh, nếu bệnh sẽ giảm chất lượng và năng suất, càng dễ mất mùa các vụ kế tiếp.
“Bán luôn tiêu hạt cũng lỗ, trữ lại chờ giá đẹp mới bán cũng lỗ nên không biết ra sao. Hiện nay mỗi tấn tiêu bán ra, chúng tôi lỗ hàng trăm triệu đồng so với vụ khác, sợ nhất là lãi ngân hàng”, bà Hường nói thêm.
Liên quan đến vấn đề này, trước đó chia sẻ với báo chí, bà Trần Thị Tú Oanh, Phó chi cục trưởng chi cục Trồng trọt – Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Nai khuyến cáo người dân không tiếp tục mở rộng diện tích hồ tiêu, và cũng không chuyển đổi trồng cây khác thay hồ tiêu một cách ồ ạt.
Hiện toàn tỉnh Đồng Nai có gần 15.000ha hồ tiêu, diện tích này vượt gấp đôi so với quy hoạch của tỉnh Đồng Nai. Diện tích hồ tiêu tăng do giai đoạn 2013 – 2015 giá nông sản này ở mức cao, có khi lên đến 230.000 đồng/kg, nên nông dân ồ ạt trồng. Trong năm 2017, Đồng Nai xuất khẩu khoảng 6.300 tấn hồ tiêu, thu về 36 triệu USD.