“Chưa gãi đúng chỗ ngứa doanh nghiệp”
Tại Hội nghị “Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030” diễn ra sáng ngày 28/12, bà Nguyễn Thị Thược, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Tuyên Quang cho biết, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong năm vừa qua tại tỉnh đã diễn ra tương đối sôi động. Từ đó đã góp phần công khai minh bạch cơ chế, chính sách của tỉnh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận pháp luật, cơ chế, chính sách của địa phương; nâng cao nhận thức và kiến thức pháp luật cho người quản lý doanh nghiệp, từ đó góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh lành mạnh của các doanh nghiệp; từng bước tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng để thu hút đầu tư.
Nhưng bên cạnh những kết quả đạt được, bà Nguyễn Thị Thược cũng đánh giá hiện tại công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp vẫn còn tồn đọng rất nhiều “điểm nghẽn”.
Theo đó, bà Thược cho biết mức hỗ trợ chi phí tư vấn pháp luật quy định tại Nghị định số 55 về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay còn thấp so với chi phí thực tế và nhu cầu của doanh nghiệp. Trong khi đó trình tự, thủ tục hỗ trợ chi phí tư vấn pháp luật phức tạp, doanh nghiệp phải 2 lần làm hồ sơ đề nghị để có thể được hưởng hỗ trợ.
"Vấn đề vẫn nằm ở chi phí, khi mức chi phí thấp như vậy thì rất khó để triển khai hợp lý. Lên kế hoạch là một chuyện, nhưng có làm được hay không lại là vấn đề khác vì không đủ kinh phí vận hành", bà Thược trăn trở.
Bên cạnh đó, nguồn nhân lực thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp còn hạn chế cả về số lượng lẫn chất lượng. Đồng thời, đội ngũ làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh chủ yếu là kiêm nhiệm dẫn đến hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong một số trường hợp, ở một số nơi chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
Cũng chia sẻ về những vấn đề còn tồn đọng, Luật sư Nguyễn Văn Hà, Phó Chủ nhiệm đoàn luật sư Hà Nội cho biết các nghị định được ban hành hiện nay còn thiếu tính thực tế, chưa bám sát vào tình hình thực tiễn của doanh nghiệp.
“Chương trình hỗ trợ còn nhiều bất cập, trùng lặp, chưa đưa được ra những cái doanh nghiệp cần, chưa gãi đúng chỗ ngứa doanh nghiệp, bộ ngành địa phương phối hợp còn nhiều hạn chế” ông Hà nhận định.
Ông cũng cho rằng kinh phí dành cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp còn quá hạn chế, thiếu tập trung và chủ yếu gắn với kinh phí của các hoạt động xây dựng pháp luật khác nên chưa phát huy hết hiệu quả của công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Kinh phí dành cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp còn rất hạn chế so với nhu cầu ngày càng cao của cộng đồng doanh nghiệp.
Cùng với đó, ông nhận định công tác truyền thông còn yếu, nhiều hoạt động làm tốt nhưng truyền thông chưa tốt. Dẫn tới thiếu tính lan toả trong cộng đồng doanh nghiệp, từ đó hạn chế sự tiếp cận của doanh nghiệp với hệ thống hỗ trợ pháp lý.
Về phía doanh nghiệp, ông Hà đánh giá trình độ hiểu biết pháp luật và áp dụng pháp luật của chủ sở hữu, người quản lý doanh nghiệp còn nhiều hạn chế. Nhiều chủ doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức tới công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, thậm chí, các cơ quan nhà nước phải thực hiện công tác vận động, gọi điện thoại đôn đốc mới tham gia hoặc cử cán bộ tham gia Hội nghị bồi dưỡng, đối thoại về quy định pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Đề xuất nâng mức hỗ trợ chi phí tư vấn pháp luật
Đề xuất giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ pháp ý cho doanh nghiệp, bà Lê Thị Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã đưa ra một số kiến nghị, cụ thể:
Thứ nhất, Bộ Tư pháp nên tổ chức các khóa bồi dưỡng nâng cao nhận thức, kỹ năng, nghiệp vụ và cập nhật kiến thức pháp luật cho cán bộ làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của các Bộ; phát triển đội ngũ cán bộ, chuyên gia hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
Thực hiện chuẩn hóa tiêu chuẩn cán bộ, công chức, nhân viên làm công tác pháp chế. Thời gian tới cần nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí, yêu cầu cụ thể đối với cán bộ, công chức, nhân viên làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Ngoài ra, cần có cơ chế chính sách cụ thể để thu hút những người có kinh nghiệm, có trình độ vào làm việc tại các tổ chức pháp chế, nhất là tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh.
Thứ hai, nghiên cứu sửa đổi, nâng mức hỗ trợ chi phí tư vấn pháp luật tại Nghị định số 55/2019/NĐ-CP cho phù hợp với thực tế và nhu cầu của doanh nghiệp; rút ngắn trình tự, thủ tục hỗ trợ kinh phí tư vấn pháp luật tại Nghị định số 55/2019/NĐ-CP.
Thứ ba, tổ chức hiệu quả các hội nghị đối thoại với doanh nghiệp nhỏ và vừa; phản hồi tích cực với doanh nghiệp; nghiên cứu, tiếp thu, sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật liên quan để tạo điều kiện cho hoạt động của doanh nghiệp.
Thứ tư, đẩy mạnh hoạt động phối hợp liên ngành giữa các bộ, phối hợp chặt chẽ công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giữa cơ quan quản lý nhà nước với các Hiệp hội, các hội về các vấn đề pháp lý liên quan. Các Bộ kịp thời phổ biến các văn bản mới, hướng dẫn thống nhất quy định của pháp luật trong trong lĩnh vực quản lý của Bộ. Cần quy định cụ thể các nhiệm vụ, quyền hạn các tổ chức pháp chế trên cơ sở sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, thống nhất, đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có liên quan.
Thứ năm, tăng cường công tác truyền thông về hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; tuyên truyền về quy định của pháp luật có liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực và những quy định có liên quan đến hoạt động kinh doanh qua nền tảng công nghệ.
Thứ sáu, xây dựng mạng lưới tư vấn viên pháp luật có chuyên môn chuyên sâu, chuyên nghiệp; nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới tư vấn viên pháp luật và truyền thông rộng rãi để các doanh nghiệp nhỏ và vừa biết về hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo Nghị định số 55/2019/NĐ-CP và hệ thống mạng lưới tư vấn viên pháp luật.
Ngày 24/6/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 55/2019/NĐ-CP về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thay thế Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
Nghị định này quy định chi tiết các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương cấp tỉnh, cơ quan, tổ chức khác và cá nhân có liên quan trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Các nội dung chính của Nghị định số 55/2019/NĐ-CP nhằm quy định chi tiết các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và trách nhiệm tổ chức thực hiện của các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương cấp tỉnh, cơ quan, tổ chức khác và cá nhân có liên quan đối với công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa có thời hạn tối đa 05 năm kể từ ngày được phê duyệt.
Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm trả lời đối với vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong áp dụng chung về pháp luật trong phạm vi ngành, lĩnh vực, địa phương do mình quản lý trong 15 ngày làm việc, trường hợp vướng mắc phức tạp thì trả lời trong tối đa 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu.
Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm ban hành chính sách về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại địa phương; bảo đảm nguồn kinh phí từ ngân sách địa phương để thực hiện hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức thực hiện hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại địa phương; gửi báo cáo kết quả hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong phạm vi địa phương theo yêu cầu của Bộ Tư pháp để tổng hợp báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Nghị định có hiệu lực từ ngày 16/8/2019.