Dốc Cun nằm trên tuyến đường Quốc lộ 6, thuộc địa phận thành phố Hòa Bình và huyện Cao Phong (Hòa Bình) dài khoảng 8km, tuyến đường này mỗi ngày có hàng nghìn lượt phương tiện giao thông qua lại. Với địa hình hiểm trở một bên là núi cao, một bên là vực sâu rất nguy hiểm cho các phương tiện khi tham gia giao thông qua.
Để khắc phục và tăng cường việc an toàn cho các phương tiện di chuyển qua con dốc này các cơ quan chức năng từ Bộ GTVT và tỉnh Hoà Bình đã dành nhiều sự quan tâm và thực hiện đồng bộ các biện pháp trong đó thực hiện triển khai dự án Xử lý nguy cơ mất an toàn giao thông đoạn Dốc Cun.
Qua tìm hiểu của phóng viên, đơn vị trúng thầu thi công dự án trên là liên danh các nhà thầu gồm: Công ty cổ phần Phát triển xây dựng và Thương mại số 909; Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng SHB Việt Nam; Công ty cổ phần Tư vấn Đầu tư và Xây dựng công trình Bắc Nam; Công ty TNHH Thương mại Hải Ngân. Địa chỉ LK3C-18 khu Mỗ Lao, phường Mộ Lao, quận Hà Đông, Tp.Hà Nội.
Theo Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu số 328 của Sở Giao thông Vận tải tỉnh Hoà Bình, giá trúng thầu dự án trên là 80.467.783.000 đồng. Trong đó 76.635.984.000 đồng là chi phí xây dựng còn lại gần 4 tỷ đồng là chi phí dự phòng.
Do tính chất cấp bách xử lý điểm đen tại dốc Cun, thời gian thi công của công trình là 210 ngày bởi tuyến đường quốc lộ 6 hàng ngày có hàng nghìn lượt xe qua lại, tiến độ thi công gấp lại phải đảm bảo an toàn giao thông cho các phương tiện lưu thông nên vai trò, năng lực của nhà thầu được chủ đầu tư lựa chọn kĩ lưỡng.
Tuy nhiên, theo quan sát của Phóng viên, dù thời gian thi công đã hết thế nhưng dự án Xử lý nguy cơ mất an toàn giao thông đoạn dốc Cun còn vô cùng ngổn ngang, liên danh các nhà thầu xử lý từng đoạn đường và đặc biệt có rất ít máy móc, nhân công thi công xây dựng.
Cả tuyến đường dài gần 8km nhà thầu vẫn đang trong quá trình xẻ núi mở rộng hai bên đường chưa kịp hoàn trả cao độ như mặt đường nguyên trạng của Quốc lộ 6. Việc đảm bảo an toàn giao thông trong lúc thi công cần bố trí cán bộ, nhân viên tại hai đầu các điểm thi công, phân luồng giao thông hiệu quả tuy nhiên cả một đoạn đường không hề thấy bóng nhân viên nào chịu trách nhiệm.
Phần thi công cũng đang bộc lộ nhiều vấn đề. Qua ghi nhận Phóng viên nhận thấy việc xây dựng hạng mục rãnh thoát nước có dấu hiệu bất thường trong đó nhiều vị trí rãnh thoát nước hình thang bị đơn vị thi công một cách sơ sài. Ngoài ra một số ý kiến cho rằng việc thi công rãnh thoát nước tại dự án trên không sử dụng vải địa kỹ thuật tiềm ẩn nhiều nguy cơ giảm độ bền vững cho công trình về sau.
Ngày 22/3 Phóng viên tiếp tục có mặt tại công trường dự án. Theo ghi nhận tại thực địa, lác đác một số vị trí xuất hiện máy đục đang thi công tuy nhiên không có cán bộ công nhân thực hiện đảm bảo an toàn giao thông tại đây dù các phương tiện di chuyển ngay dưới núi đá có thể sạt lở bất cứ lúc nào. Ngoài ra, xuất hiện một số người được cho là công nhân thi công dự án đang thực hiện hành động cào đất đá trên mặt rãnh và trám xi măng lên các vị trí bê tông của rãnh thoát nước.
Theo thông tin từ phía liên danh nhà thầu thi công, hiện dự án đang bị chậm tiến độ và đang có văn bản gửi Cục đường Bộ để xin gia hạn. Khi Phóng viên đề cập đến vấn đề lớp vải tiếp địa rãnh thoát nước của dự án vị đại diện này cho hay việc thi công rãnh thoát nước không cần lớp vải địa kỹ thuật.
Để làm rõ những bất cập trong việc thực hiện dự án nhằm tuân thủ các quy định của pháp luật và đảm bảo công tác sử dụng đầu tư công được đảm bảo phóng viên đã liên hệ với Sở Giao thông Vận tải tỉnh Hòa Bình.
Người Đưa Tin sẽ tiếp tục thông tin trong bài viết tiếp theo.