Hoà Bình kiên quyết nhặt "sạn" để đón nhà đầu tư

Hoà Bình kiên quyết nhặt "sạn" để đón nhà đầu tư

Lê Tuấn

Lê Tuấn

Thứ 4, 13/10/2021 18:12

Hoà Bình đang nỗ lực cải cách hành chính, xử lý những tồn tại, vướng mắc với mong muốn thu hút nhà đầu tư trong thời gian tới.

Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm ước tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước, 260 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký khoảng 6.480 tỷ đồng. Phê duyệt chủ trương đầu tư cho 12 dự án, trong đó có 11 dự án trong nước với số vốn đăng ký là 252,39 tỷ đồng và 01 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký là 6,5 triệu USD. Đây là những con số mà tỉnh Hòa Bình đã đạt được sau 6 tháng năm 2021.

Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam, 13/10, Người Đưa Tin đã có buổi trao đổi với ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hòa Bình.

Người Đưa Tin (NĐT): Việt Nam đang trên đà hồi phục sau đại dịch, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Thủ tướng đặt ra là khôi phục chuỗi liên kết sản xuất, thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Xin ông cho biết định hướng chính sách và mục tiêu của tỉnh trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Văn Thắng: Mục tiêu phát triển kinh tế của Hoà Bình đến năm 2025 là huy động mọi tiềm năng, thế mạnh để đưa kinh tế tỉnh phát triển nhanh, toàn diện và bền vững. Trong đó phát triển công nghiệp là động lực; phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; phát triển nông nghiệp theo hướng an toàn, hiệu quả, sản xuất hàng hóa lớn gắn với thị trường tiêu thụ.

NĐT: Thực tế cho thấy, nhiều dự án sau khi được phê duyệt đã bị bỏ bẵng, chậm trễ khởi công. UBND tỉnh đã có biện pháp gì để ngăn chặn những "hạt sạn" trong đầu tư? 

Ông Nguyễn Văn Thắng: Quan điểm của Tỉnh là tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư nhưng phải ưu tiên chất lượng, hiệu quả của các dự án đầu tư. Tỉnh sẽ chú trọng kêu gọi các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, thu hút các dự án có quy mô lớn, công nghệ tiên tiến. Tỉnh sẽ ưu tiên các dự án sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và năng lượng tái tạo. Kiên quyết từ chối các dự án sử dụng lãng phí tài nguyên, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

UBND tỉnh đã hoàn thành đề án “Nâng cao hiệu quả công tác thu hút đầu tư và tỉnh Hòa Bình đến năm 2025” và sẽ sớm đưa vào thực hiện trong thời gian tới.

Đối thoại - Hoà Bình kiên quyết nhặt 'sạn' để đón nhà đầu tư

Cầu Hòa Bình 2 được thông xe, đi vào hoạt động vào đầu tháng 10/2021.

NĐT: 2021 là năm có nhiều biến động đối với nền kinh tế của cả nước. Vậy tình hình đầu tư hiện tại của tỉnh Hòa Bình ra sao, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Thắng: Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 622 dự án đầu tư còn hiệu lực; trong đó có 582 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký đạt 105.130 tỷ đồng và 40 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 619,363 triệu USD và sử dụng khoảng 35.206ha đất. Trong đó, có 130 dự án đầu tư trong khu, cụm công nghiệp và 492 dự án đầu tư ngoài khu, cụm công nghiệp.

NĐT: Chúng ta đều biết, từ con số cho đến khi dự án thực sự đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương cần một sự nỗ lực rất lớn. Những dòng vốn này đã và đang thúc đẩy sự phát triển của địa phương thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Thắng: Trung bình hàng năm các doanh nghiệp và dự án đầu tư đóng góp khoảng 50% tổng sản phẩm GRDP trên địa bàn tỉnh; đóng góp trên 30% tổng thu ngân sách nhà nước của tỉnh. Hàng năm, các dự án đầu tư đã góp phần tạo thêm việc làm mới cho trên 15.000 người, với thu nhập bình quân người lao động đạt trên 5 triệu đồng/người/tháng.

Ngoài tạo việc làm trực tiếp cho các lao động, các doanh nghiệp cũng tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động gián tiếp khác, góp phần dịch chuyển cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ.

Các dự án FDI có tác động tích cực, giúp các doanh nghiệp trong nước, thành phần kinh tế khác học hỏi được các kinh nghiệm trong quản trị doanh nghiệp, xúc tiến thương mại, đàm phán hợp đồng cũng như cách thức tổ chức hoạt động đầu tư, kinh doanh, chuyển giao công nghệ.

Nhiều doanh nghiệp, dự án đầu tư sản xuất sản phẩm hàng hóa chủ lực, xây dựng liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, đưa công nghệ mới vào phát triển sản xuất, đổi mới công nghệ, tăng khả năng và quy mô sản xuất, nhiều mô hình mới được thành lập, hoạt động hiệu quả, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống người dân, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần ổn định kinh tế - chính trị tại tỉnh.

Đối thoại - Hoà Bình kiên quyết nhặt 'sạn' để đón nhà đầu tư (Hình 2).

NĐT: Thưa ông, khối kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế. Những năm qua chính quyền Tỉnh đã và đang triển khai những chính sách gì để đồng hành cùng doanh nghiệp?

Ông Nguyễn Văn Thắng: Xác định cải cách hành chính là khâu đột phá, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Các thủ tục liên quan đến đầu tư, thuế, xây dựng, giao đất, cho thuê đất được thực hiện theo hướng đơn giản hóa nhằm rút ngắn thời gian. Xây dựng, ban hành Quyết định hỗ trợ thỏa thuận giải phóng mặt bằng, Quyết định về bồi thường giải phóng mặt bằng; Nghị quyết khuyến khích đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp.... Ban hành cơ chế tạo quỹ đất sạch để phục vụ thu hút đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Hiện nay, Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh đã thực hiện cung cấp 273 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 648 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, mô hình một cửa điện tử đã được triển khai trên tất cả 10 huyện, thành phố, sắp tới sẽ triển khai rộng xuống tận cấp xã, phường. Đây sẽ là những thuận lợi rất lớn cho các nhà đầu tư trong việc hoàn thiện thủ tục hành chính.

NĐT: Ông vừa nói đến cải cách hành chính, vậy những điểm yếu nào trong thủ tục hành chính cần phải cải thiện để thu hút đầu tư?

Ông Nguyễn Văn Thắng: Năng lực thẩm định, thẩm tra, đánh giá dự án đầu tư của cơ quan Nhà nước, sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương trong việc cung cấp thông tin xúc tiến đầu tư còn hạn chế. Phần mềm một cửa điện tử chưa có sự liên thông, kết nối giữa các cơ quan trong việc giải quyết các thủ tục hành chính khiến kết quả cải cách hành chính chưa đạt được như mong muốn, thủ tục liên quan đến đất đai, xây dựng còn mất nhiều thời gian…là những điểm chưa được trong hoạt động của Tỉnh. Chúng tôi đặt mục tiêu khắc phục ngay những hạn chế trên trong thời gian trước mắt.

NĐT: Thực trạng hiện nay, doanh nghiệp thường gặp khó trong các khâu đền bù giải phóng mặt bằng, còn hiện tượng nhũng nhiễu trong giải quyết thủ tục hành chính, chậm trễ trong giải ngân nguồn vốn đầu tư công, sự chồng chéo giữa các văn bản luật... UBND tỉnh đã có phương pháp cụ thể nhằm hạn chế, chấm dứt tình trạng này để tháo gỡ cho doanh nghiệp?

Ông Nguyễn Văn Thắng: UBND tỉnh đã thành lập Tổ công tác chỉ đạo, kiểm tra công tác giải phóng mặt bằng, đôn đốc triển khai các dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách và các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh hòa Bình.

Ngoài ra, Tỉnh sẽ tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của các Tổ công tác tiếp nhận và xử lý thông tin, phản ánh của doanh nghiệp, nhà đầu tư về khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh để kịp thời xử lý những phản ánh về các hành vi gây phiền hà, sách nhiễu của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Đặc biệt, từ năm 2014, UBND tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao chỉ số cạnh tranh tỉnh Hòa Bình do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp là Trưởng ban.

NĐT: Nhân ngày doanh nhân Việt Nam, 13/10, ông có nhắn gửi gì các doanh nghiệp đầu tư?

Ông Nguyễn Văn Thắng: Hòa Bình là tỉnh thuộc vùng Thủ đô, cửa ngõ vào khu vực Tây Bắc, có cơ hội tiếp cận các nguồn vốn đầu tư, khoa học công nghệ và lao động có chất lượng cao từ vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và Thủ đô thông qua hợp tác và liên kết kinh tế với thành phố Hà Nội và các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Địa hình phong phú và đa dạng, rất thuận lợi để triển khai các dự án đô thị nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, logistics…

Với chính sách thu hút đầu tư cởi mở, quyết tâm cao trong phát triển kinh tế của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cam kết sẽ cung cấp một môi trường đầu tư thuận lợi nhất cho những doanh nghiệp trong và ngoài nước.

NĐT: Xin trân trọng cảm ơn ông về buổi phỏng vấn!

 

Hiện nay, Luật Đầu tư 2020 và các văn bản hướng dẫn thì không quy định riêng về trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư của UBND cấp tỉnh đối với dự án có đề xuất chuyển mục đích sử dụng rừng.

Trong quy trình thẩm định các dự án được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, Sở KHĐT có 3 ngày rà soát, 25 ngày thẩm định (trong đó 15 ngày để lấy ý kiến sở ban ngành khác), sau đó báo cáo lên UBND tỉnh. UBND tỉnh có 7 ngày để quyết định.

Như vậy, trong quy trình không có quy trình chấp thuận chủ trương chuyển mục đích rừng của HĐND cấp tỉnh.

Tổng cục Lâm Nghiệp cũng không có hướng dẫn chủ trương đầu tư và chủ trương sử dụng rừng cái nào có trước, cái nào có sau.

Vậy nên, trong các quy định pháp luật cần phải sửa đổi rõ ràng, thủ tục đó có cần thiết hay không. Trong khi đó, dự án đã phù hợp với quy hoạch thì nên chăng xem lại quy trình chuyển đổi mục đích sử dụng rừng này nằm chung quy trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất luôn để tạo điều kiện doanh nghiệp.

 

ĐỒNG HÀNH CÙNG DOANH NHÂN VIỆT NAM

Đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, Người Đưa Tin đăng tải loạt bài viết "Phục hồi kinh tế hậu Covid-19" với mong muốn lan toả những nỗ lực, giải pháp của doanh nhân, doanh nghiệp để vượt qua những khó khăn vì dịch bệnh; kiến nghị những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và nhà đầu tư; tạo môi trường kinh doanh ổn định, an toàn, thúc đẩy kinh tế tư nhân phục hồi sau đại dịch.

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.