Phần lớn các công ty ở Anh sẽ phải đàm phán lại giá điện và khí đốt của họ vào tháng 10 mỗi năm. Theo ước tính mới của công ty nghiên cứu Cornwall Insight cho thấy các doanh nghiệp chuẩn bị kí kết hợp đồng giá điện mới vào mùa thu này sẽ phải trả gấp 4 lần giá điện mà họ đã trả vào năm 2020.
Paul Wilson, Giám đốc chính sách tại Liên đoàn các doanh nghiệp nhỏ (FSB), cho rằng Chính phủ nước Anh cần can thiệp để ngăn hàng nghìn công ty đi vào bờ vực phá sản.
Ông Wilson nói: “Chúng tôi không còn nhiều thời gian nữa, mùa đông có thể sẽ là dấu chấm hết với nhiều doanh nghiệp và họ cần giúp đỡ ngay bây giờ. Nếu Chính phủ không giải quyết các vấn đề về chi phí của cuộc khủng hoảng kinh doanh, nhiều công ty sẽ phá sản, người lao động sẽ mất việc làm".
Công ty nghiên cứu Cornwall Insights tính toán rằng một doanh nghiệp sẽ phải trả 634 Bảng Anh/ MWh cho hóa đơn điện vào mùa thu này, gấp hơn 4 lần mức giá vào năm 2020 và gấp hơn 2 lần so với năm ngoái.
Hóa đơn điện thường chiếm tỷ trọng lớn hơn trong chi phí năng lượng cho các doanh nghiệp nhỏ so với khí đốt, theo FSB. Cơ quan thương mại ước tính rằng kể từ tháng 2 năm ngoái, một công ty điển hình ở London với mức tiêu thụ 30kWh mỗi năm dự kiến hóa đơn tiền điện hàng năm của họ sẽ tăng từ mức hơn 4.700 Bảng Anh lên hơn 21.200 Bảng Anh. Chi phí xăng sẽ tăng từ mức 1.350 Bảng Anh lên gần mức 7.050 Bảng Anh, tăng hơn 5 lần so với cùng kỳ.
Khoảng 1.800 công ty ở Anh và xứ Wales đã đăng ký vỡ nợ vào tháng 7, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2019 trước khi đại dịch xảy ra, theo dữ liệu chính thức mới nhất.
Theo CNN, hóa đơn nhiên liệu bắt đầu tăng giá từ năm ngoái trong bối cảnh nguồn cung khí đốt tự nhiên toàn cầu giảm, đẩy giá bán buôn lên mức kỷ lục. Bên cạnh đó, khủng hoảng leo thang ở Nga và Ukraine đã làm trầm trọng thêm tình hình. Tại Anh, hóa đơn năng lượng trung bình của một hộ gia đình đã tăng 54% trong năm nay, gây ra khủng hoảng chi phí sinh hoạt khiến nhiều người dân Anh phải lựa chọn giữa "sưởi ấm hoặc ăn uống".
Sự trợ giúp từ Chính phủ nước Anh là điều cấp bách
Gareth Fulford, người điều hành một nhà hàng có 8 nhân viên làm việc ở Cheltenham, cho biết công việc kinh doanh của anh đang "gặp nguy hiểm" vì giá năng lượng tăng cao, khiến giao dịch vào những ngày gần đây chậm hơn. Anh Fulford nói: “Tôi lo lắng cho công việc kinh doanh của mình trong khoảng 12 đến 18 tháng tới hơn là khoảng thời gian xảy ra đại dịch. Nó có thể sẽ dẫn đến một cuộc phá sản trừ khi có sự giúp đỡ của chính phủ".
Trước tình hình trên, Chính phủ Anh đã đề xuất một kế hoạch để giúp các doanh nghiệp và người lao động, bao gồm việc trao cho Cơ quan quản lý năng lượng Ofgem có thêm quyền lực trên thị trường kinh doanh. Bên cạnh đó sẽ không thay đổi các kế hoạch tăng trưởng trong các khoản đóng góp bảo hiểm quốc gia, đồng thời cắt giảm tạm thời thuế VAT xuống 5% và mở rộng thị trường làm việc ở nước ngoài để giảm bớt cuộc khủng hoảng thiếu lao động.
FSB cũng kêu gọi hỗ trợ một mức giới hạn cho giá năng lượng dành cho các doanh nghiệp nhỏ từ 10 nhân viên trở xuống, tương tự như các gói giá giới hạn cho các hộ gia đình. Theo thông tin được đưa ra, Ofgem chuẩn bị tăng gấp đôi giới hạn giá năng lượng bán lẻ lên khoảng 3.600 Bảng Anh từ tháng 10. Nếu không có gói giới hạn giá năng lượng cho doanh nghiệp, các công ty sẽ bị ảnh hưởng nhiều bởi sự tăng vọt giá của thị trường năng lượng.
Vào tháng 5/2022, Chính phủ Anh đã công bố gói hỗ trợ trị giá 15 tỷ Bảng Anh (18 tỷ USD) để giảm đi gánh nặng hóa đơn năng lượng. Bà Liz Truss, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Anh cho rằng việc cắt giảm thuế sẽ giúp đỡ những người đang gặp khó khăn với các hóa đơn năng lượng, thay vì hỗ trợ tiền trực tiếp. Trong khi đó, CBI, tổ chức kinh doanh hàng đầu của Vương quốc Anh đang hối thúc chính phủ họp để thống nhất về cách hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp giải quyết tình trạng hóa đơn năng lượng tăng vọt vào bối cảnh hiện tại.
Mai Anh (theo FT, Bloomberg)