Là hoa hậu, Diễm chắc chắn rất bồn bề với công việc. Vậy, chị đã làm gì để con luôn cảm nhận được tình yêu mà mẹ dành cho bé?
Theo Diễm, để trở thành một người mẹ tốt, mình cần phải học. Vì thế, sau khi sinh con, Diễm đặc biệt quan tâm đến giáo dục và chú trọng việc xây dựng một môi trường tốt để con phát triển. Một đứa trẻ khoẻ mạnh cần có chế độ dinh dưỡng phù hợp, để con vui vẻ cần tình yêu thương và sự ấm cúng trong gia đình. Bé là con gái, nên tính cách của bé ảnh hưởng rất nhiều từ mẹ. Bé có những tính tốt của Diễm và cũng bị ảnh hưởng những thói quen chưa tốt của mẹ. Đôi khi nhìn con, Diễm giật mình và tự nhủ bản thân phải thay đổi tốt hơn để có thể làm gương cho con.
Công việc bận rộn lấy của Diễm khá nhiều thời gian. Thời gian dành cho con đôi khi không được ổn định và nhiều như những bà mẹ khác. Nhưng, Diễm nghĩ đó không phải là vấn đề lớn, mà vấn đề là đã sử dụng khoảng thời gian hai mẹ con bên cạnh nhau thật sự “chất lượng” chưa? Diễm quan trọng vào chất lượng hơn là số lượng, ở bên cạnh con thì hãy quên công việc đi, chỉ tập trung vào con mà thôi.
Diễm thường đánh thức con vào buổi sáng, chải tóc cho con trước khi bé đi học. Buổi tối, hôm nào không về muộn, Diễm thường nằm nói chuyện với con về trường lớp, về những việc mà con quan tâm, những mơ ước của con (mà ước mơ trẻ con thì hay thay đổi lắm). Những ngày cuối tuần không phải đi công tác xa, hai mẹ con sẽ được bên nhau trọn vẹn 1 ngày: Cùng thức dậy đi ăn sáng, đi học ngoại khoá, ăn trưa, đi spa, chơi thể thao và tối, đọc truyện cho nhau nghe. Một năm, hai mẹ con sắp xếp đi du lịch 2 lần để tìm hiểu con mình đã lớn như thế nào, có những thể hiện tự lập và hiểu con thêm một chút nữa.
Bên cạnh đó, Diễm cũng được mẹ và anh trai hỗ trợ chăm sóc bé. Diễm phần nào cũng đỡ lo trong việc chăm nuôi, chỉ tập trung vào dạy con. Đó là lý do Diễm chưa bao giờ tự nhận hay cảm thấy mình “đơn thân” (cười).
Ngày nay, nhiều trẻ em thích chơi điện thoại, máy tính bảng. Diễm có thể bày tỏ quan điểm của mình về việc trẻ dành nhiều thời gian cho các loại thiết bị này?
Chúng ta có thể thấy, trẻ con rất thích các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính bảng… Điều này dễ hiểu vì thế giới ảo trong đó thật phong phú: Nhiều trò chơi, nhiều màu sắc, nhiều phim ảnh và những câu chuyện mà trẻ thơ say mê. Quan điểm của Diễm là không cấm con sử dụng thiết bị điện tử, nhưng cần có kiểm soát về độ tuổi sử dụng, thời gian và nội dung mà con xem. Ba mẹ cần nói chuyện, thống nhất với con và khi đã thống nhất là phải theo.
Diễm và con gái đã thống nhất với nhau: Con chưa được phép có điện thoại, mình có thể bàn về chuyện này khi con học lớp 5. Diễm cũng đang băn khoăn về việc, con bao nhiêu tuổi thì nên có điện thoại riêng. Còn bây giờ, Chiko có 1 máy tính bảng để con có thể học chữ, đọc truyện, xem phim và chơi game. Tuy nhiên, thời gian sử dụng máy tính bảng các ngày trong tuần không quá 30 phút/ ngày, hai ngày cuối tuần con có thể chơi 2 lần nhưng không quá 30phút/lần. Hai mẹ con thống nhất với nhau những chương trình, phần mềm sẽ cài trong máy tính bảng. Thỉnh thoảng, Diễm cũng kiểm tra thường xuyên thì thấy con mình chỉ thích xem truyện cổ tích, chương trình “Điều chúng mình chưa biết” và các chương trình nấu ăn thôi…
Việc để con sử dụng điện thoại vì muốn bé ăn, đừng ồn để bố mẹ làm việc,... là một sai lầm lớn. Làm như thế, vô tình, trẻ luôn biết cách chi phối bố mẹ để có quyền dùng điện thoại. Bên cạnh đó, bố mẹ tạo điều kiện cho con tham gia các lớp ngoại khoá, các hoạt động vận động ngay từ nhỏ để các con nhiều niềm vui phong phú, chứ không chỉ tập trung vào thế giới ảo của điện thoại, TV và máy tính bảng.
Lành Nguyễn