Bản Nịu là một vùng khó khăn tại xã Thượng Trạch, nơi đây không có điện lưới quốc gia, không có mạng internet và điều cấp thiết nhất là không có nước sạch để sử dụng cho các sinh hoạt cơ bản.
Đường di chuyển trên bản khó khăn, Hoa hậu Tiểu Vy phải đi nhờ xe công nông của lực lượng bộ đội Biên phòng tại địa phương để có thể đến tận địa điểm bản Nịu.
Toàn bản có 38 hộ gia đình và gần 200 nhân khẩu, công việc chủ yếu của người dân là làm nương rẫy và chăn nuôi tự cung tự cấp.
Từ bao đời nay, người dân bản Nịu dùng nước ở con suối Cà Roòng để sinh hoạt, tắm giặt, ăn uống thậm chí không qua nấu chín. Điều này hoàn toàn không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên, người dân ở đây vẫn chưa nhận thức được mức độ nguy hiểm của việc sử dụng nước suối trực tiếp không qua xử lý và nấu chín.
Nhận thấy sự cần thiết của nước sạch đối với đời sống bà con, hoa hậu Tiểu Vy đã quyết định thực hiện dự án mang nước sạch về với dân làng bản Nịu.
Từ năm 2014, BTC cuộc thi Hoa hậu Thế giới đã quyết định bỏ phần thi áo tắm ra khỏi danh mục các phần thi phụ, thay vào đó là việc đề cao vẻ đẹp vì mục đích cho hạng mục Hoa hậu Nhân ái.
Nếu là người hâm mộ cuộc thi Hoa hậu Thế giới chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra các hoạt động nhân ái, từ thiện luôn được đan lồng vào lịch trình của các thí sinh.
Phần thi Hoa hậu Nhân ái chiếm số điểm cao nhất trong các phần thi phụ để tính vào kết quả cuối cùng với hệ số 2.
Hiểu được sứ mệnh cao cả này, năm 2016 Việt Nam đã kịp thời thực hiện một cuộc cách mạng đổi mới chưa từng có trong lịch sử Hoa hậu Việt Nam đó là khởi xướng phần thi Người đẹp nhân á, toàn bộ dự án sẽ được ghi hình và phát sóng như một chương trình truyền hình thực tế.
Và năm nay, khán giả đang trông chờ rằng Trần Tiểu Vy liệu có tiếp nối thành công của đàn chị Đỗ Mỹ Linh đi trước để giật cú đúp ở phần thi này hay không?
Minh Anh (tổng hợp)