Hoa khôi thể thao Thu Hương nói về Bà Tưng.
- Chị đánh giá thế nào về hiện tượng "Bà Tưng" ầm ĩ suốt gần 2 tháng qua?
- Tôi nghĩ mạng xã hội phát triển, mọi thứ đến quá dễ dàng khiến con người không có ý thức, kinh nghiệm để nhìn nhận mọi vấn đề một cách chuẩn mực nhất. Đặc biệt là ở lứa tuổi mới lớn không có ai bên cạnh hướng dẫn, họ dễ bị ảo tưởng mà không thể lường trước được những hậu quả về sau.
Có thể sau này khi Huyền Anh trưởng thành hơn và mong muốn có một gia đình riêng của mình thì tôi nghĩ sẽ rất khó để bố mẹ nào đó muốn con mình lấy một người đã từng "nổi loạn" như "Bà Tưng".
Và ở góc độ làm cha làm mẹ thì chắc chắn cũng không có bậc phụ huynh nào muốn con mình hành động giống Huyền Anh cả.
- Khi chị bằng tuổi "Bà Tưng" - Huyền Anh, chị đã có khái niệm về sự nổi tiếng chưa và chị có ý định sẽ phải tìm mọi cách để được nổi tiếng?
- 16 tuổi tôi đã đoạt danh hiệu Hoa khôi rồi nhưng tôi nghĩ ở mỗi giai đoạn áp lực về tâm lý, xã hội là khác nhau. Ví dụ ở thời của tôi làm gì đã có facebook và internet. Thông tin thời đó dễ kiểm soát nên bố mẹ giám sát mình cũng dễ hơn. Bây giờ người trẻ, hay người già chỉ cần viết một status nào đó lên mạng xã hội thôi cũng đủ để tạo ra một làn sóng dữ dội rồi.
Nên tôi nghĩ cái quan trọng là góc nhìn nhân văn của những người xung quanh vì sự "ném đá" của dư luận sẽ dẫn đến 2 trường hợp. Một là nếu người ta yếu đuối quá có thể sẽ nằm luôn một chỗ không ngóc đầu lên được. Một dạng khác, cá tính hơn thì càng chê trách thì họ càng làm cho tới.
- Vậy chị có nghĩ "sản phẩm Bà Tưng" là lỗi của truyền thông không vì hiện đang có rất nhiều kênh thông tin suốt ngày đưa tin về Can Lộ Lộ, Cung Nguyệt Phi...kiểu như càng mặc đồ thiếu vải, càng khoe được nhiều da thịt thì độ nổi tiếng càng lớn và cát-sê càng nhiều?
- Có chứ! Nhưng thật ra nó không hẳn là lỗi hoàn toàn mà là hệ quả tất yếu của việc bùng nổ và phát triển của truyền thông, mạng xã hội...Đặc biệt là facebook, đây là công cụ giúp được nhiều người nhưng cũng hại không ít người. Điều này có lẽ chính "cha đẻ" của facebook cũng không lường trước được sự khủng khiếp của nó.
- Nghĩa là theo chị "Bà Tưng" đang là nạn nhân của mạng xã hội?
- Tôi nghĩ nạn nhân thì không hẳn vì cô ấy ý thức được là việc làm của mình sẽ tạo ra được làn sóng dư luận nên không thể gọi là nạn nhân. Bản thân cô ấy cũng không giấu giếm giấc mơ được nổi tiếng, được trở thành ca sĩ. Có thể Huyền Anh chưa ý thức được mọi hậu quả nhưng cô ấy đã 20 tuổi và đã đủ tuổi để có trách nhiệm với mọi hành động của mình.
- 20 tuổi "Bà Tưng" vẫn khiến nhiều bậc phụ huynh phải lo lắng vì sợ con cái mình "học đòi" theo những hành động nổi loạn không phù hợp văn hóa Việt Nam. Vậy một cô gái nổi tiếng từ năm 16 tuổi như chị làm thế nào để giữ được hình ảnh đẹp đẽ đến tận ngày hôm nay?
- Tôi nghĩ nền tảng gia đình rất quan trọng. Bố mẹ tôi kèm cặp tôi dữ lắm. Tôi phát ngôn gì, gặp ai...đều có bố mẹ giám sát rất chặt. Đặc biệt là mẹ, bà vô cùng khắt khe và quyết liệt nếu như tôi có biểu hiện gì đó không đúng.
Tôi được như ngày hôm nay là nhờ sự khắt khe của gia đình. Nhưng có đôi lúc tôi cũng nghĩ nếu thời tôi đoạt giải mà có facebook thì chắc tôi cũng không được như bây giờ (cười). Cho nên là mọi thứ ở mỗi thời điểm, giai đoạn là khác nhau.
- Nhưng chị có ủng hộ việc "Bà Tưng" - Huyền Anh bị tạm ngừng tham gia các hoạt động của giới showbiz không?
- Tôi chưa đọc thông tin về vấn đề này. Nhưng tôi có đọc bài phỏng vấn Huyền Anh, có vẻ như cô ấy đang rất ân hận. Tôi hi vọng Huyền Anh nhìn thấy sự nông nổi của mình đã tạo ra hệ quả không tốt cho chính Huyền Anh và hình ảnh giới trẻ Việt Nam hiện nay.
Hi vọng cô ấy nhận ra và có nhiều cách để nổi tiếng, để ghi được dấu ấn chứ không phải bằng bất cứ chiêu trò gì cả.
- Là một người mẹ chị có lo lắng là sẽ khó kiểm soát con mình ở thời đại "ăn, ngủ" cũng cho lên mạng xã hội không? Đặc biệt là một số bộ phận giới trẻ sẵn sàng làm những điều không giống ai để thu hút sự chú ý của dư luận, xã hội?
- Bất cứ ai cũng có một nhu cầu vô cùng quan trọng là phải trở thành một ai đó và thời nào cũng vậy, trẻ có và thậm chí già rồi cũng muốn người khác biết đến mình. Tôi nghĩ nhu cầu được ghi nhận là tất yếu của mỗi con người chỉ là mỗi người sẽ có cách riêng để tạo dấu ấn.
Cách tôi định hướng và nguyên tắc nuôi dạy con cái là tạo cho con trong tiềm thức ngay từ khi còn nhỏ là cái nào được, cái nào không được và giới hạn nó ở đâu. Vợ chồng tôi luôn nghiêm khắc với điều này và không có bất cứ sự thỏa hiệp nào cả thấy sai là phải sửa ngay như vậy mới hi vọng sau này không có bố mẹ ở bên thì các con vẫn sẽ biết cách giới hạn bản thân trước những quyết định của cuộc sống. Đó là hành trang lớn nhất mà tôi chuẩn bị được cho con cái của mình vì làm sao mình ở bên cạnh bảo vệ cho con cả đời được.
Theo Giáo dục