Phát hiện khiến giới săn vàng... hoa mắt
Thực vật là loài có khả năng tổng hợp và chọn lọc các vi chất trong đất khá tốt, đặc biệt là những chất hiếm nằm lẫn trong đất. Mới đây, các nhà khoa học phát hiện ra một số loại cây trồng có khả năng tổng hợp không chỉ các chất nuôi dưỡng cây mà còn tổng hợp được các kim loại như Niken, Cadimin, kẽm...
Các loại thực vật này thông qua rễ hút các chất lỏng có chứa các kim loại kể trên rồi vận chuyển lên thân và lá. Trước đây, các nhà khoa học đã khám phá ra cách sử dụng những loại cây siêu hấp thụ (hyperaccumulator) này để loại bỏ chất ô nhiễm. Tuy nhiên, giới nghiên cứu chưa từng biết đến một loại cây siêu hấp thụ nào có khả năng "hút" vàng tự nhiên.
Các hạt vàng trong đất sẽ được khai thác nhờ cây mù tạt.
Từ phát hiện trên, nhà địa hóa, môi trường đến từ trường đại học Massey tại New Zealand, ông Chris Anderson đã nảy ra một ý tưởng kỳ lạ mà hết sức thú vị: Khai thác vàng từ việc sử dụng thực vật để trích xuất các hạt vàng quý giá có lẫn trong đất. Kỹ thuật khai thác vàng có tên gọi phytomining.
Tuy nhiên, các nhà khoa học khác đều băn khoăn về tính khả thi của ý tưởng này, nó sẽ gặp rất nhiều khó khăn bởi vàng là kim loại không dễ tan trong nước như các kim loại khác để các loại thực vật có thể hấp thụ. Để giải quyết khó khăn này, Anderson quyết tìm ra cách giải quyết, "buộc" vàng phải tan và trở thành chất cây có thể hấp thụ được. Anderson cho biết: "Dưới một số điều kiện hóa học nhất định, tính tan của vàng có thể điều khiển được. Do đó, chúng ta sẽ lấy được vàng ngay từ trong cây trồng".
Một trong những loài cây được Anderson để ý là cây mù tạc hay mù tạt. Loài cây gia vị này được chú ý từ hơn 15 năm trước. Theo nghiên cứu của Anderson, cây mù tạt có khả năng lấy được vàng từ những khu đất được dự đoán có vàng hoặc các mỏ vàng bị bỏ lại (công nghệ hiện nay không thể khai thác hết lượng vàng chứa ở các mỏ nên khi mỏ bị bỏ lại, một lượng vàng đáng kể vẫn còn sót lại trong đất) và đã được xử lý bằng công nghệ hóa lỏng vàng. Công nghệ này được tiến hành theo nhiều bước và đảm bảo không tốn quá nhiều thời gian.
Trước hết, các nhà khoa học sẽ tìm một loại cây có thể lớn nhanh với tán lá rộng như cây mù tạt. Sau đó, họ sẽ trồng loài cây này trên mảnh đất có chứa vàng (người ta thường sử dụng thiết bị chuyên dụng, phát hiện được nơi có vàng trong đất), tốt nhất là ở quanh khu vực mỏ vàng. Khi cây đã lớn đủ tiêu chuẩn cần thiết, các nhà khoa học sẽ tiến hành xử lý đất bằng chất hóa học khiến vàng có thể tan ra để cây dễ dàng hút vào thân.
Khi cây lấy nước, chuyển nước đến lá cây, vàng đã tan chảy trong nước từ đất ngấm vào thân cây. Khi cây bốc hơi, thoát nước ra bằng những lỗ nhỏ trên lá, vàng sẽ tích tụ trong sinh chất của cây, cho phép người ta có thể thu hoạch các hạt vàng nhỏ đọng trên lá.
Tuy nhiên, đó vẫn chỉ là lý thuyết. Phần khó khăn nhất của phương pháp "trồng cây lấy vàng" là giai đoạn chiết xuất vàng từ cây. Để lấy vàng, các nhà khoa học phải đốt cây và tách vàng ra khỏi tro bằng phương pháp hóa học. Phương pháp hóa học này chính là việc sử dụng một lượng lớn axit mạnh, đủ để làm tan tro nhưng vàng không bị tác động, từ đó, họ có thể thu được các hạt vàng nguyên chất được thải ra từ cây.
Với việc thu hoạch vàng này, cây mù tạt còn được gọi là loài cây "đẻ" ra vàng và được Anderson coi đó là một công cụ đắc lực cho việc thu vàng còn sót lại trong đất, tránh lãng phí sau mỗi lần khai thác bằng phương pháp truyền thống. Anderson còn nói đùa: "Đây sẽ là loài "cây vàng" của thế hệ tương lai sau này".
Các hạt vàng trong đất sẽ được khai thác nhờ cây mù tạt.
Thế giới sẽ "điên đảo" với những loài cây "sản xuất” được vàng
Vàng tìm thấy trong cây là dạng phân tử nano nên đây sẽ là tiềm năng lớn cho ngành công nghiệp hóa chất, lĩnh vực vốn sử dụng các hạt nano vàng như vật xúc tác cho những phản ứng hóa học. Giá trị của phương pháp này ở chỗ nó xử lý được tình trạng ô nhiễm tại các khu khai thác vàng bị bỏ lại và giảm thiểu các tác động ô nhiễm môi trường. Bởi bên cạnh việc hấp thụ vàng, cây trồng còn hấp thụ một số chất có hại cho con người như thủy ngân, thạch tín, đồng... Ngày nay, ngoài cây mù tạt, Anderson còn phát hiện thêm một số loài cây có khả năng hút kim loại lẫn trong nước như hoa hướng dương, cây thuốc lá...
Việc khai thác vàng theo cách phổ biến hiện nay không thể lấy được 100% vàng từ các khoáng chất xung quanh, vì vậy chúng ta có thể đang lãng phí một số vàng nhất định. Ông Anderson nhận định: "Kỹ thuật phytomining không thể thay thế các cách khai thác vàng truyền thống. Giá trị của nó nằm ở chỗ công nghệ này giúp xử lý, khắc phục hậu quả của các khu mỏ vàng bị ô nhiễm và thu được phần nào lượng vàng bị bỏ phí".
Ông Anderson hiện đang bắt tay cùng các nhà nghiên cứu ở Indonesia để phát triển một hệ thống "bảo vệ" dành cho các thợ khai thác vàng thủ công, quy mô nhỏ để sử dụng kỹ thuật mới nhằm giảm sự ô nhiễm thủy ngân từ hoạt động của họ. Tuy nhiên, một số nhà khoa học cảnh báo, các nguy cơ làm ô nhiễm môi trường đi liền với việc khai thác vàng bằng cây trồng có thể rất lớn, tương tự như các khai thác truyền thống.
Mặc dù mù tạt và một số loại cây trồng khác có khả năng làm giảm sự nhiễm độc của thủy ngân trong đất nhưng những hóa chất sử dụng để xử lý đất làm vàng tan chảy lại gây ra một vấn đề khác. Xyanua và thiocyanate, những hóa chất độc hại thường được các công ty khai thác vàng sử dụng để làm vàng lộ ra khỏi vỉa đá, chắc chắn sẽ được dùng để hòa tan các hạt vàng vào nước trong đất. Mặt khác, các loại acid này còn đe dọa đến tính mạng con người khi sử dụng nếu vô tình để xảy ra sai sót.
J. Scott Angle, nhà nông học đến từ trường đại học Georgia (Mỹ) nhấn mạnh: "Bản thân quá trình này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường. Theo tôi, việc sử dụng cây lấy vàng này cần có phương pháp khác, đảm bảo không tác động đến môi trường đất, cũng như môi trường không khí".
An Mai (Theo Livescience)